(Tâm sự) Ngoại trừ những ngày mưa, còn lại những hôm rong ruổi trên các cung đường ở bán đảo Sơn Trà, ông Dân đều cặm cụi thu gom rác.
Đà Nẵng đầu hè nắng gắt, ông Nguyễn Dân không bắt đầu ngày mới bằng việc chào mời khách mua kem. Ngay khi đến cung đường uốn lượn trên bán đảo Sơn Trà, người đàn ông 54 tuổi dừng xe với thùng kem đầy ắp phía sau, cặm cụi tìm rác lẫn trong thảm hoa.
Ông Nguyễn Dân với công việc thu gom rác ở bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Dành 10 phút nhặc rác trên đường, dưới mương nước hay giữa những thảm hoa, ông Dân thu về gần một bao nylon lớn chứa đầy vỏ hộp sữa, lon bia, chai nhựa, thức ăn thừa do người dân và du khách bỏ lại khi tham quan bán đảo Sơn Trà – cách trung tâm Đà Nẵng hơn 10 km.
Nhà ở thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), ông Dân thức dậy từ lúc tờ mờ sáng, sau đó chạy chiếc xe máy cũ khoảng một giờ đồng hồ ra đến Đà Nẵng nhập kem và chạy một mạch lên Sơn Trà. Nếu gặp khách, ông dừng mời mua kem, còn vắng thì ông đi lượm rác.
Những năm trước, ông Dân bán kem ở chùa Linh Ứng, rồi ngược lên đỉnh Bàn Cờ vốn có nhiều người tìm đến lễ chùa, tham quan. Khu vực này nhiều rác, nhưng từ khi Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch đặt các thùng rác thì đã giảm bớt.
Nụ cười của người bán kem ba năm tình nguyện nhặt rác ở Sơn Trà. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ông Dân lui xuống bán kem ở khu vực Bãi Bắc (đoạn qua chùa Linh Ứng dẫn xuống Cây đa di sản) và đảm nhận luôn công việc dọn vệ sinh. Mỗi khi bán kem cho khách, ông Dân lại rảo quanh thu gom rác ở khu vực xung quanh và dọn dẹp phần túi, que kem khách bỏ lại.
“Không riêng gì vỏ kem mà rác gì tôi cũng lượm, cho vào bao. Mỗi ngày đều đặn thu được ba bao nylon lớn. Còn nếu khoảng 3 ngày tôi lên đây bán kem thì gom tới 10 bao”, ông Dân nói. Khi đã gom đủ rác, ông Dân đặt bao ở ven đường để khi xuống dốc thì chở về bỏ vào thùng rác dưới chân bán đảo.
Ba năm nhặt rác ở Sơn Trà, ông Dân tạm đúc kết: “Khách Tây ý thức hơn người Việt mình”. Nhiều đoàn khách nước ngoài khi ngắm cảnh thường ít mang theo đồ ăn uống và nếu có sẽ tìm nơi có thùng rác. Còn khách trong nước hay người dân bản địa hay tụ tập ăn uống và “xả đại”.
Một bọc rác được ông Dân tìm thấy do người dân vứt lại khu vực có thảm hoa vàng trên đường lên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Những khu vực nhiều rác ở bán đảo Sơn Trà được ông Dân thuộc lòng bàn tay. Từ khu hồ xanh nơi có nhiều đôi tìm đến chụp ảnh cưới, đến Bãi Rạng, Bãi Bắc nơi thu hút nhiều khách du lịch. “Bãi Bắc là nơi nhiều rác nhất, vì nhiều người muốn dừng chân chụp ảnh với thảm hoa vàng”, ông Dân nói.
Mỗi ngày bán kem khoảng 5 tiếng giúp ông Dân thu nhập khoảng 300.000 đồng. Nhiều người góp ý mùa nắng nên bán thêm, nhưng ông Dân bảo để có thời gian đi thu gom rác. “Khách lên bán đảo thấy mình nhặt rác thế này họ cũng ý thức và ít xả rác hơn”, ông nói.
Anh Đào Trung, người cũng chuyên nhặt rác ở bán đảo Sơn Trà, nhận xét: “Ông Dân nhặt rác vì cái tâm và niềm yêu mến với thiên nhiên”. Để khích lệ, anh Trung tặng ông Dân chiếc que gắp rác chuyên dụng. Hai người vẫn thường gặp và trò chuyện vui vẻ khi cùng nhau làm sạch Sơn Trà.
Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, ông Nguyễn Đức Vũ cho biết do khách đến tham quan tự do bán đảo Sơn Trà ngày một đông dẫn đến một lượng rác lớn bị bỏ lại. “Hành động của ông Dân rất đáng khích lệ. Chúng tôi cũng kêu gọi người dân nâng cao ý thức trong việc xả rác để chung tay bảo vệ Sơn Trà”, ông Vũ nói.
Sơn Trà được ví như báu vật thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng, tái tạo oxy đủ cho 4 triệu dân, là túi nước cho cả vùng Đà Nẵng và phố cổ Hội An. Từ nhiều năm nay, khu rừng rộng hơn 4.400 ha được đưa vào khai thác du lịch. Lượng khách đến không ngừng tăng. Năm 2012, hơn 420.000 lượt khách tìm đến bán đảo này thì chỉ sau 5 năm đã tăng lên hơn 2,1 triệu lượt (chủ yếu ở chùa Linh Ứng với hơn 2 triệu lượt khách).
Đã có những tác động tiêu cực đến Sơn Trà từ hoạt động du lịch, trong đó có việc xả rác. Một khảo sát của nhóm nghiên cứu Trung tâm con người và Thiên nhiên công bố tại hội thảo về bảo tồn đa dạng sinh học mới đây cho thấy, 984/1.482 du khách (tỷ lệ 72,9%) cho biết sẽ không đến Sơn Trà nếu rác thải không được thu gom, xử lý. 1.047 người cho biết sẵn sàng trả tiền để lên Sơn Trà, nếu có điểm và phương tiện thu gom rác thải trên các tuyến.