Nhiều người dùng lưới, chài, chĩa… bắt cá sau khi đập hồ Trị An ngừng xả lũ, có ngư dân kiếm hàng triệu đồng.
Sáng 28/10, thủy điện Trị An bắt đầu đóng đập sau gần một tháng xả lũ tại cửa tràn thuộc thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu. Sau chừng 30 phút ngưng xả, nước hạ thấp, hàng trăm người dân ùa xuống dưới chân đập rộng chừng 2.000 m2 để bắt cá. Nhiều người tập trung đi theo nhóm kéo dài khoảng 100 m dọc bờ sông.
“Tôi chờ từ sớm để đánh bắt, không chỉ có cá bán kiếm ít tiền mà còn rất vui”, anh Hải, ở thị trấn Vĩnh An nói.
Với tâm lý săn cá “khủng” bán được nhiều tiền, một số người dùng vợt, lưới… để vây bắt. Theo các ngư dân chuyên đánh bắt cá trên hồ Trị An, so với những năm trước, năm nay cá ít hơn do hồ xả thời gian dài, nhưng bù lại nhiều cá lớn về đập, chủ yếu là cá mè, lăng, tra dầu…
Việc đóng đập cũng khiến không khí chợ thủy sản gần đó nhộn nhịp, thu hút nhiều người. Một số thương lái đưa xe tải với đầy đủ hệ thống oxy, ướp đá… để thu mua với giá cao hơn cá nuôi. Giá cá lăng từ 130.000 đến 200.000 đồng một kg, cá mè 20.000 đồng một kg… Những cá “khủng”, trên 10 kg được bán theo kiểu “khách ra giá, được thì bán”.
“Cá sông Đồng Nai lâu nay nổi tiếng ngon, sạch nên nghe tin đóng đập, tôi cùng bạn lên mua về. Năm nay, cá lăng ít nên giá khá cao”, anh Trung, một người dân TP Biên Hòa nói.
Cá là loài thích bơi ngược dòng vì chỉ cần há miệng ra, thức ăn có thể đã lọt vào cổ họng, còn bơi xuôi dòng nước, chúng phải tốn rất nhiều sức để đuổi theo con mồi.
Mỗi khi thủy điện Trị An xả lũ, cá từ dưới hạ nguồn bơi ngược lên, khi đụng phải đập thì tụ lại ở đây. Nhưng nếu thủy điện xả lũ nhiều ngày lượng cá sẽ không nhiều vì cá không vượt được đập lại quay về xuôi.
Hồ thủy điện Trị An rộng 323 km2, nằm trên sông Đồng Nai thuộc huyện Định Quán và Vĩnh Cửu. Ngoài mục đích sản xuất điện lưới quốc gia, công trình còn đảm bảo nước sinh hoạt, nông nghiệp, đẩy mặn và điều tiết lũ… cho vùng hạ lưu sông. Để đảm bảo an toàn đập và điều tiết lũ, hồ bắt đầu xả nước từ ngày 8/10.