Sau mỗi trận mưa rào, dân làng Đăng Thượng, huyện Thạch Thành, lại lên núi tìm ốc đá về làm thức ăn và bán cho du khách tham quan Cúc Phương.
Sớm sớm cuối tháng 7, anh Nguyễn Văn Thành, 30 tuổi, ở làng Đăng Thượng, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, cầm con dao quắm, đeo chiếc túi rồi rảo bước về núi đá vôi sau làng. Đêm qua, vùng này có mưa rào, đoán chắc nhiều ốc đá bò ra khỏi hang đi tìm thức ăn nên anh Thành và hơn chục người đi bắt ốc.
Băng qua vài đám rẫy trồng keo dưới chân núi là đến địa điểm có ốc, cách nhà Thành khoảng 3 km. Nhiều năm theo cha mẹ đi bắt ốc đá nên anh khá thành thạo kỹ năng. Khom người bước vào lùm cây rậm trước mặt, luồn bàn tay xuống đám lá rụng dưới mặt đất, anh nhặt lên hai con ốc to bằng miệng chén cho vào chiếc túi đeo sau người.
Đảo mắt nhìn quanh, đi thêm vài bước, anh lại tìm được những con ốc khác. “Đang đúng vụ nên ốc béo, con nào cũng căng mẩy”, anh Thành nói. Ở vạt rừng đầu tiên, anh kiếm được vài chục con. Đi tiếp sang các vạt rừng khác và sau khoảng 3 giờ, anh Thành trở ra với thành quả 4 kg ốc.
Mang số ốc vừa bắt được về nhà, anh Thành đổ ra rổ cho mẹ rửa sạch trước khi đem xuống chân sườn dốc gần thác Mây bán cho du khách. Mỗi kg ốc đá (loại 70-80 con một kg) bán lẻ 80.000-90.000 đồng, bán buôn giá thấp hơn một chút. Gần nửa ngày công hôm đó, anh Thành thu được hơn 200.000 đồng.
Bà Bùi Thị Uyên, 60 tuổi, cho hay ốc đá còn gọi là ốc núi hoặc ốc thuốc, là loài nhuyễn thể được người Mường xem như đặc sản. Con ốc to bằng chén uống nước, thân dẹt, màu nâu hoặc khoang sọc có thêm vệt trắng đục. Loài này thường sống trên những triền núi đá vôi có độ ẩm cao, nhiều nhất ở rừng rậm nguyên sinh. Đăng Thượng nằm ở vùng đệm rừng quốc gia Cúc Phương nên có rất nhiều ốc.
Mùa ốc đá thường bắt đầu từ cuối tháng 3, kéo dài đến tháng 9 âm lịch, rộ nhất vào dịp giữa hè. Ốc không tập trung một chỗ mà sống rải rác khắp nơi. Nắm bắt đặc tính loài ốc đá thường bò ra ngoài sau thời điểm trời nắng to gặp mưa rào để kiếm ăn nên dân làng sẽ lựa lúc thích hợp đi bắt. Để bắt được nhiều, người dân phải dậy từ sớm khi chúng rời khỏi hang và kết thúc khi nắng lên.
“Ốc đá không chỉ làm thức ăn mà được coi như vị thuốc quý vì chúng thường ăn các loài lá cây, thảo dược trong rừng và có giá trị dinh dưỡng cao”, bà Uyên chia sẻ. Xưa kia, người dân Đăng Thượng chỉ bắt ốc làm thực phẩm nhưng vài năm gần đây, nhiều du khách đến khám phá thác Mây, thích thưởng thức món ăn bản địa nên ốc chủ yếu được bán cho khách.
Từng 30 năm bắt ốc đá, ông Nguyễn Ngọc Chính, 65 tuổi, cho hay hơn chục năm trước ốc nhiều vô kể, bắt một buổi được 7-8 kg, ăn không hết phải đem chia cho hàng xóm. Nhưng mấy năm nay nhiều người đi tìm, bắt liên tục nên số lượng ốc ít dần. Hôm rảnh rỗi, có khi đến 40-50 người làng Đăng Thượng rủ nhau đi tìm ốc. Mỗi mùa, người chăm chỉ có thể kiếm 4-5 triệu đồng.
Giờ muốn bắt nhiều ốc phải vào rừng sâu, ít người đặt chân đến. Ông Chính kể có người thạo nghề, quen đường rừng, đi xa đến gần 10 km. Vào rừng rậm không có lối mòn nên đã có người bị lạc, phải ngủ lại hôm sau mới lần về làng.
“Bắt ốc là thói quen hình thành từ xa xưa của bà con dân bản. Công việc này không khó nhưng leo núi vất vả, thường đối mặt nhiều nguy hiểm như trượt chân ngã núi, bị rắn rết, côn trùng cắn gây thương tích…”, ông Chính nói.
Ốc đá chủ yếu ăn lá cây rừng, thảo dược nên khá sạch. Ốc bắt về rửa sạch, ngâm nước chừng nửa giờ là có thể nướng, xào me, hấp gừng xả, trộn gỏi hành tây… Ngon nhất vẫn là ốc luộc vì giữ được hương thơm của vị thuốc. “Ốc núi ở Thạch Lâm thịt dai, thơm và béo hơn những vùng khác”, ông Chính nói.
Ngoài Thạch Lâm, ốc đá còn sinh sống nhiều trên các triền núi đá vôi ở các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Bá Thước hay vùng Nho Quan (Ninh Bình), Mai Sơn, Lạc Thủy (Hoà Bình)…