(Nhiếp ảnh Hà Nội) Hiếm có người nào say nghề và bền với nghề như ông. Với ông, hạnh phúc là được trên từng cây số, được thể nghiệm với mỗi khuôn hình, mỗi góc ảnh đẹp. Vì thế, trong cuộc đời ông, lúc thì Hà Giang, Mù Cang Chải, Sa Pa, khi thì Mộc Châu, Sơn La, khi thì Vũng Tàu, Bình Phước… Mỗi miền đất ông đặt chân đến, người ta lại được nhìn thấy những điều mới mẻ, đẹp đẽ và đầy hấp dẫn.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành
Tôi có dịp đến chơi nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đinh Quang Thành nhiều lần. Nhà ông dễ tìm, từ cầu Chương Dương rẽ phải theo đường đi Bát Tràng khoảng vài km là tới. Qua cánh cổng, cái khiến người ta dễ nhận ra nhất là khuôn viên rộng đến hơn 200 m2, kiến trúc hiện đại, được trang trí nhiều cây cảnh quý giá. Những lần sau gặp lại ông, tôi hay đùa: “Khuôn viên bác ở chẳng khác nào dinh thự Tổng đốc ngày xưa”. Phòng khách sang trọng, ấm cúng, trên tường treo vài tác phẩm ảnh nghệ thuật chụp vùng cao Tây Bắc, một kệ gỗ dài kê sát vách kính nhìn ra sân trước, bầy biện những đồ gốm, đồ sứ giả cổ được chọn lọc cầu kì. Thấy tôi quan sát căn phòng có vẻ thích thú, ông nói: Trước kia mình ở bên Hà Nội, nhà cửa xây dựng mấy tầng rồi, nhưng vẫn cảm thấy bí bách, ồn ào, sau bàn với vợ con mua đất bên này vừa rộng rãi, không khí lại trong lành, thoáng đãng. Từ khi sang đây mình cảm thấy sức khỏe khá hơn nhiều, hợp với tuổi già, công việc cho người làm báo, viết lách.
Cầu cáp treo trên sông Đào (Nam Định, 1966)
NSNA Đinh Quang Thành sinh năm Nhâm Tuất, quê ở Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, một làng ven đô Hà Nội. Kiêu Kỵ vốn có nghề truyền thống lâu đời dát vàng, bạc, nhưng ông bén duyên cùng nhiếp ảnh. Quả thật, niềm say mê của ông thì ít ai sánh kịp. Tôi còn nhớ lần đi sáng tác ảnh cùng ông ở Hà Giang – Cao Bằng. Chặng đường dài gần 600 km Hà Nội – Lũng Cú, Đồng Văn, ô tô qua nhiều đèo dốc nhưng khi bắt gặp một địa danh có nhiều cảnh đẹp, hay phiên chợ vùng cao, lập tức ông yêu cầu xe dừng lại và như một thanh niên, ông nhanh nhẹn vác máy tác nghiệp. Nhiều anh em có khi còn chưa kịp đặt góc máy, quay đi quay lại đã không thấy ông đâu, ngước mắt lên quả đồi trước mặt đã thấy mái tóc bạc phơ tung bay trước gió, ông đang thả hồn trước ống kính… Ông kể rằng, ông tới Hà Giang không dưới 10 lần. Vì thế, ông nhớ và thuộc từng bản làng, con suối, những điểm cần bấm máy từ Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc cho đến Lũng Cú, Đồng Văn như trong bàn tay, đấy là chưa kể nhiều địa danh trong cả nước mà ông đã đặt chân qua như Mù Cang Chải, Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương, vào đến miền Trung, xa hơn là các tỉnh Nam bộ để cho ra những tác phẩm ảnh nghệ thuật đẹp.
Trên cồn cát Bàu Trắng (Phan Rang)
NSNA Đinh Quang Thành đến với nghề nhiếp ảnh cũng thật ngẫu nhiên. Năm 23 tuổi, ông được người anh là nhà báo NSNA Đinh Đăng Định giới thiệu và được tuyển vào khóa đào tạo phóng viên TTXVN(1958-1960). Khi tốt nghiệp được cử làm phóng viên chuyên mảng thời sự chính trị. Ba năm sau, ông được cơ quan cử làm phóng viên thường trú tại tỉnh Hà Nam Ninh. Những ngày tháng trên mặt trận thông tin, tuyên truyền đầy hiểm nguy, vất vả nhưng ông luôn tự hào: “Mình là người lính không cầm súng nhưng vũ khí là máy ảnh theo người”.
Tại khu rừng cao su phía Nam Dầu Giây, Sư đoàn 304 trao lá cờ Quyết chiến,
Năm 1965, không quân Mỹ đánh phá ra miền Bắc trong đó có tỉnh Nam Hà, nơi trung chuyển vũ khí, lương thực của ta vào Nam chống Mỹ, ông có mặt ở các đơn vị thanh niên xung phong, bám sát các đội dân quân tự vệ. Cũng tại mặt trận này, ông đã chụp được nhiều bức ảnh thời sự báo chí có tính nghệ thuật cao và được tặng nhiều giải thưởng, bằng khen của Nhà xuất bản Văn hóa, Hội nhà báo, Hội NSNA Việt Nam – giải thưởng quốc tế cho hai lĩnh vực báo chí và nghệ thuật.
Máy bay trực thăng chờ sĩ quan ngụy chạy trốn bị bắn rơi ngay trên đường phố Lý Thường Kiệt, Sài Gòn
Chiến dịch tổng tiến công năm 1975, ông cùng nhóm phóng viên quân sự Thông tấn xã hợp thành mũi nhọn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và có mặt tại Dinh Độc Lập vào đúng thời khắc lịch sử (11 giờ 30 ngày 30/4/1975). Những tấm ảnh chụp Lữ đoàn xe tăng 203 đánh chiếm Dinh Độc Lập, các chiến sĩ Sư đoàn 10 truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất được in trên các trang báo khắp đất nước hàng trăm lần, in trên sách ảnh Việt Nam, Mỹ, Nhật. Phóng sự ảnh giải phóng Sài Gòn của ông được tặng Huy chương đồng Giải báo chí quốc tế (OIJ).
Xe tăng của Lữ đoàn 203 tiến đánh căn cứ Nước Trong, 1975
Năm 1980, ông được cử sang Campuchia làm chuyên gia đào tạo biên tập, phóng viên ảnh cho TTX- SPK. Sau này trở về Hà Nội, ông được phân công biên tập ảnh tổng hợp của cơ quan TTXVN cho đến khi nghỉ hưu. NSNA Đinh Quang Thành là một trong số các thành viên sáng lập ra Hội NSNA Việt Nam(1965) và cũng là hội viên những ngày đầu mới thành lập. Là người có trình độ trong lĩnh vực nhiếp ảnh, uy tín, nên ông thương xuyên được Hội NSNA, Hội Nhà báo Việt Nam cử làm giám khảo các cuộc thi ảnh toàn quốc và khu vực.
Truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất trưa 30/4/1975
NSNA Đinh Quang Thành thuộc thế hệ “cây đa, cây đề”, cùng thời với nhà báo NSNA Mai Nam, Minh Trường, Phạm Tuệ, NSNA Đỗ Huân. Ông cũng là người góp công đào tạo nhiều phóng viên nhiếp ảnh trên nhiều lĩnh vực báo chí trong cả nước. Hiện tại, ông là chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh Hồng Hà, một CLB có bề dầy thành tích trong lĩnh vực ảnh nghệ thuật, hầu hết hội viên thuộc Hội NSNA Việt Nam, hội viên Hội FIAP. Trong số này nhiều người đã giành được giải thưởng trong các kì thi ảnh trong nước và quốc tế. Giờ đây khi tuổi đã cao nhưng ông chưa hề có ý định nghỉ ngơi. Ông bảo: Còn sức khỏe là còn đam mê sáng tác ảnh. Sáng tác ảnh là niềm vui, là niềm hạnh phúc, niềm hạnh phúc ấy càng lớn nữa khi cùng các bạn trẻ trên từng cây số đến với mọi miền của Tổ quốc.
Bài: NSNA Duy Ngọc
Ảnh: NSNA Đinh Quang Thành