Phở chiếm được cảm tình của nhiều thực khách trên thế giới và được chuyên trang ẩm thực của Ấn Độ ví như “bản giao hưởng hương vị”.
Trang chuyên về ẩm thực Slurrp (Ấn Độ) giới thiệu phở không chỉ là một món ăn đơn thuần, mà còn phản ánh di sản và hương vị phong phú của ẩm thực Việt. Lịch sử của phở có thể bắt nguồn từ đầu thế kỷ 20 ở các tỉnh miền Bắc với Hà Nội được cho là nơi đầu tiên xuất hiện món ăn này.
Phở ra đời là thành quả của sự vay mượn các kỹ thuật nấu nướng, nguyên liệu, kết hợp với văn hóa ẩm thực địa phương. Các đầu bếp Việt ở thế kỷ 20 đã biến tấu món pot-au-feu của Pháp và một món sợi nước của người Hoa thành món phở. Do đó, phở là tổng hòa của hương vị đa dạng đồng thời phản ánh hơi thở văn hóa của thời đại.
Từ những ngày đầu xuất hiện, phở là món ăn đường phố phổ biến với tầng lớp lao động. Phở được bán trên những gánh hàng rong. Người bán gánh hai cái thúng, một đầu đựng nước dùng, đầu còn lại chứa bún, thịt và rau thơm. Phở dần trở nên phổ biến và xuất hiện ở nhiều nơi từ những năm 1950. Dần dần, món ăn đường phố ngày nào là niềm tự hào của ẩm thực Việt với bạn bè thế giới.
Trang Slurrp nhận xét phở có ý nghĩa lớn trong văn hóa người Việt. Đó không chỉ là một món ăn mà còn là biểu tượng của gia đình, cộng đồng và truyền thống. Một số gia đình thường quây quần bên những bát phở nghi ngút khói trong dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán, cưới hỏi, cúng giỗ.
Phở cũng đóng một vai trò nhất định trong các nghi lễ tôn giáo. Tại nhiều gia đình ở Việt Nam, trong các buổi lễ cúng tổ tiên có tục dâng bát phở lên trang thờ, thể hiện lòng thành kính, tôn vinh truyền thống gia đình.
Ngoài ra, phở cũng là món ăn thể hiện lòng hiếu khách của người Việt. Khi đón khách đến chơi nhà, chủ nhà có thể mời khách món phở tự nấu như một cử chỉ ấm áp và hào phóng.
Chuyên trang ẩm thực cũng ví phở như một “bản giao hưởng của hương vị”. Hương vị đặc trưng của món ăn này đến từ sự kết hợp tỉ mỉ giữa các nguyên liệu. Linh hồn của món phở nằm ở nước dùng, được nấu theo kiểu truyền thống bằng cách ninh xương bò hoặc thịt gà trong vài giờ. Quá trình nấu chậm này khiến nước dùng thấm gia vị, tạo độ đậm đà và có mùi thơm. Một đặc trưng khác của nước dùng phở là được ngâm với các loại gia vị tạo mùi thơm như hoa hồi, quế, đinh hương, hạt rau mùi và thảo quả.
Bánh phở là một thành phần không thể thiếu của món ăn của món phở. Sợi phở được làm từ bột gạo và có kết cấu mềm, hơi dai. Bánh phở thường trụng qua nước sôi trước khi cho vào bát. Thịt dùng cho món phở là các loại thịt bò cho phở bò, phở gà sẽ dùng thịt gà xé.
Một bát phở hoàn thiện không thể thiếu hành lá và một số loại rau gia vị rắc lên trên cùng. Thực khách có thể ăn phở cùng giá đỗ, chanh, ớt tươi, hoặc giấm tỏi ớt.
Chuyên trang ẩm thực Ấn Độ gợi ý thực khách ăn phở bằng cách thêm các loại rau gia vị vào bát trước tiên. Sau đó có thể thêm giá đỗ, ớt và vắt chanh. Việc thêm các loại gia vị này không bắt buộc, tùy vào khẩu vị mỗi người. Tuy nhiên, đồ ăn kèm giúp bát phở thêm dậy mùi. Sợi phở dai, thịt mềm, nước dùng thơm hòa quyện với nhau tạo thành một bản hòa tấu hài hòa của các hương vị. Một bát phở ngon có nước dùng đậm đà, rau thơm và thịt tươi. Sau mỗi đũa phở nên hớp một thìa nước dùng để hương vị đọng lại trong vòm miệng, trang ẩm thực Slurrp hướng dẫn.
Nhắc đến phở Việt không chỉ có phở bò mà còn nhiều biến thể, mỗi loại phở có những đặc điểm riêng biệt. Phở Bắc có nguồn gốc từ Hà Nội, được biết đến với hương vị đơn giản, nước dùng nhạt, trong, có độ thanh và ít ngọt hơn so với các biến thể khác. Phở Bắc chú trọng vào hương vị tự nhiên, do đó chất lượng thịt bò tươi ngon là điểm nhấn.
Trong khi đó, phở Nam thường ngọt và đậm đà hơn. Nước dùng sẫm màu hơn do có thêm hành tím nướng và nhiều gia vị kết hợp. Phở Nam thường dùng kèm giá đỗ, rau sống, hành tây thái lát, tỏi và nước tương.
Ngoài phở bò còn có phở gà, nước dùng sử dụng nước luộc gà có vị thơm ngậy. Thịt gà được luộc cho đến khi mềm và nước dùng được ngâm thêm với gừng và một hương liệu tạo mùi. Phở gà có hương vị thanh và mùi dịu nhẹ hơn phở bò.
Một biến tấu khác của phở là phở chay, phù hợp với thực khách đang ăn kiêng. Phở chay có phần nước dùng chiết xuất từ rau củ. Món ăn là sự kết hợp của nhiều loại nấm, đậu phụ và rau.
Ở các vùng ven biển, phở đôi khi được chế biến với hải sản, mang đến sự biến tấu độc đáo so với phiên bản truyền thống. Tôm, cá, mực hoặc một số loại hải sản được thêm vào nước dùng, mang lại hương vị mặn và đậm đà từ đại dương. Mỗi biến thể của phở theo vùng đều thể hiện truyền thống và văn hóa của vùng đó, cho thấy sự đa dạng của ẩm thựcViệt.