Người Pà Thẻn quan niệm, bất cứ người nào cũng có thể nhảy vào lửa nếu họ được các vị thần linh giúp có được sức mạnh siêu nhiên, che chở và bảo vệ họ.
Năm nay, UBND Huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang tiếp tục chủ trì tổ chức lễ hội nhảy lửa của người Pả Thẻn trong 2 ngày 17-18/9. Tại đây, nhiều hoạt động được diễn ra như lễ kéo chày, lễ hội nhảy lửa, triển lãm ảnh về văn hóa du lịch huyện Quang Bình, trình diễn nghệ thuật dân gian truyền thống, không gian tái hiện nghề truyền thống và trưng bày sản phẩm đặc trưng các dân tộc trên địa bàn huyện…
Trong đó, lễ hội đua thuyền kayak tại lòng hồ thủy điện sông Chừng thôn Tân Bình, thị trấn Yên Bình là điểm nhấn đặc sắc. Vận động viên là các chàng trai thuộc các xã, thị trấn, cơ quan trên địa bàn huyện cùng tham gia tập luyện, thi đấu và thực hiện các vòng đua. Trong khi các chàng trai đang ra sức chèo thuyền phía dưới, ở hai bên bờ các cô gái sẽ hò reo cổ vũ động viên tinh thần cho họ. Đây là nét văn hóa tinh thần gắn liền với tiềm thức, trở thành một phần không thể thiếu mỗi dịp diễn ra lễ hội ở huyện Quang Bình.
Theo đại diện UBND huyện Quang Bình, lễ hội nhảy lửa nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống, hình ảnh đẹp về người Pà Thẻn. Thông qua đó, huyện cũng khai thác các tiềm năng du lịch sẵn có, phát huy hiệu quả giá trị di sản của huyện Quang Bình đến du khách trong nước và quốc tế, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, góp phần thúc đấy phát triển kinh tế – xã hội của Hà Giang.
Hàng năm, khi mùa màng thu hoạch xong, người Pà Thẻn thường tổ chức lễ hội nhảy lửa vào ngày 16/10 âm lịch. Để tiến hành lễ hội, các thầy cúng làm lễ và những người tham dự sẽ nhảy trên đống than lửa bằng đôi chân trần với mục đích trừ tà ma, chữa bệnh, cầu xin các vị thần linh phù trợ cho mùa màng tốt tươi, bội thu, dân bản khỏe mạnh.
Tuy nhiên, người Pà Thẻn tin nếu đàn bà tham gia nhảy lửa, họ sẽ nhảy suốt 7 ngày 7 đêm nên chỉ có các chàng trai tham gia. Mỗi người sẽ nhảy theo một kiểu khác nhau. Có người nhảy múa quanh đống than, chốc chốc lại bốc than đỏ rực tung lên. Có người cúi gập người, nhảy lò cò xung quanh đống lửa, bắt đầu từ việc đưa tay vào bới đống lửa, nhảy vào, sau đó lại nhảy ra trong tiếng reo hò của mọi người. Một người có thể nhảy vào lửa nhiều lần.
Quá trình chuẩn bị cho lễ hội diễn ra từ trước khoảng 3, 4 giờ, những chàng trai sẽ cùng nhau đốt một đống lửa to, còn thầy cúng thì chuẩn bị đồ lễ để cúng tổ tiên, cúng thần linh. Đồ lễ gồm: một bát hương, một chiếc đàn cúng, một con gà, 10 chén rượu, 5 con ngựa giấy và tiền giấy. Thầy cúng sẽ chủ trì lễ, gõ đàn, mời các vị tổ nghề về tham dự, cầu khấn tổ tiên và thần linh ở 10 tầng trời cho phép dân bản được tổ chức lễ hội, xin thần linh truyền bí quyết, lòng quả cảm và sức mạnh phi thường để họ có thể nhảy được vào đống than hồng đang rực cháy tượng trưng cho sức mạnh, lòng dũng cảm, dám đối đầu và vượt qua với những nguy hiểm, khó khăn.
Khi than cháy hết cũng là lúc buổi lễ nhảy lửa kết thúc, thầy cúng lại làm lễ khấn để tiễn các vị thần linh. Cúng xong, thầy cúng và những người tham gia nhảy lửa mới trở về trạng thái bình thường.
Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn mang màu sắc tâm linh, huyền bí nhưng đậm tính nhân văn. Đồng thời, đây cũng là dịp để bản làng vui vẻ, gắn kết, tạo nên nét đặc trưng riêng của dân tộc. Ngày 27/12/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã quyết định công nhận Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia ở loại hình Lễ hội truyền thống.