(Sức khỏe) Phụ nữ Việt Nam, Nhật Bản xưa nhuộm răng đen, ảnh hưởng đến sức khỏe do thành phần hóa chất độc hại trong thuốc nhuộm.
Nhuộm răng đen
Nhuộm răng đen là tục phổ biến ở Nhật Bản và Việt Nam, có từ khoảng năm 200. Người xưa cho rằng răng đen là biểu tượng của sức khỏe, sắc đẹp, địa vị quý tộc. Nhuộm răng đen ở Nhật Bản được gọi là ohaguro, thường dành cho phụ nữ đã có chồng, ngoài ra nam giới và nữ giới đến tuổi dậy thì đôi khi cũng nhuộm.
Họ dùng dung dịch chứa sắt acetate và bột có chứa tannin để nhuộm răng. Dung dịch chứa sắt là dạng lỏng thu được bằng cách hòa tan sắt trong giấm hay còn gọi là nhuộm răng dưới nước (Kanemizu). Trong quá trình nhuộm răng đen, phải sử dụng tannin có chiết xuất từ các loại rau và trà. Hai thành phần này kết hợp với nhau trở thành chất không tan trong nước và bám vào răng. Để có được bộ răng đen như ý muốn phải nhuộm rất nhiều lần.
Các chuyên gia nhận định, tục nhuộm răng ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng do các thành phần hóa học được sử dụng để làm đen răng gây nhiều bệnh. Năm 1870, chính phủ Nhật Bản bỏ tục lệ này.
Giày cao gót lênh khênh
Giày cao gót thời cổ đại được thiết kế rất đặc biệt, điển hình là giày Chopines từ thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ 15-17). Chúng có đế rất nặng và chiều cao 70 cm, là sự lựa chọn yêu thích của phụ nữ Italy. Những chiếc giày lênh khênh này gây khó khăn và nguy hiểm cho người đi.
Ngày nay, giày cao gót đã được cải tiến rất nhiều để vừa đẹp lại tiện lợi. Tuy nhiên theo các chuyên gia, chúng vẫn có thể gây đau chân, hại đến xương khớp và dây thần kinh. Chưa kể đến khi ngã hay vấp, bạn có thể bị bong gân hoặc gãy mắt cá chân.
Áo nịt eo
Quan niệm về vẻ đẹp của một vòng eo siêu nhỏ thịnh hành trong nhiều thế kỷ. Eo nhỏ tạo hiệu ứng khiến ngực và hông trở nên gợi cảm hơn, nữ tính hơn. Từ thế kỷ 16, con người dùng áo nịt để eo thon. Áo Corset bắt nguồn từ châu Âu, thít chặt vào vòng eo, giúp phụ nữ có được thân hình “đồng hồ cát”. Do cơ chế thít chặt, bó nghẹt mà những người diện loại áo nịt chẽn này phải chịu đau đớn, khó thở, có người gãy xương sườn, dồn ép nội tạng quá mức làm chảy máu trong.
Tóc giả
Vào thế kỷ 17, tóc dài là một biểu tượng địa vị, vua Louis XIII (Pháp) lại có dấu hiệu hói đầu phải đội tóc giả. Từ đó những bộ tóc giả cỡ lớn được làm từ lông ngựa và dê lan rộng khắp châu Âu. Chúng được trang trí công phu đến mức người đội nó thường phải ngủ ngồi để giữ phong cách.
Qua thời gian, những bộ tóc giả này không thực sự được rửa sạch, dẫn đến lây nhiễm chấy, rận, bướm đêm và đôi khi cả chuột gây bệnh. Mái tóc giả bằng bột tồn tại cho đến cuối thế kỷ 19.
Thời trang Crinoline
Váy crinoline, thường được gọi là váy hoop, thịnh hành ở châu Âu thế kỷ 19, có hình dạng khung bên trong như một chiếc lồng. Đây là kiểu váy phồng sơ khai, có độ xòe lớn, rất nặng nề và kỳ công, khi mặc cần sự trợ giúp của nhiều người. Ban đầu những chiếc váy này được làm từ lông ngựa hoặc vải thô, thường gây kích ứng da và phát ban. Hình dáng của váy cũng khiến việc di chuyển khó khăn, đặc biệt là đi qua các ô cửa hẹp, dễ vướng vào bánh xe làm nhiều phụ nữ bị thương.
Ngày nay, các nhà thiết kế vẫn ứng dụng những kỹ thuật tạo bồng khéo léo mà không cần cồng kềnh như xưa để tạo nên những chiếc váy.
Cổ áo cứng
Cũng trong thế kỷ 19 có một trào lưu dành cho đàn ông là cổ áo cứng tháo rời. Loại cổ áo này có màu trắng, cao đến sát cằm và bó chặt. Nó được mệnh danh là thứ phụ kiện giết người vì có thể gây ngạt thở nếu không cẩn thận.