(Khám phá) Bên cạnh Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng của Trung Quốc, trên thế giới còn những “trường thành” khác ít được biết đến.
Một phần hàng rào biên giới chạy qua sa mạc ngăn cách giữa bang Arizona của Mỹ và bang Sonora của Mexico. Với chiều cao khoảng 4,5 m, các bộ phận của bức tường có thể nâng lên bằng máy và đặt trở lại vị trí ban đầu nhằm đối phó với những cơn bão cát có thể chôn vùi chúng. Ảnh: CNN.
Cư dân của bang Arizona, Mỹ (trái) và bang Sonora, Mexico (phải) chơi bóng chuyền trong lễ hội Fiesta Binacional với tấm lưới chính là hàng rào biên giới. Đây là sự kiện tổ chức thường niên tại khu vực với các hoạt động hội chợ, picnic và thể thao diễn ra ở cả hai bên biên giới. Ảnh: Jeff Topping/Reuters.
Phần còn lại của bức tường Hadrian, còn được biết đến với tên gọi Bức tường La Mã, chạy qua vùng Northumberland, Anh. Nơi này từng là pháo đài phòng thủ của đế chế La Mã, được xây dựng vào thế kỷ thứ nhất. Bức tường Hadrian là một trong những địa điểm cổ đại thu hút rất nhiều khách du lịch ở Anh và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1987. Ảnh: Jarrahotel.
Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh xây dựng Vạn Lý Trường Thành từ năm 220 trước Công nguyên. Bức trường thành có tác dụng ngăn chặn những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ và các bộ tộc du mục nhắm vào Trung Quốc. Ngày này, chỉ một số đoạn gần các trung tâm du lịch của bức tường này được bảo tồn, những phần còn lại bị bỏ mặc, thậm chí đá xây thành bị khai thác để làm đường, nhà ở. Ảnh: National Geographic.
Tiệm cà phê mở bên cạnh hàng rào dây thép gai, thuộc vùng đệm của Liên Hợp Quốc tại thành phố bị chia cắt Nicosia, đảo Síp. Từ năm 1974, đảo đã bị chia cắt thành hai miền lãnh thổ bắc và nam đảo với mâu thuẫn cao độ giữa cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ và người Síp gốc Hy Lạp. Síp là điểm du lịch nổi tiếng tại vùng Địa Trung Hải với nền kinh tế và chỉ số phát triển con người ở mức cao bất chấp những xung đột về lãnh thổ. Ảnh: Roman Robroek.
Đoạn hàng rào đã được điện khí hóa dọc theo “Đường kiểm soát”, trước đây có tên gọi là đường ngừng bắn, ngăn cách Ấn Độ và Pakistan nhìn từ thị trấn Noushera của Pakistan. Năm 1947, thực dân Anh chia cắt lãnh thổ Ấn Độ thành hai nước độc lập là Ấn Độ và Pakistan. Đến năm 1948, xung đột giữa hai quốc gia bùng phát và “Đường kiểm soát” trở thành biên giới sau đàm phán ngừng bắn. Ảnh: AFP.
“Bức tường hòa bình” phân chia khu vực sống của cộng đồng người Công giáo và Tin lành tại Belfast, Bắc Ireland. Mặc dù hai bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn từ năm 1994, nhưng bức tường vẫn được xây dựng ngày càng cao vì những cuộc tấn công đơn lẻ vẫn xảy ra. Nhiều đoạn tường cao đến 8 m trong đó phần bê tông cao 5 m, 3 m phía trên là hàng rào để ngăn chặn những phần tử quá khích ném vật cứng, bom xăng. Ảnh: Time Travel Turtle.
Một du khách quay phim qua khe hở của hàng rào biên giới ngăn cách lãnh thổ Triều Tiên và Hàn Quốc. Trên hàng rào gắn các dải ruy băng của khách du lịch và người dân để lại với hy vọng về ngày tái thống nhất hai miền Triều Tiên. Ảnh: Lee Jin-man/AP.
Người lính Triều Tiên ngồi trên hàng rào gần thành phố Sinuiju giáp với vùng Đan Đông của Trung Quốc. Việc du lịch Triều Tiên đã trở nên dễ dàng hơn trong những năm gần đây dù nước này vẫn duy trì nhiều quy định khắt khe với du khách như luôn phải có hướng dẫn viên đi kèm khi tham quan, không chụp ảnh quân đội và các công trình quân sự… Ảnh: Johannes Eisele/AFP.
Bức ảnh chụp từ trên không một đoạn của Bức tường Tây Sahara Morocco, công trình dài khoảng 2.700 km chủ yếu làm từ cát chạy qua vùng phía tây Sahara và tây nam Morocco, phân chia vùng tự do và vùng chiếm đóng với lịch sử phức tạp. Các bức tường đá và cát cao khoảng 3 m cùng hố cát, hàng rào và mìn bố trí dọc theo chiều dài khu vực tranh chấp này. Ảnh: Evan Schneider.
Điểm kết thúc của hàng rào biên giới ngăn cách vùng tự trị Melilla của Tây Ban Nha với Morocco. Melilla được biết đến là khung cửa sổ nhìn ra lục địa Phi – Âu với nền văn hóa chịu ảnh hưởng từ cả hai châu lục này. Ảnh: Juan Medina/Reuters.