Simon Carter thích chụp những người mạo hiểm chinh phục các vách đá cheo leo ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng thế giới.
Simon Carter người Canberra, Australia, từng được tạp chí Men’s Journal (Mỹ) vinh danh là một trong những nhiếp ảnh gia phiêu lưu mạo hiểm nhất thế giới và tạp chí Rock and Ice (Mỹ) mô tả là “nhiếp ảnh gia leo núi vĩ đại nhất mọi thời đại”.
Từng có dịp du lịch Hạ Long, Việt Nam, Simon Carter chụp nữ vận động viên Monique Forestier (ảnh) treo mình giữa không gian cách mặt biển 10 m, với một tay bám chặt khối thạch nhũ có kích cỡ bằng người buông xuống từ trần hang Kim Quy.
Ngoài hệ thống đảo đá vôi, Hạ Long còn mê hoặc du khách với các hang động tự nhiên tuyệt đẹp, trong đó có động Kim Quy, nằm trên hòn Dầm Nam có đỉnh cao 187 m, nổi tiếng với những nhũ đá từ trần hang buông xuống và sự tích liên quan đến Rùa Vàng giúp vua Lê Lợi đánh tan quân giặc, sau này đặt tên là động Kim Quy.
Simon Carter treo mình trên chóp núi thiết lập hệ thống, thiết bị máy móc để vươn ra cách vách núi khoảng 8 m và tác nghiệp dãy núi Blue, bang New South Wales, Australia.
Đam mê nhiếp ảnh từ thời thiếu niên và cả bộ môn leo núi, Simon Carter sau đó định hình phong cách riêng là chụp ảnh leo núi mạo hiểm. Trong 38 năm qua, ông đã chinh phục và chụp ảnh các điểm leo núi nổi tiếng tại Australia như các dãy núi Blue, Arapiles, Grampians, Cape Hauy cùng nhiều điểm leo núi nổi tiếng khác trên thế giới.
Nhà leo núi John Smoothy bám chặt leo lên vách đá dựng đứng tại trạm leo Charlie, bên dưới là biển mây phủ vùng rừng quanh dãy núi Blue, bang New South Wales.
Simon Carter chụp ngược sáng cảnh vận động viên Tony Barron bám chặt vào đường rãnh giữa hai sườn núi để leo lên trên cao tại điểm Atridae, thuộc núi Arapiles, bang Victoria, Australia.
Nhà leo núi Lee Cossey chinh phục bức tường đá Taipan Wall cao 55 m tại khu vực núi Grampians, bang Victoria, bằng tay không.
Bộ môn Free Soloing hay còn gọi là tay không leo núi là một cách leo núi mạo hiểm mang tính sống. Người chơi không dùng bất kỳ thiết bị hỗ trợ nào, chỉ sử dụng sự khéo léo của cơ thể và một túi đựng bột magie để bôi lên tay nhằm tăng ma sát khi bám.
Pha mạo hiểm đu mình cheo leo vách đá của hai nữ vận động leo núi Ashlee Hendy (trên) và Elizabeth Chong tại điểm leo Clean Cuts, vườn quốc gia Grampians, bang Victoria.
Simon Mentz (trên) và hai vận động viên khác trong quá trình leo chinh phục cột đá cao 65 m tại Cape Hauy, bán đảo Tasmania, Australia.
Ngoài Việt Nam, Australia, Simon Carter cũng chu du nhiều nơi như Hy Lạp, Anh, Mỹ để săn thể loại ảnh nguy hiểm này. Trên hình Simon Carter ghi lại cảnh tượng ngoạn mục nhà leo núi Simon Montmory chinh mục “Mắt bão” – vòm hang động Pha lê (Crystal Cave) trên đảo Telendos, gần Kalymnos, Hy Lạp.
Đảo Telendos có hình dạng bán nguyệt, gồm một núi đá có vách dựng đứng sát biển, khu dân cư duy nhất nằm ở đồng bằng phía nam đảo với khoảng 54 người sinh sống.
Simon Carter ghi lại cảnh Ben Heason bám chặt khi leo phiến đá Cầu vồng có mặt phẳng hình vuông (Rainbow Slab), một điểm leo núi nổi tiếng tại xứ Wales, Vương quốc Anh
Mike Doyle (trên) và Monique Forestier cùng chinh phục bề mặt dựng đứng vách núi của khối đá Smith Rock có hình dạng mặt khỉ tại bang Oregon, Mỹ.
Monique Forestier kiêu hãnh đứng trên chóp núi Corkscrew thuộc khối núi sa thạch Ancient Arts, gần Moab, bang Utah, Mỹ.