Nghề bắt cua đồng

(Khám phá)

Trời sẩm tối, bà Trần Thị Nguyệt (56 tuổi, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên) cùng hàng chục người khác mang xô nhựa ra cánh đồng bắt cua.

Bà Nguyệt bắt cua đồng dưới mương nước ngoài đồng, tối 25/2. Ảnh: Đức Hùng

Bà Nguyệt bắt cua đồng dưới mương nước, tối 25/2. Ảnh: Đức Hùng

Bà Nguyệt đi ủng bảo hộ, đầu đội đèn pin, rảo bước dọc các mương nước bên bờ ruộng. Mỗi khi thấy cua dưới mặt nước, bà nhanh tay bắt rồi bỏ vào xô nhựa. Cứ đi khoảng ba bước, bà Nguyệt lại bắt được một con.

“Cua đồng sống ở tầng đáy vùng nước ngọt, chúng thích nghi với bùn sét, bùn cát, sinh sản quanh năm nhưng nhiều nhất là từ tháng 4 đến tháng 6. Ngoài thời gian này cua đẻ ít và nhỏ hơn”, bà Nguyệt nói.

Cua đồng sống ở vùng nước ngọt, thích nghi với bùn. Ảnh: Đức Hùng

Cua đồng sống dưới bùn ở những vùng nước ngọt. Ảnh: Đức Hùng

Bắt cua đồng là nghề làm thêm của người dân xã Cẩm Quan. Mỗi đêm, từ 7 giờ tối đến hơn 9 giờ, chị Vũ Thị Bình (trú thôn Vĩnh Phú) lại ra cánh đồng gần nhà để mò cua; trung bình bắt được khoảng 5 kg, bán 60.000 – 70.000 đồng mỗi kg.

“Chịu khó làm cũng kiếm được mỗi đêm trên dưới 300.000 đồng. Tháng làm khoảng 10 ngày, bù đắp phần nào chi phí gia đình”,  chị Bình nói.

Thời gian gần đây, để chống dịch corona, nhiều học sinh được nghỉ học nên buổi tối các em tranh thủ mang xô chậu ra đồng phụ giúp bố mẹ. “Em ôn bài vào buổi ngày, còn tối đến cùng chị gái đi bắt cua. Tiền kiếm được đưa cho mẹ để nộp học phí và mua quần áo mới”, Nguyễn Thị Hà (14 tuổi, trú thôn Thanh Sơn, xã Cẩm Quan) nói.

Theo người dân địa phương, nghề bắt cua đồng không đòi hỏi nhiều chi phí, chỉ cần đầu tư 200.000 đồng mua đèn pin và xô nhựa. “Nghề này nhìn đơn giản vậy nhưng đi bộ mấy tiếng đồng hồ, liên tục đứng lên ngồi xuống rất mệt, nhiều khi hoa mắt ngã xuống bờ ruộng”, bà Nguyệt chia sẻ.

Ông Linh (áo xám, đeo kính) đang thu mua cua đồng của người dân trong xã Cẩm Quan. Ảnh: Đức Hùng

Ông Linh (ngồi) đang thu mua cua đồng của người dân trong xã Cẩm Quan. Ảnh: Đức Hùng

Còn theo chị Bình, nhiều lần vì mải bắt cua trong hang, chị thò tay vào thì bắt trúng con rắn, “rất may tôi thường đeo găng tay nên không sao”. “Năm ngoái ở làng có một người bị rắn độc cắn khi bắt cua, tới bệnh viện kịp thời nên không nguy hiểm tính mạng”, chị Bình nói.

Cua đồng được người dân xã Cẩm Quan bán cho ông Nguyễn Văn Linh (50 tuổi, ở thôn Vĩnh Phú). Gia đình ông Linh làm nghề thu mua cua nhiều năm nay. Hàng đêm, mỗi khi người dân địa phương ôm xô chậu đựng cua đến bán, ông Linh cùng vợ phân loại, cân trọng lượng và trả tiền ngay.

“Trung bình mỗi đêm mua được khoảng 200 kg cua đồng. Sáng hôm sau, tôi thuê xe tải cỡ nhỏ chở ra các tỉnh miền Bắc bán lại cho nhà hàng, quán nhậu”, ông Linh nói.

Tin liên quan