Ngày 27/8/2022. Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức cuộc hội thảo ” LÀM GÌ ĐỂ NHIẾP ẢNH NGHỆ THUẬT HÀ NỘI VỮNG BƯỚC VÀ PHÁT TRIỂN”.

Trong tiến trình phát triển chung của nhiếp ảnh Việt Nam, nhiếp ảnh Hà Nội luôn được coi là một trong những trung tâm có truyền thống lâu đời và đạt được những thành tựu vẻ vang. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phong trào nhiếp ảnh Hà Nội đã dần đánh mất vị thế của mình. Đứng trước thực trạng đó, ngày 27/08/2022, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức cuộc Hội thảo: “Làm gì để nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội vững bước và phát triển” .
Thành phần tham dự gồm: Gồm các ban Chuyên môn; Lãnh đạo Hội NANT Hà Nội qua các thời kỳ; các Chi hội Trưởng, Chủ nhiệm các Câu lạc bộ và một số hội viên cao tuổi.

Chủ trì Hội thảo, NSNA Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch Hội khóa VII (nhiệm kỳ 2020 – 2025) thông báo sơ bộ tình hoạt động của Hội và kế hoạch dự kiến từ nay đến cuối năm 2022.

Theo đó, Hội đã thành lập các Ban chuyên môn, phân công các Ủy viên BCH công việc cụ thể và dõi hoạt động của các Chi hội trực thuộc Hội; Trong tháng 8 năm 2022, Hội đã phối hợp với Hội NSNA Việt Nam tổ chức thành công Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội.

Hội dự kiến tổ chức Triển lãm Ảnh nghệ thuật truyền thống vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô 10/10. Trong cuộc thi lần này, ngoài đề tài chụp về Hà Nội như mọi năm, còn có đề tài Tự do, tác giả tham gia được gửi ảnh chụp ở những nơi khác ngoài Hà Nội (kinh phí trao giải thưởng đề tài Tự do được xã hội hóa); Tổ chức đi sáng tác cho Hội viên; Tuyển chọn 03 tác phẩm gửi tham gia xét giải thuởng của Ủy ban Toàn Quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Tham gia Liên hoan Ảnh 3 Thành phố kết nghĩa (Hà Nội – Huế – Sài Gòn); Làm thẻ Hội viên và Xét kết nạp Hội viên mới.

Tại hội thảo, các nghệ sĩ có tên tuổi như: NSNA Lê Cường, nguyên Tổng thư ký Hội NANT Hà Nội khóa III; NSNA Vũ Đức Tân, nguyên Chủ tịch Hội NANT Hà Nội khóa IV, NSNA Hồng Trọng Mậu, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, Nhà Nghiên cứu LLPB Nhiếp ảnh Vũ Huyến, các nghệ sĩ có tên tuổi và nhiều đóng góp cho nhiếp ảnh Hà Nội như: NSNA Đinh Quang Thành, NSNA Trịnh Hải, Lại Diễn Đàm, Lại Hiển, Ngô Minh Đạo, Huỳnh Mai, Trần Tuấn, Nguyễn Ngọc Phan, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Đức Căn… đã phát biểu ý kiến. Nội dung tập trung vào các vấn đề sau:

Về công tác đào tạo và phát triển hội viên: Các nghệ sĩ lớn tuổi có tài năng và nhiều thành tựu, là kho tàng trí tuệ, Hội nên mời các nghệ sĩ đó giáo dục truyền thống nhiếp ảnh cho thế hệ trẻ, đồng thời mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, các lớp chuyên đề cho hội viên để nâng cao chất lượng hội viên ngoài việc các hội viên phải tự học, tự cập nhật thiết bị, công nghệ để nâng cao tay nghề. Quan tâm đến các Câu lạc bộ, tổ chức Liên hoan Ảnh dành cho các Câu lạc bộ bởi các Câu lạc bộ là lực lượng nòng cốt để phát triển và trẻ hóa hội viên. Việc kết nạp hội viên là cần thiết nhưng phải nâng cao chất lượng đầu vào. “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa” – kết nạp ít hội viên nhưng có trình độ, có chất lượng, chứ không cần số lượng nhiều nhưng chất lượng lại yếu kém.

Về công tác giám khảo: Nên luân phiên và mở rộng thành phần giám khảo. Mời giám khảo là những nhà nhiếp ảnh ở các Chi hội, những giám khảo không chỉ có trình độ về nhiếp ảnh mà phải có kiến thức, hiểu biết về nhiều lĩnh vực. Kiên quyết không mời những giám khảo thiếu khách quan hoặc thiên vị cho người quen, cho học trò…

Công tác Lý luận phê bình còn yếu và thiếu. Hội phải chú trọng đến mảng lý luận phê bình, đào tạo những người viết trẻ để có tầng lớp kế tục. Lý luận phê bình phải đồng hành cùng Ban sáng tác, Hội đồng nghệ thuật, để tạo nên sự vững chắc trong các hoạt động. Sau mỗi Cuộc thi ảnh phải mở Hội thảo (gồm Hội đồng nghệ thuật, Ban Sáng tác triển lãm và Ban LLPB) để nhìn nhận và đánh giá chất lượng cuộc thi, từ đó rút kinh nghiệm để tổ chức, định hướng sáng tác, chấm chọn những cuộc thi sau tốt hơn.

Ngoài các vấn đề trên, việc mở các trại sáng tác và tổ chức triển lãm là vấn đề mà các nghệ sĩ nhiếp ảnh đề cập đến. Bên cạnh cuộc triển lãm truyền thống được tổ chức vào dịp 10/10 hàng năm thì Hội phải mở rộng đề tài, tổ chức triển lãm chuyên đề thường niên và thường  xuyên nhằm giới thiệu tác phẩm của các nghệ sĩ đến đông đảo công chúng. Trong các cuộc triển lãm, ngoài việc phục vụ chính trị thì chất lượng nghệ thuật phải được chú trọng. Phải mở rộng mối quan hệ giao lưu với Hội VHNT các tỉnh thành, với các địa phương. Liên kết với các ban, ngành và các doanh nghiệp tổ chức các cuộc triển lãm ảnh theo hình thức xã hội hóa…

Tổng kết hội thảo, NSNA Nguyễn Văn Toản – Chủ tịch Hội NANT Hà Nội thay mặt Ban Chấp hành cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp đầy nhiệt huyết của tất cả các nghệ sĩ và hứa sẽ nghiên cứu, bàn bạc, thống nhất và áp dụng vào thực tế, để nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Hội ngày một vững bước và phát triển.

 

 

 

 

Tin liên quan