Khi nước trên đồng bắt đầu rút, cá bơi ra sông để về thượng nguồn, ngư dân miền Tây mang ngư cụ xuống các sông lớn gần biên giới bắt cá, mỗi ngày thu cả triệu đồng.
Đầu nguồn sông Tiền, một bên là địa giới huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) bên còn lại là thị xã Tân Châu (An Giang). Trên đoạn sông khoảng 300 m, nước cuồn cuộn một màu đục ngầu, có gần chục xuồng câu, lưới, ghe ủi cá nhộn nhịp đánh bắt. Với kinh nghiệm ủi cá ở khúc sông này hơn chục năm, ông Nguyễn Văn Lâm gắn thêm chiếc vó ở phần đầu ghe để bắt cá. Khi vó hạ xuống, tài công nổ máy hết công suất đẩy ghe vào bờ, lùa đàn cá vào lưới rồi cất vó lên.
Mỗi chuyến chừng 5 phút, ngư dân này thu được 3-5 kg, chủ yếu là cá linh. Những hôm may mắn, mỗi vó có thể hứng được hàng chục kg cá. Cuối mùa nước, cá linh to bằng 2-3 ngón tay. Sau vài lần ủi, ông Lâm cho cá vào bọc, buộc kỹ rồi quăng vào bờ. Bên trong một người dùng chiếc vợt xúc túi cá mang lên chợ bán ngay để cá còn tươi ngon.
Vớt được ba túi cá chừng chục kg, người đàn ông quê An Giang cho biết mùa nước năm nay cá nhiều hơn. Mỗi ngày ghe ủi với 4 lao động có thể xúc được 200-300 kg cá. Sau khi trừ chi phí chủ ghe lời 1-2 triệu đồng. “Con nước đầu tháng 11 là cá nhiều nhất, ủi thấy ham lắm”, ông nói.
Cá được chuyển lên bờ, vợ và các con của ông Lâm làm sạch và bày bán ngay bờ kè Tân Châu. Giá cá sống từ 30.000 đến 40.000 đồng một kg. Số cá còn lại sau buổi chợ, chủ ghe bán cho các hộ làm mắm với giá 12.000-15.000 đồng. Công việc bắt đầu từ hừng đông đến lúc chiều tà khi chợ “chồm hổm” bắt đầu vãn.
Mùa nước nổi là nét đặc trưng của miền Tây, thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, tức tháng 8-11 dương lịch. Mùa này người dân các tỉnh đầu nguồn tranh thủ đánh bắt cá tự nhiên trên đồng kiếm thêm thu nhập. Theo nhiều ngư dân, việc đánh bắt vẫn chưa kết thúc khi nước rút bởi đầu tháng 10 âm lịch đến giữa tháng chạp là thời điểm cá từ đồng ruộng ra sông Tiền và sông Hậu, chuẩn bị bơi về thượng nguồn sông Mekong.
Bà Thuý Kiều, đánh bắt nhiều năm trên sông Tiền, kể ngư dân bắt được cá thiểu đầu tiên. Loại cá này mình mảnh, vảy trong, thịt béo ngậy, di chuyển thành từng bầy lớn với thói quen đi sát bờ. Khi xúc lưới thấy cá thiểu biết ngay mùa cá ra sông bắt đầu. Chừng 10 ngày sau khi số cá thiểu vơi dần, họ bắt được từng bầy cá linh – loài cá ngư dân thích nhất vì dễ bán, giá cao.
Theo những ngư dân lão luyện, không chỉ đi theo thứ tự, những loài cá nước ngọt di chuyển trên sông cũng thích nghi theo thời tiết. Trời nắng cá đi gần mặt nước. Lúc này các ngư cụ như ghe ủi cá, lưới hoạt động hiệu quả. Khi trời đổ mưa chúng sẽ đi ngầm dưới đáy sông khó đánh bắt hơn. Do đó, thấy trời chuyển mưa ngư dân liền thu lưới vào bờ chờ thời tiết tốt hơn.
Mùa cá ra sông cũng là thời điểm các làng nghề làm mắm cá, ủ nước mắm vào vụ. Cách sông Tiền một km, bà Bùi Thị Nhiều, xã An Bình A, thành phố Hồng Ngự cho biết vụ này gom được ba tấn cá sông để làm nước mắm nhĩ, mắm bò hóc. Cá làm mắm cần làm sạch ruột, bỏ đầu, đánh vảy và rửa thật sạch. Loại cá nhiều mỡ cần nhiều công đoạn hơn để loại bỏ, nếu không mắm bị gắt dầu, không ngon.
Riêng cá ủ mắm, người phụ nữ miền Tây kể chỉ cần loại bỏ rác, rửa sơ, cho vào khạp da bò (một loại hũ làm bằng đất nung) ủ với công thức 30-35 kg cá ủ kèm 8 kg muối. Khạp mắm để ngoài trời 12-14 tháng, sau nhiều lần trộn đều có thể chưng cất ra nước mắm truyền thống. “Mỗi khạp mắm chỉ chưng được 10-14 lít nước mắm, giá bán 40.000 đồng một lít”, bà Nhiều nói và cho biết sau mỗi năm bà thu lời khoảng 100 triệu đồng.
Bà Nhiều cũng như nhiều ngư dân ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu mưu sinh theo con nước cứ tuần tự năm này qua năm khác. Nước lớn cá nhiều họ thu nhập khấm khá, nước nhỏ sản vật ít họ chuyển sang mưu sinh bằng nghề khác. Trong ký ức của nhiều người miền Tây, mùa nước nổi là mùa êm đềm, được thiên nhiên thiết đãi bao sản vật tươi ngon.