Năm mươi năm, nhìn lại và suy ngẫm

Giữa những ngày chống Mỹ sôi sục của cả nước, sáng mồng 10 tháng 10 năm 1966, tại Câu lạc bộ Đoàn Kết nhìn ra Quảng trường Nhà Hát Lớn, một cuộc họp mặt nhỏ chưa đến hai trăm đại biểu những người làm văn hóa văn nghệ của Thủ đô, đã cùng khắc vào lịch sử hoạt động văn học nghệ thuật Hà Nội một mốc son sẽ mãi mãi không phai cùng năm tháng: Đó là thời khắc ra đời của tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp vẻ vang của giới văn nghệ sĩ thủ đô: Chi hội văn nghệ Hà Nội- tiền thân của một Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật trưởng thành và phát triển toàn diện như ngày hôm nay.

16114038_197579464044907_6786637177427833296_n

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội trao tặng Bằng khen cho Hội LHVHNT Hà Nội

Năm mươi năm, tự hào và cảm kích nhìn lại, chúng ta có thể rút ra rất nhiều bài học cho hoạt động văn hóa văn nghệ, thông qua một tổ chức khác biệt và mới mẻ so với các “ Văn đoàn” trước đây, kể cả Tự lực Văn đoàn nổi tiếng trước cách mạng.Trước tiên, đó là một tổ chức tự nguyện đi theo định hướng về tư tưởng và mục tiêu sáng tạo của những trí thức văn nghệ sĩ tiên tiến, noi theo lý tưởng  Chân – Thiện – Mỹ và chủ nghĩa nhân văn chân chính trong tầm nhìn của Đảng và Cách mạng, lấy việc phục vụ cho sự nghiệp của dân tộc và sự phát triển bền vững của đất nước làm hòn đá thử vàng cho mỗi sáng tác, mỗi hoạt động mở ra cùng công chúng. Vì thế tính chính trị và tính định hướng đã mở ra ngay từ những bước đi đầu tiên của tổ chức tập hợp này, nó còn nguyên ý nghĩa là tổ chức “ chính trị – xã hội -nghề nghiệp” cho đến ngày hôm nay và thực tế đã giúp chúng ta noi theo chuẩn xác  từng bước đi đối với lý tưởng thẩm mỹ dám dấn thân phục vụ cho lý tưởng phấn đấu cao cả của cả cộng đồng dân tộc, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của con người Việt Nam, qua tiến trình cách mạng, đổi mới và hội nhập.

16114815_197579514044902_5968665672162868361_n

Lễ khen thưởng các hội viên có thành tích cống hiến trong chặng đường 50 năm

Trong thời điểm cao trào của cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ và cuộc leo thang trong cuộc Chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, giới văn hóa văn nghệ Hà Nội là một trong các tổ chức có sáng kiến khởi đầu trong việc tổ chức kết nghĩa giữa 3 Thành phố Hà Nội – Huế – Sài Gòn tay trong tay cùng kề vai sát cánh chiến đấu vì độc lập và thống nhất đất nước, và cuộc triển lãm đầu tiên của Chi hội văn nghệ Hà Nội đã được đích danh đồng chí Trường Chinh, đồng chí Trần Duy Hưng và Phái đoàn đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam tại Hà Nội, cùng nhà thơ Bảo Định Giang của Đồng Tháp Mười Nam Bộ đến tham dự khai mạc và đánh giá cao. Giải thưởng VHNT Thủ đô lần thứ nhất năm 1967 đã trao 2 Giải thơ danh dự cho 2 nhà thơ vốn cũng mới từ Hà Nội trở về miền Nam chiến đấu là nhà thơ Nam Hà và nhà thơ Lê Anh Xuân. Hai nhà thơ trẻ được Giải nhất lần đầu tiên năm 1967 của văn nghệ Hà Nội bấy giờ là nhà thơ Vũ Quần Phương với bài “Âm thanh im lặng” và nhà thơ Bằng Việt với bài” Trở lại trái tim minh”. Và thật cũng rất vinh dự là giải thưởng đầu tiên của văn nghệ Hà Nội cũng đã kịp thời vinh danh 2 nhà văn nổi tiếng bậc nhất củaThủ đô qua nhiều thời: Nhà văn Nguyễn Tuân với loạt bài ký “ Ở mặt trận Hà Nội”, sau này in trong tập ký sự nổi tiếng: “ Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” và nhà vănTô Hoài, vị Chủ tịch sáng lập ra Hội, với tập truyện “Người ven thành”. Về Ảnh nghệ thuật, Giải thưởng đầu tiên dành cho nhà nhiếp ảnh có tên tuổi bậc nhất: Võ An Ninh và nhà nhiếp ảnh Vũ Ba. Và Giải Sân khấu đã điểm danh một trong các vở kịch có tiếng vang bậc nhất suốt thời chống Mỹ: Vở “Tiền tuyền gọi” của nhà viết kịch Trần Quán Anh. Thực sự, khí thế của thời đại và âm hưởng hào hùng của cuộc chiến đấu vì độc lập, thống nhất đất nước đã hòa cùng hơi thở với các sáng tác đầu tiên được vinh danh của giới văn học nghệ thuật Thủ đô ngay từ thời ấy.

w16729755_1327074407359459_1385501223_n

Ban Lãnh đạo Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội chụp ảnh kỷ niệm với khối Văn phòng Hội

          Hôm nay, sau 50 năm nhìn lại, chúng ta vô cùng tiếc nuối trước sự mất mát không gì bù đắp nổi của những tên tuổi lớn đã từng làm rạng danh cho cả giới. Chúng ta trân trọng với sự đóng góp và công lao to lớn của các bác, các đồng chí đã hoạt động trong nhiều thời kỳ như: Các nhà viết kịch Nguyễn Bắc, Học Phi, Lưu Quang Vũ, Xuân Bình, Việt Dung, Xuân Yến; các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Bùi Huy Phồn, Anh Thơ, Kim Lân, Chu Hà, Hà Ân, Vũ Bão, Thọ Sơn, Huỳnh Tâm Chí; các nhà nghiên cứu Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Vinh Phúc, Trần Quốc Vượng; các nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh, Đỗ Huân, Đinh Đăng Định, Mai Nam, Lê Dũng; các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Thị Kim, Phạm Văn Đôn, Quang Phòng, Vũ Giáng Hương, Lê Quốc Lộc, Lương Xuân Nhị; các nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, Thái Cơ, Lê Bùi, Hồ Quang Bình; các nhà thơ: Quang Dũng, Trần Huyền Trân, Huyền Kiêu,Trần Lê Văn, Vũ Cao, Hoài Anh, Giang Quân, Nguyễn Hà, Xuân Quỳnh, Dương Kiều Minh, Bế Kiến Quốc; các KTS Tạ Mỹ Duật,Trịnh Hồng Triển, Ngô Huy Giao, Phạm Cao Nguyên; các nhà biên đạo múa Lâm Tô Lộc, Đoàn Long; các đạo diễn điện ảnh: Bùi Đình Hạc, Hải Ninh… Xin các bác, các đồng chí  đứng dậy dành một phút tưởng niệm các hội viên lão thành đã khuất của chúng ta. ( Xin cảm ơn).

Kính thưa các bác, các anh các chị!

Hồi mới thành lập, trong suốt thời bao cấp, có thời điểm, chúng ta cũng còn e ngại là Hội của chúng ta nếu được tổ chức chặt chẽ theo định hướng của một ý thức hệ chủ đạo thì sẽ có phần hạn chế sức tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ, thậm chí có nguy cơ “công chức hóa” văn nghệ sĩ trong một cơ chế do Nhà nước tài trợ hoạt động. Nhưng thực tiễn của 50 năm vừa qua đã bác bỏ mối lo không đủ căn cứ ấy, và cũng hùng hồn chứng minh rằng văn nghệ sĩ chúng ta, khi được tập hợp và tạo điều kiện tốt về tổ chức và điều kiện hoạt động thì càng có nhiều thuận lợi hơn để phát huy khả năng, sáng kiến và tâm huyết cho những sáng tạo được ấp ủ từ nhiều năm của mình, chỉ chờ khi hội đủ điều kiện cần và đủ là sẽ có thể thăng hoa.     Kinh phí hoạt động cho Hội chúng ta từ nhiều năm nay là do Nhà nước tài trợ gần như toàn bộ. Từ những thời kỳ khó khăn đầu tiên, kinh phí ít, hoạt động đầu tư sáng tác thấp, cho đến thời kỳ cơ quan văn nghệ chúng ta được giao kế hoạch và phân bổ Ngân sách ngang hàng như một cơ quan Nhà nước, mặc dù vẫn nằm trong hệ thống kinh phí Ngân sách hỗ trợ cho các đoàn thể quần chúng. Đấy có thể nói vẫn là một đặc thù rất đặc trưng cho hoạt động văn hóa văn nghệ của chế độ xã hội chúng ta, mà không một nước nào nằm ở một hệ thống xã hội khác có được. Tuy nhiên, nói điều này không có nghĩa là mãi mãi chúng ta nên bằng lòng với cách tổ chức Hội như hiện nay, mà với hoạt động kinh phí bao cấp, dù thế nào thì cũng có phần hạn hẹp và không thể trang trải cho đến hết các sáng kiến mở rộng hoạt động về cả bề rộng và bề sâu của chúng ta. Chúng ta phải tính đến việc xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động, tự chủ để đứng được, đi được và chạy nhảy được trên hai chân của mình! Đấy chính là nhiệm vụ trong những năm tới, song song với việc Quốc hội đang soạn thảo bộ luật mới về Hội, nâng tầm hoạt động và yêu cầu đối với Hội chúng ta lên cao hơn nhưng cũng đòi hỏi cách thức tổ chức Hội của chúng ta năng động và tự chủ hơn, từng phần tìm ra phương thức thoát khỏi bao cấp toàn diện.

15965886_197579567378230_8174796536069939438_n

Đông đảo đại biểu của chín Hội chuyên ngành tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội LHVHNT Hà Nội

Lại cũng có thời điểm, chúng ta lo ngại rằng những hạn chế ấu trĩ về cách nhìn, cách đánh giá tác phẩm chỉ ưa thích thiên về phía ngợi ca và tuyên truyền, tô hồng xã hội, sẽ làm cái nhìn của trí thức chúng ta bị đơn điệu, bị thu hẹp và công thức, rồi sẽ bị xơ cứng và xa rời chân lý khách quan của cuộc sống. Từ đó, cách đánh giá và tôn vinh các tác giả, tác phẩm cũng sẽ bị sa vào giản đơn và ước lệ. Nhưng 50 năm qua, đã có đủ mọi thăng trầm để chúng ta yên tâm rằng cái gì là đúng, là chân lý khách quan thì bao giờ cũng đủ sức vượt lên và tự khẳng định mình một cách thuyết phục và tràn đầy sức sống. Nhất là từ năm 1986, năm khởi đầu cho thời kỳ Đổi Mới và Hội nhập, chúng ta đã có một sự bứt phá lớn trong cách nhìn, trong nhận thức. Sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chúng ta đối diện với một thế giới mở ra thênh thang, rợn ngợp, mà có nhà khoa học gọi đó là “ thế giới phẳng”, cho chúng ta thả sức bươn trải đến tận mọi ranh giới nhận thức cao xa nhất và sâu thẳm nhất. Rồi những thập kỷ gần đây, với sự bùng nổ của thông tin và vi tính toàn cầu, có sự kết nối Internet toàn cầu. Dù muốn dù không, thế giới đã thu nhỏ lại gần như dưới cùng một mái nhà và mọi động thái, diễn biến trên toàn thế giới gần như đồng thời đã lan truyền đến khắp năm châu với một tốc độ chóng mặt với cả sự chính xác toàn vẹn. Không có bất cứ một sự kiện gì có thể đứng ra ngoài hệ thống thông tin vận hành chớp nhoáng này. Báo nói và các trang viết trên mạng đang có điều kiện thống lĩnh cảm xúc và tư duy nhân loại. Phương tiện đã trở nên bão hòa, thừa thãi, vấn đề chính là chúng ta phải điều chỉnh nhận thức và biết cách nắm bắt nó như thế nào, làm cho nó trở thành một lợi thế phù hợp với sự tiến hóa khách quan cũng như lợi ích, nhu cầu chủ quan của mỗi chúng ta. Và nhận thức của xã hội thì luôn có chiều hướng diễn tiến ngày càng cao, ngày càng tiệm cận thuận lợi đến sát chân lý khách quan . Chính đó cũng là quy luật  luôn luôn ủng hộ chúng ta được nghĩ và làm theo chân lý khách quan và phép biện chứng của sự vật, tận dụng lợi khí và phương tiện hiện đại để giải quyết mọi vấn đề theo phương pháp khoa học và hài hòa, bỏ xa dần nếp tư duy theo lối duy ý chí hoặc duy tâm chủ quan. Người làm văn hóa văn nghệ đích thực chính là người biết thâu tóm mọi kiến thức và vốn hiểu biết sâu sắc, uyên bác nhất của thời đại, có tư duy phù hợp với phong cách nghĩ của những người tiên tiến nhất ở thời mình sống, do vậy, cách thức đưa ra và giải quyết vấn đề trong tác phẩm của anh ta mới có ích cho cả cộng đồng và làm cộng đồng phải quan tâm đi cùng với mỗi khám phá của anh ta. Đó cũng là một trong những vấn đề nhạy bén nhất trong nề nếp cải tiến cách thức sinh hoạt và hoạt động trong tổ chức Hội chúng ta, để nó ngày càng có ích cho mỗi hội viên, để nó thực sự là một Hội thúc đẩy sáng tạo và hỗ trợ cho tư duy sáng tạo.

16114629_197579520711568_6365830580854227639_n

Lễ trao giải thưởng cho các thành tựu trong hai năm qua

Vai trò của văn hóa văn nghệ, nếu nhìn trên bề nổi hiện nay, cũng có phần làm chúng ta còn bi quan, vì thấy nó chưa phát huy được hết tác dụng như chúng ta mong muốn. Tác phẩm của chúng ta in ra phát hành nhỏ giọt, trên một Thủ đô đã lên tới 7- 8 triệu dân mà số lượng mỗi đầu sách phát hành không quá 1000 bản. Văn hóa đọc của công chúng cũng đang có khó khăn, không làm cho chúng ta yên tâm.Nhu cầu đọc sách của thanh thiếu niên ngày nay hình như đang có phần giảm sút. Nhuận bút khi viết ra một cuốn sách là không đủ sống.Và các nhà hát, các sân khấu, các rạp chiếu bóng không còn thu hút khách giống như nhu cầu giải trí ở những thời hoàng kim…Nhưng biết làm sao được, mọi thứ đều có quy luật phát triển, không thể nôn nóng để đốt cháy giai đoạn. Đồng thời, phương pháp tiếp cận với sáng tác của chúng ta cũng như thị hiếu thưởng thức của công chúng cũng đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu kỹ, để có khả năng đáp ứng và thích nghi. Vì vậy, vẫn cần có sự bình tĩnh, kiên tâm và tự tin; tin vào quy luật của sự phát triển, tin vào sức mạnh thiên lương của sự  tích lũy và chắt lọc mọi tri thức nhân loại, tin vào sức mạnh luôn tiềm ẩn sự đột phá của dân tộc và ngay trong từng người chúng ta, để luôn luôn tự biết đột khởi bằng một lối tư duy quyết liệt và mạnh mẽ; rồi cũng từ đó, chắc chắn có thể khẳng định rằng tương lai của Văn hóa và Tri thức sẽ còn mở rộng mãi và hứa hẹn một tiền đồ phổ cập tươi sáng. Nhận thức ấy hãy luôn đi cùng với cảm xúc nghệ sĩ của chúng ta và cũng đồng thời là nền tảng cân bằng giữa lý trí và tình cảm để chúng ta đạt tới thành công. Ngày hôm nay, chúng ta cũng sẽ trao 26 giải thưởng cho các thành tựu 2 năm vừa qua của Hội chúng ta. Chỉ đơn cử những gì tạo nên ưu điểm cho các tác phẩm sẽ được trao của Giải VH-NT Thủ đô năm nay thôi, cũng đáng làm chúng ta có những gợi ý lạc quan về cách thức mà những tác phẩm của hội viên chúng ta đã nỗ lực cách tân và đổi mới như thế nào để đi được vào lòng bạn đọc và công chúng, làm nên từng dấu ấn tinh thần đáng lưu tâm cho thời đại chúng ta đang sống.

 Đó cũng đồng thời là mấy ý nghĩ nhỏ đầu Xuân, mấy kỳ vọng, mà chúng tôi, những người làm văn nghệ ở Thủ đô muốn gửi đến tất cả bạn bè cả nước và quốc tế, nhân dịp cùng nhau ôn lại bước đưởng hình thành và phát triển qua nửa thế kỷ vẻ vang của đội ngũ văn hóa văn nghệ của Thủ đô. Xin cảm ơn và xin chúc các bác, các anh chị em luôn luôn dồi dào sức khỏe, nhiều thành tựu trong sáng tạo, và cùng với toàn thể gia đình đón một năm mới nhiều tài lộc, an khang, thịnh vượng.

Nhà thơ Bằng Việt
Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội

 


Tin liên quan