Ra tới vườn ở thôn 1 xã Tích G iang, Liên thấy khoảng 30 bạn có mặt. Nhóm chia thành từng tốp 5-6 người để đảm bảo giãn cách và phụ trách từng khu vực. Đèn xe máy bật lên, soi đường cho mọi người xuống ruộng. Một số người có thêm đèn pin gắn trên đầu, số khác bật đèn flash điện thoại, để trong túi áo ngực.
Lần theo vệt sáng mờ mờ của chiếc đèn pin, Liên men theo bờ ruộng vào vườn ổi. Cô thoáng chút sợ hãi khi nghĩ tới khu vườn liền kề với nghĩa trang. Đêm tối, Liên cố gắng trò chuyện thật to, cười đùa vui vẻ cho quên nỗi sợ.
Thi thoảng đang soi đèn hái ổi, Liên nghe tiếng kêu của vài bạn vừa ngã vì không quen đi bờ ruộng. Vài chiếc điện thoại rơi lộp bộp vì chủ nhân bận một tay soi đèn, một tay vặt ổi.
Lúc đầu, Liên và các bạn loay hoay bóc phần bọc bằng xốp và nylon bên ngoài vì không biết quả nào nên hái. Sau khi được chủ vườn hướng dẫn, cả nhóm đã biết phân biệt quả ổi cần thu hoạch. Hái được một túi đầy, Liên khệ nệ xách tới nơi tập kết rồi quay lại tiếp tục.
23h, nhóm kết thúc công việc, giúp bà con hoàn thành đơn hàng hơn một tấn nông sản gồm 800 kg ổi và các loại rau. 5h hôm sau, nhóm dậy phân loại, cân, đóng túi cho kịp chuyến xe chở đi rồi về chốt làm nhiệm vụ.
“Hôm ấy về tới nhà, em mệt rã rời và ngủ một mạch, lúc dậy thấy người đau nhừ, tay phồng rộp. Đó là lần đầu tiên trong đời em được trải nghiệm thu hoạch rau quả ban đêm”, Liên, ở thôn 1, xã Tích Giang, nhớ lại.
Liên bắt đầu đăng ký tình nguyện chống dịch ở xã, sau khi được nghỉ học từ 22/7. Nữ sinh tham gia trực chốt ở chợ, hỗ trợ nhân viên y tế tiêm vaccine, đưa cơm cho các lực lượng chống dịch và giúp nông dân thu hoạch nông sản.
Ngoài rau ngót, rau muống, nhóm Liên còn thu hoạch được hơn 300 kg rau nhút. Rau dễ bị hỏng nếu để qua đêm nên 4h30, nhóm Liên đã tới các ao, ruộng thả loại rau này. Các tình nguyện viên phải dùng lá chuối để bọc lại cẩn thận, tránh nát rau. Nhiều người sau hôm đó về bị ngứa chân vì không quen lội ao bèo.
Trực tiếp ra đồng cắt rau, hái ổi và nghe nông dân chia sẻ về công việc thường ngày, Liên thấm thía nỗi vất vả và càng muốn hỗ trợ họ nhiều hơn. “Từ lúc tham gia tình nguyện, em không còn lười mà dậy sớm hơn, thấu hiểu nỗi lo của nông dân. Được rèn luyện nhiều nên em cũng khỏe và cảm thấy trưởng thành hơn”, nữ sinh năm ba nói, cho biết đã được tiêm vaccine.
Cũng giống Liên, Nguyễn Thị Thúy, sinh viên năm 3, Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội, viết đơn xin đi tình nguyện sau khi được nghỉ học vì dịch bệnh. Trước khi tham gia chống dịch và hỗ trợ nông dân, Thúy nhút nhát, vốn chỉ tập trung ăn học, không quen các công việc đồng áng.
Những hôm đầu, Thúy sợ ra ruộng hái rau buổi tối vì đi lại bất tiện, nhiều đoạn phải qua kênh, mương. Em lóng ngóng học cách cầm liềm, bó rau và luôn cảm thấy mệt mỏi sau một ngày lao động. Nhiều hôm đứng ngoài nắng lâu, nữ sinh ướt sũng mồ hôi và say nắng. Không ít lần phải dậy sớm đi hái rau và cuốn theo công việc, em quên bữa đến chiều.
Nhưng không đành lòng nhìn công sức của nông dân bị uổng phí, Thúy lại động viên mình tiếp tục. “Các bác nông dân mừng và cảm ơn chúng em rất nhiều. Em thấy hạnh phúc vì làm được công việc có ích, giúp người dân bán được nông sản”, Thúy, ở thôn 6, xã Tích Giang, chia sẻ.
Sau gần một tháng giúp bà con, Thúy thấy mình tự tin, nhanh nhẹn, không ngại làm việc dưới trời nắng hay những hôm mưa gió tại điểm chốt ở chợ trung tâm xã. Được gia đình ủng hộ và giúp đỡ việc nhà, Thúy yên tâm tham gia những buổi thu hoạch tới đêm muộn, lúc sáng sớm hay nhiều khi có nhiệm vụ đột xuất.
Theo chị Khuất Thị Phương Linh, Bí thư Đoàn xã Tích Giang, chính quyền và đoàn thể nhận được phản ánh nông sản đến vụ thu hoạch nhưng không tiêu thụ được vì dịch bệnh. Nông dân gặp khó khăn do quy định giãn cách, mỗi gia đình chỉ được một người ra đồng. Rau, củ nếu để lâu sẽ bị già và hỏng, gây thiệt hại kinh tế. Thời điểm này là vụ ổi trái lứa và nếu không có dịch sẽ được giá.
Đoàn thanh niên xã phối hợp Huyện Đoàn liên hệ các xã lân cận để tìm đầu ra cho nông sản. Hôm 3/8, xã có đơn hàng đầu tiên. Khi hình ảnh các đoàn viên, thanh niên chong đèn đi hái rau, vặt ổi giúp nông dân được lan tỏa trên mạng, các đơn hàng được gửi về xã ngày một nhiều. Hiện mỗi ngày xã tiêu thụ được 3 tấn ổi cùng nhiều loại rau.
Chị Linh cho hay tùy theo đơn đặt hàng sớm hay muộn, tình nguyện viên sẽ phân chia lực lượng trực chốt và đi hái rau. Nếu đơn muộn và gấp, các bạn sẽ thu hoạch buổi tối để kịp giao sáng hôm sau. Nhiều hôm có đơn giao buổi chiều, họ phải dậy lúc 4-5h để ra đồng.
Lực lượng phòng tuyến áo xanh của xã vừa tham gia trực chốt, vừa thu hoạch rau, quả cho bà con hiện có 30 người, trong đó có sinh viên, giáo viên và đoàn viên. “Các bạn chủ động liên lạc với tôi, tình nguyện hỗ trợ chống dịch. Mọi người cùng tham gia vui vẻ, nhiệt tình, mong được góp sức giúp dịch bệnh sớm được đẩy lùi”, chị Linh nói.
Hiện ngoài xã Tích Giang, xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ, cũng triển khai mô hình thu hoạch và tiêu thụ nông sản giúp người dân.
HÀ NỘIĂn vội bát cơm, Hoàng Liên cầm liềm, ủng và đèn pin ra ruộng hái rau bán giúp nông dân. Dịch bùng phát, rau, trái không tiêu thụ được, rụng đầy gốc.
Kết thúc buổi trực chốt ở chợ Me, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, lúc 18h30, Nguyễn Thị Hoàng Liên, sinh viên khoa Biên đạo múa, Đại học Sân khấu Điện ảnh, trở về nhà cách đó 2-3 km. Ăn qua loa, Liên đeo khẩu trang, đi đôi ủng, găng tay, mang rổ, kéo, đèn pin, túi bóng rồi phóng xe đi. Tối nay, Liên hẹn cùng đội tình nguyện đi thu hoạch ổi, rau ngót và rau muống giúp bà con trong xã.