Người dân té nước, bắt vịt tại lễ hội Làm Chay

Hơn 25.000 người tham gia té nước, bắt vịt, kéo co tại lễ hội Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu.

Lễ hội Làm Chay tổ chức từ ngày 24-26/2 (15 đến 17 tháng Giêng) hàng năm, tại khu di tích Đình Tân Xuân, khu phố 1, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành. Lễ hội nhằm tưởng nhớ chí sĩ yêu nước Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự bị thực dân Pháp xử tử. Ngày nay lễ hội còn có ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi và khôi phục các giá trị văn hoá dân gian truyền thống.

Lễ hội được ví như “Tết Nguyên đán thứ 2” của người dân địa phương trong năm. Trong các nghi thức, đoàn múa lân cùng người dân thỉnh Ông Tiêu từ chùa về sân đình. Ông Tiêu hay Tiêu diện Đại sĩ theo quan niệm dân gian là vị bồ tát chuyên hàng yêu phục quỷ, cứu độ chúng sinh.

Người dân đứng trên cầu và ven đường đón ghe chiêu u (cúng cô hồn) đường sông gồm đội lân, các sư thầy cùng chức sắc chạy vòng quanh sông rạch khoảng 2 giờ. Ghe chiêu u dừng tại các rạp để rước cô hồn đi, theo quan niệm dân gian.

Khoảng 15h ngày 26/2, hàng trăm trai làng cởi trần tham gia hội thi bắt vịt. Đây là một trong những phần vui nhộn nhất trong lễ hội được nhiều người dân chờ đón. Các thanh niên dùng sà lan, xuồng hoặc mặc áo phao trầm mình dưới sông chờ sẵn từ trước. Trong khoảng nửa tiếng, hơn 200 con vịt thả dưới sông bị các thanh niên bắt lại.

“Do nhà ở gần, năm nào em cũng đến tham gia bắt vịt, năm nay em cùng nhóm bạn bắt được 6 con vịt, đem về làm thịt liên hoan”, Nguyễn Phúc Luân, 18 tuổi, nói.

Ban tổ chức lễ cho biết lễ năm nay trùng ngày nghỉ cuối tuần, lễ hội đông gần gấp đôi mọi năm, trên 25.000 khách. Nhiều CSGT, cơ động tăng cường túc trực tại các khu vực giao lộ giữ trật tự.

Người dân dùng ca nhựa, súng bắn nước lẫn vòi xịt người đi đường.

Hai thanh niên đi xe máy bị tạt nước ướt sũng. Một số người mặc áo mưa hoặc dùng băng rôn che chắn người khi đi qua khu vực tránh bị ướt, nhưng đa số người bị tạt nước đều vui vẻ.

Khoảng hơn 18h ngày 26/2, xe hoa diễu hành chở thầy trò Đường Tăng đi quanh động được dựng bằng cây đủng đỉnh, lá dừa, chuối để đánh “yêu quái” do các trai làng hóa trang. Tại khu vực có gần 10 động lớn nhỏ. Các đệ tử Đường Tăng sau khi giao chiến với yêu quái xong, động bị giật sập và đốt bỏ lư hương, bài vị với ý nghĩa cho những thứ xui rủi qua đi, năm mới làm ăn sẽ thuận lợi hơn.

Người dân tụ tập bên bờ sông xem ghe đăng. Năm nay là năm con rồng nên ghe đăng được trang trí theo hình linh vật rất công phu. Bên bờ sông, người dân sẽ thả hoa đăng và đợi các sư thầy, chức sắc cúng xong để được phát lộc là bánh kẹo, trái cây.

Nhiều năm nay, để hạn chế người dân chen lấn xô rào vào sân đình tranh lộc gây mất an ninh, ban tổ chức đã thiết kế hệ thống hàng rào sắt thay rào gỗ. Lộc gồm bánh kẹo được phân phát cho người dân bên ngoài rào.

Chị Võ Thanh Lam (giữa) xin được lộc gồm bánh gói lá và quả trứng vàng. “Nhà ở gần nên năm nào tôi cũng rủ người thân đến lễ xin lộc với hy vọng việc làm ăn được may mắn, gia đình bình an”, chị Lam nói.

Đến 0h là phần quan trọng nhất của lễ hội, nghi thức đốt Ông Tiêu. Theo quan niệm dân gian, ai xin được lưỡi Ông Tiêu sẽ làm ăn may mắn. Để hạn chế người dân tranh giành, ban tổ chức tiến hành đốt Ông Tiêu khu vực giữa sân đình.

Tin liên quan