HÀ NỘINhững căn biệt thự, nhà liền kề khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức) im lìm nhiều năm, trở thành nơi trọ của xóm thợ công trình.
Ven đô phía Tây Hà Nội có hàng trăm biệt thự, nhà liền kề xây dựng nhiều năm nhưng ít người đến ở. Phần lớn các căn mới xây thô rồi bỏ dở, cỏ mọc cao ngang người, trở thành khu nhà hoang.
Những dự án nhiều năm bất động như Nam An Khánh, Lideco, Vân Canh… thường theo hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô. Hệ thống khu đô thị chưa đồng bộ với dịch vụ, tiện ích để đáp ứng được nhu cầu của người dân đến sinh sống.
Biệt thự bỏ hoang nhiều năm, tường rêu phủ trở thành “xóm trọ” tạm bợ của thợ xây công trình.Từ 10 đến 15 người trú ngụ trong một gian phòng, được chủ thầu thuê với giá 3 – 4 triệu đồng. Ban ngày, họ đi hoàn thiện những công trình hàng chục tỷ đồng, tối về ngả lưng trong gian phòng xếp tạm ván gỗ làm giường, chia ngăn bằng bạt.
Mỗi tổ thợ cư ngụ một tầng, thường là người cùng làng xã rủ nhau đi xây. Tầng dưới là nơi trọ của nhóm lao động quê Vĩnh Phúc, phía trên là nơi tá túc của các thợ xây người Nghệ An, Sơn La.
Chị Nguyễn Thị Hựu, quê Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhận nấu cơm cho tốp thợ 15 người cùng quê. Chị Hựu từng làm công nhân điện tử ở Bắc Ninh, rồi bỏ việc theo chồng làm thợ xây đi khắp các công trình. Chị thích công việc hiện tại vì “nhẹ đầu”, không lo hỏng sản phẩm, bị trừ lương. Nhưng mỗi sáng, người phụ nữ 40 tuổi đều phải tính toán “Hôm nay ăn gì”, vừa co kéo sao cho bữa cơm 30.000 đồng mỗi người vẫn có thịt, cá, thợ xây vẫn no bụng, đủ chất.
Hai tháng Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, đội thợ di tản về làm công trình trên Vĩnh Phúc – nơi dịch được khống chế sớm. Một số lán thợ ở lại không có việc, phải trông vào các suất hỗ trợ của phường. Chị Hựu nhớ trước khi Covid-19 bùng phát, xóm lao động trọ đông gấp đôi. Nhiều người đã chọn về quê và chưa quay trở lại sau khi dịch được khống chế.
Mâm cơm trưa của nhóm thợ xây quê Nghệ An ngả tạm trên tấm phản, cũng là giường nằm. Anh Hồ Văn Nam, 43 tuổi, hay ví von “được ở biệt thự trước chủ”.
Anh không tưởng tượng được nơi mình từng ở khi hoàn thiện, bày biện nội thất trông thế nào, chỉ đoán chắc “nó đẹp, sang trọng”. Hai năm qua, đội thợ của anh chủ yếu loanh quanh khu đô thị Nam An Khánh, hoàn thiện các căn biệt thự còn dang dở. Công nhật 300.000 đồng, đến mùa họ lại về quê nhà phụ vợ gặt hái.
Gần 20 năm đi xây, những người có kinh nghiệm như ông Sấu nhìn kèo cột, vữa, bê tông có thể đoán tuổi thọ của công trình. “Biệt thự này xây cả chục năm rồi, chẳng hiểu sao để lãng phí vậy”, ông thắc mắc.
Những người phụ nữ theo chân chồng đi xây thường làm công việc cạo vữa, dọn dẹp công trường. Phần việc “nhàn” hơn nhưng thu nhập cũng thấp hơn, khoảng 6 – 7 triệu đồng mỗi tháng so với 10 – 12 triệu đồng của nam giới.
Một thợ xây tranh thủ tắm giặt ban trưa, để chiều lên xã An Khánh tiêm vaccine phòng Covid-19.
Một nữ lao động chuẩn bị đi làm ca chiều. “Cơm vừa kịp xuống dạ dày”, công việc lại tiếp tục lúc gần 13h, chị chia sẻ.
Thời gian hoàn thiện phần trát, sơn tùy vào diện tích biệt thự, có căn vài tháng, nhưng cũng có biệt thự mất cả năm mới xong. Nhóm thợ xây dựng cho biết khâu tốn thời gian nhất là làm sạch rêu mốc, dọn cỏ dại cao ngang người sau nhiều năm bỏ hoang.
Khu đô thị hoang nằm biệt lập, xa dân cư, không có hàng quán, dịch vụ tiện ích. Điện thoại là thứ duy nhất kết nối họ với người thân và bên ngoài. Di động cũng là thứ giá trị nhất với các công nhân xây dựng, đôi lúc vẫn bị kẻ trộm hoặc người nghiện nhòm ngó.
Anh Nam nhớ có lần đi ngủ, nhóm thợ giấu kỹ điện thoại dưới gối vẫn bị kẻ gian cầm dây sạc kéo đi. Phát hiện ra, họ cũng không dám truy đuổi vì sợ nguy hiểm khi xung quanh vắng người.
Sắt thép han gỉ từ những công trình bất động nhiều năm còn trở thành nơi kiếm tiền của đội buôn đồng nát như chị Lương Thị Huệ. Người phụ nữ quê xã An Thượng kế bên. Ngày nào mua bán kém, chị sẽ đi một vòng khu biệt thự hoang Nam An Khánh nhặt sắt vụn, phế liệu công trình, kiếm hơn trăm nghìn đồng.
Từ năm 2012, Hà Nội phối hợp với Bộ Tài chính từng cân nhắc phương án đánh thuế hoặc xử phạt theo tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng các căn biệt thự bỏ hoang. Biện pháp được tính đến khi Hà Nội kiểm tra hàng chục căn biệt thự tiền tỷ bỏ hoang nhiều năm. Lúc đó, thành phố thống kê hơn 1.200 biệt thự và nhà liền kề đã hoàn thành phần thô hoặc mặt ngoài chưa đưa vào sử dụng.
Tình trạng bỏ hoang, đắp chiếu do đầu tư chưa phù hợp nhu cầu người mua, phương thức đầu tư chủ yếu là chia lô, bán nền, bán nhà xây thô. Biện pháp được kỳ vọng hạn chế đầu tư dàn trải, hướng tới xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, song chưa thể thực hiện. Sau nhiều năm bất động, một số dự án đang triển khai trở lại và được rao bán tìm kiếm khách hàng.