(Nhiếp ảnh Hà Nội) Hầu như làng quê Bắc Bộ nào cũng có một cây gạo đâu đó quanh làng, thường ở đầu làng hoặc ở những cánh đồng. Tháng 3 về, mùa hoa gạo cũng về, màu hoa đỏ thắm trong ký ức của những người con xa quê.
Chú Vành khuyên nhỏ đang hít hà hương gạo đầu mùa
Một ngày đầu tháng 3, khi tìm về ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Bắc Ninh, tôi may mắn được chiêm ngưỡng những bông gạo nở sớm đỏ rực một góc trời, trên những bông gạo ấy một vài chú Vành khuyên đang mải mê hít hà hương gạo đầu mùa.
Mùa hoa gạo về mang bao ký ức của những người con xa quê
Mỗi cánh hoa như tia lửa mặt trời
Chỗ cây gạo tọa lạc là một gò đất cao cách đền Xà của huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh khoảng 300m. Nhân dân quanh vùng lưu truyền về câu chuyện, chính gò đất cao nơi gặp gỡ giữa sông Cầu với sông Cà Lồ và cũng là đại bản doanh của phòng tuyến sông Cầu thời kỳ chống nhà Tống xâm lược (1075 – 1077); Lý Thường Kiệt đã đứng trên mỏm đất này và đọc bốn câu thơ:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” (NXB Khoa học xã hội năm 1971).
Đêm hôm ấy, gió đông nam đã đưa lời thơ hào hùng của ông sang doanh trại của quân xâm lược Tống ở bên kia phòng tuyến sông Cầu… Đã góp một công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống lại nhà Tống!
Cảnh chiều quê êm ả khi hoàng hôn buôn
Người đời sau đã trồng cây gạo bên ngã ba sông đúng vào vị trí mà Lý Thường Kiệt đã đứng đọc thơ. Nếu đứng bên cây gạo thuộc đất Bắc Ninh, thì bên kia sông Cầu là đất Bắc Giang, bên kia sông Cà Lồ là đất Hà Nội. Đến khoảng cuối tháng ba dương lịch thì cây gạo nở hoa đỏ rực một góc trời… của ba tỉnh và soi bóng xuống hai dòng sông huyền thoại.
Một khung cảnh quen thuộc ở làng quê Bắc Bộ
Bài, ảnh: NSNA Nguyễn Đăng Minh