Tháng 3 năm 1953, tại căn cứ địa Việt Bắc, giữ lúc “nước sôi lửa bỏng” cần tập trung cho Tổng phản công tại Điện Biên Phủ, Chính phủ Việt Nam ký Sắc lệnh thành lập Quốc doanh Nhiếp ảnh, giao nhiệm vụ cụ thể là: Nhiếp ảnh là hoạt động văn hóa phục vụ cho đất nước trong hai nhiệm vụ lớn là: Phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ chính quyền nhân dân và tuyên truyền đối ngoại. Thực chất đây là chỉ thị, yêu cầu của Đảng đối với Văn học nghệ thuật Việt Nam. Người ký sắc lệnh này là Chủ tịch nước VNDCCH, vốn là một thợ ảnh dịch vụ ở Pháp, kiếm sống để có tiền lo tìm đường đi cho cách mạng Việt Nam. Người thợ ảnh ở Pari ấy chính là người Việt Nam đặc biệt, toàn tâm, toàn ý cho giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ, là người thành lập Đảng, là người lãnh đạo Việt Nam trong suốt chặng đường dài. Đấy là người tiêu biểu đại diện cho Đảng cộng sản, người tổ chức xây dựng chính quyền nhân dân.
Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (1969), việc học tập làm theo lời Bác Hồ trở thành nguyện vọng sinh hoạt chính trị, tư tưởng văn hóa, của nhân dân Việt Nam. Theo lời Bác, toàn dân Việt Nam, ở cương vị khác nhau hướng đến sự hoàn thiện, đóng góp nhiều và hiệu quả nhất cho sự nghiệp cách mạng.
Với giới VHNT Việt Nam, giới văn nghệ sĩ Thủ đô, Đảng và Bác hy vọng giao việc và yêu cầu mỗi văn nghệ sĩ là một chiến sĩ, một nhà văn hóa, một người “khai sáng” cho trí thức, có nhiệm vụ giúp cho nhân dân để thúc đẩy họ đóng góp cho xã hội.
Nhà chụp ảnh thuê, thợ ảnh Việt Nam vĩ đại đã nhờ ảnh để kiếm sống ở Pháp, thấy được giá trị của các bức ảnh chụp hoạt động của nhân dân trong tiến trình phát triển xã hội. Trong Sắc lệnh mà Người là người ký đã nhấn mạnh: “Phải ca ngợi người tốt và việc tốt, việc hay trong cuộc kháng chiến và xây dựng nước”.
Nội dung trong các văn bản về văn hóa do Chính phủ ký cũng như kết luận các Hội nghị Trung ương về văn học nghệ thuật đều nhắc đến tính mục đích của các sáng tác nghệ thuật, đó là đều nói về dân, phản ánh nguyện vọng của dân và phải đem các sản phẩm đó đến với nhân dân. Đây chính là điểm khác biệt lớn chủ yếu để chúng ta, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội là một tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp.
Trong suốt vài chục năm qua, qua các khóa, kỳ Đại hội khác nhau, qua tổ chức các cuộc thi ảnh, các cuộc vận động sáng tác, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội nhờ sự góp sức của hội viên đã sáng tạo, công bố hàng vạn bức ảnh về Thủ đô Hà Nội, một Hà Nội Thủ đô của đất nước phát triển liên tục. Các hội viên Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội qua nhiều thời kỳ bên nhau đã góp phần làm đẹp nơi mình sống, cho người xem qua hệ thống báo chí, truyền thông, các ấn phẩm du lịch, đối ngoại… vẻ đẹp của đất nước và con người Hà Nội. Đó là thực hiện lời Bác qua hành động cụ thể.
Các cuộc thi ảnh “Học tập làm theo tấm gương, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” do Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và Trung ương phát động đã và đang cuốn hút các nhà nhiếp ảnh Hà Nội. Qua các cuộc vận động này, nhiều người nhận thức “là dịp để bản thân các nhà nhiếp ảnh, các văn nghệ sĩ hướng tới sự hoàn thiện, học tập tấm gương tốt, sự phấn đấu tốt vì sự nghiệp”. Tiếp tục và nâng cao chất lượng phong trào “Học tập theo gương Bác Hồ” là nhu cầu của chính những người làm công tác VHNT trong đó có các nhà nhiếp ảnh Thủ đô.
Theo chỉ thị từ Trung ương, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội chú tâm tổ chức các trại sáng tác, các cuộc trao đổi nghề với câu hỏi: “Nâng cao chất lượng sáng tác nhiếp ảnh như thế nào trong thời kỳ bùng nổ của kỹ thuật số, thời kỳ mở rộng các quan hệ quốc tế, thời kỳ mà mỗi gia đình có thể trở thành một cơ sở nhiếp ảnh, mỗi người cầm máy đều có thể cảm nhận trước cuộc sống với những thái độ tình cảm khác nhau.
Các cuộc thi ảnh tại Hà Nội, có sự bảo trợ và chỉ đạo của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã là dày thêm bộ sưu tập những sức sống và sự phát triển của hà Nội, luôn hướng đến mục đích Chân – Thiện – Mỹ.
Hội Nhiếp ảnh của Thủ đô qua hội thảo này bày tỏ sự hưởng ứng cao đến phong trào, các cuộc vận động sáng tác theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sự cám ơn tới sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của các cơ quan lãnh đạo Hà Nội tới sự phát triển của nhiếp ảnh Hà Nội.
Học tập và sáng tạo theo lời Bác còn là sự học tập các tấm gương hy sinh vì sự nghiệp lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những cán bộ ưu tú khác của Đảng, của các “con cháu Bác Hồ” trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, bảo vệ tổ quốc. Và thực chất, đây cũng là các nhân vật, đối tượng chính của VHNT, trong đó có nhiếp ảnh. Theo lời dạy của Bác Hồ, yêu cầu VHNT Việt Nam bám sát, phản ánh trung thực đời sống Việt Nam với khát vọng và niềm tin vào sự phát triển v.v càng trở nên quan trọng… Trong nhiệm vụ ấy nhân cách, trách nhiệm của giới nghệ sĩ với tư cách là “nhà văn hóa”, “chiến sĩ văn nghệ” lại càng trở nên quan trọng.
Các cuộc vận động đều đặn “Học tập làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh” càng trở nên quan trọng trong bất cứ thời kỳ nào của văn học, nghệ thuật Việt Nam với tôn chỉ “Vì nhân dân phục vụ”.
Tham luận của Nhà Nghiên cứu LLPB Nhiếp ảnh Vũ Huyến