Người đàn ông làm việc bằng chân

Bị liệt hai tay từ lúc lọt lòng, hàng chục năm qua ông Phạm Văn Cầm, ở huyện Kỳ Anh, tự sinh hoạt bằng chân, làm lồng chim kiếm tiền.

Ông Phạm Văn Cầm sống một mình tại căn nhà cấp bốn rộng khoảng 60 m2 ở thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh.

Trên mảnh đất rộng hàng nghìn m2 do tổ tiên để lại, ngoài nhà ông Cầm còn có thêm ba công trình khác. Phía trước là nhà của em trai thứ tư, bên hông là hai căn cấp bốn rộng hơn 50 m2 của mẹ và chị gái.

Ông Cầm là con thứ ba trong gia đình 5 anh chị em. Từ khi lọt lòng, ông bị liệt hai tay, hai chân co quắp đi lại khó, miệng ú ớ nói không tròn tiếng.

Người đàn ông 52 tuổi tính niềm nở, yêu thiên nhiên, động vật. Trong nhà ông trồng hoa ở lối ra vào, nuôi chim cu gáy làm “bạn” tâm sự.

Bà Phạm Thị Cương (84 tuổi, mẹ ông Cầm) cho biết, vợ chồng làm ruộng, kinh tế khó khăn nên không đủ tiền để chữa bệnh cho con đến nơi đến chốn. Từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành, Cầm nhiều lần ốm thập tử nhất sinh, song sau đó đều vượt qua.

“Nhìn con trưởng thành với cơ thể không lành lặn, nhiều đêm tôi không thể chợp mắt, chỉ biết quay lưng vào tường rồi khóc. Là mẹ, muốn làm nhiều thứ cho nó lắm, nhưng kinh tế eo hẹp nên đành bất lực”, bà Cương nói và cho hay con trai yếu về mặt giao tiếp song rất sáng dạ, thường quan sát mọi người làm việc và sau đó dùng hai chân bắt chước theo

Thuở nhỏ ông Cầm sống với bố tại căn nhà nằm dưới chân núi tại xã Kỳ Xuân. Khi bố bị tai biến qua đời, ông chuyển về làm nhà ở thôn Lê Lợi.

Trước kia, hàng ngày bố làm lồng chim bán kiếm tiền lo cho gia đình, Cầm quan sát và làm theo bằng hai chân. Những ngày mới bắt đầu làm, chân chi chít vết thương do dao, thanh tre, nứa cứa trúng.

“Có hôm cả buổi chiều chỉ vót được một chiếc nan tre, tôi nản định bỏ cuộc học nghề khác. Năm 19 tuổi tôi bắt đầu làm thành thạo, điều khiển được mọi vật dụng bằng các ngón chân”, ông Cầm kể.

Ông Cầm thường đi bộ ra chợ gần nhà mua tre, nứa đưa về cưa làm lồng.

Nhiều người thấy ông di chuyển khó khăn nên nhiều lúc lái xe máy chở giúp vật liệu về nhà, còn cho thêm một số dụng cụ như đục, cưa, bút lông… để phục vụ công việc.

Ông Cầm làm lồng chim theo đặt hàng, mất khoảng 15 ngày mới làm xong được một chiếc, bán giá 70.000-200.000 đồng. Nhiều khách khi đến mua thấy hoàn cảnh còn trả gấp đôi tiền để ủng hộ.

Trên ảnh là 3 lồng chim do ông Cầm làm ra từ nhiều tháng trước. Những chiếc này ông không bán, giữ lại để nuôi chim cu gáy và khướu.

Được người thân chỉ bảo, sau nhiều năm ông Cầm đã biết dùng chân sử dụng nhiều thiết bị điện trong nhà.

Hàng ngày ông thức dậy sớm dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm. Trước khi làm những việc này, ông Cầm tiến sát lại vòi nước, bôi xà phòng lên hai chân, rửa nhiều lần cho sạch rồi mới đổ gạo vào nồi để vo.

Việc ăn uống hàng ngày ông Cầm cũng không cần sự trợ giúp. “Tôi thiếu may mắn để làm một người bình thường, nhưng không thể trở thành người vô dụng, sẽ luôn cố gắng hoàn thiện bản thân từng ngày”, ông nói.

Với mỗi công việc, ông Cầm luôn tạo cho cơ thể một tư thế thuận lợi để thực hiện. Trên ảnh là ông vừa giặt xong một chậu quần áo, do chưa chuẩn bị sẵn ghế, ông lật úp chiếc xô nhựa để làm chỗ ngồi phơi.

Những lúc rảnh rỗi, người đàn ông 52 tuổi đưa ghế nhựa ra ngồi trước sân, dùng vòi bơm nước chăm sóc cây cảnh. Vào dịp Tết, ông thường đem tặng cây cảnh cho anh em, họ hàng.

Trước lúc đi ngủ trưa hoặc tối, ông Cầm thường bật tivi lên xem nhiều chương trình. Những tài sản có giá trị như tivi, tủ lạnh, quạt được mua từ tiền tích góp nhiều năm của ông và số ít do người thân ủng hộ.

Bà Phạm Thị Cương chia sẻ, con trai được hưởng trợ cấp xã hội hơn 500.000 đồng một tháng, số tiền này cùng với sự nỗ lực kiếm tiền thêm từ việc bán lồng chim cũng đủ trang trải, không thiếu thốn.

“Nó bệnh tật nên việc lập gia đình là gần như không thể. Các con kinh tế cũng không dư giả, song luôn hứa sau này khi mẹ mất đi sẽ luôn qua lại hỗ trợ, động viên Cầm lúc trái gió trở trời”, bà Cương nói.

Ông Nguyễn Thành Chung, Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân, đánh giá ông Cầm luôn biết vượt lên chính mình, là tấm gương cho mọi người noi theo.

Tin liên quan