Pù Luông – Một vùng quê yên ả

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Pù Luông, Bá Thước là một huyện nằm trong vùng Bắc Trung Bộ thuộc Tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Nơi đây có ba dân tộc Thái, Mường, Kinh cùng chung sống hòa bình; trong đó dân tộc Thái, Mường là chủ yếu. Chính nhờ địa lý và khí hậu đã tạo nên bản sắc văn hóa đặc sắc, độc đáo của quê Bá Thước.

Các NSNA Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tại Pù Luông – ảnh: NSNA Trần Minh

Ảnh: NSNA Xuân Đạt

Ảnh: NSNA Trần Minh

Ảnh: NSNA Nguyễn An

Ảnh: NSNA Đức Nghiêm

Bá Thước có nhiều địa điểm du lịch còn hoang sơ, hấp dẫn với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trong lành cùng các món ăn ngon và nhiều nét văn hóa đặc trưng ở nơi đây. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, cách Thành phố Thanh Hóa khoảng 130km về phía Tây Bắc. Pù Luông nổi tiếng với hệ sinh thái núi đá vôi với nhiều hang động đẹp. Pù Luông có khu nghỉ mát Son Bá Mười như một Sa Pa thu nhỏ, cheo leo giũa núi rừng Thanh Hóa ở xã Lũng Cao; đỉnh Pù Luông cao 1.700m tại xã Thành Sơn.  Ngoài ra, Bá Thước còn có Suối Cá thần ở bản Chiềng Ban, xã Văn Nho, là suối cá thần thứ ba được phát hiện tại Thanh Hóa. Bên cạnh sự đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, nơi đây còn có sự phong phú, đa dạng về bản sắc văn hoá của cộng đồng người Thái, người Mường.

Ảnh: NSNA Hồng Kỳ

Ảnh: NSNA Công Quân

Ảnh: NSNA Đức Nghiêm

Ảnh: NSNA Nguyễn An

Ảnh: NSNA Sỹ Tân

Với mong muốn khám phá một trong những nơi còn rất hoang sơ của tỉnh Thanh Hóa, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác ảnh tại Pù Luông, Bá Thước trong ba ngày từ ngày 28 – 30/10/2022. Đoàn chúng tôi gồm 24 NSNA do NS Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch Hội làm Trưởng đoàn; NS Trần Văn Minh, UV BCH Hội làm Phó Trưởng đoàn. Đúng 5h30 sáng ngày 28/10, đoàn chúng tôi xuất phát từ số 1 phố Chợ Gạo, quận Hoàn Kiếm. Xe bon nhanh trên đường; đi qua Hòa Bình rồi đưa chúng tôi tới Pù Luông thuộc huyện Bá Thước khoảng 11h00 trưa. Bữa cơm trưa đầu tiên ở Pù Luông thật ấn tượng với những món ăn truyền thống của người Thái, người Mường ở vùng này. Cách chế biến các món ăn rất cầu kỳ, cách trình bầy cũng rất bắt mắt, đồng thời bà con nơi đây còn biết kết hợp các loại gia vị đặc trưng nơi đây để tạo ra các món ăn đậm đà hương sắc của núi rừng miền Tây xứ Thanh như: canh rau đắng; thịt, cá nướng; măng sào, luộc; vịt Cổ Lũng nướng, luộc; cá hấp lá đu đủ… Mỗi bữa ăn đều được đầu bếp thay đổi khẩu vị các món ăn để chúng tôi thưởng thức và cũng để không bị nhàm chán.

Ảnh: NSNA Thu Hoài

Ngay sau bữa cơm, đoàn chúng tôi đi khám phá và chụp ảnh phong cảnh loanh quanh ở Pù Luông. Một ngày trôi đi thật nhanh và ai cũng vui vì có sản phẩm của riêng mình. Ngày hôm sau, đoàn chúng tôi đến thôn của đồng bào Thái để chụp ảnh làng dệt thổ cẩm với cái tên thật lạ – thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước. Thôn Lặn Ngoài cũng nằm trong vùng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông – một trong những điểm tham quan có cảnh đẹp hoang sơ và rừng nguyên sinh. Điểm nổi bật của thôn Lặn Ngoài là Nghề dệt thổ cẩm truyền thống có từ rất lâu đời và bất kỳ người phụ nữ Thái nào cũng đều biết dệt thổ cẩm – một nét riêng, độc đáo của dân tộc Thái.

Ảnh: NSNA Xuân Đạt

Ảnh: NSNA Hữu Nền

Ảnh: NSNA Hồng Kỳ

Được biết, để bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm, Chi hội Phụ nữ thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm đã phát động bà con khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm. Hiện nay, sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Thái nơi đây rất phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã hoa văn đẹp và tinh xảo nên được rất nhiều khách hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng. Chúng tôi vào thôn Lặn Ngoài bắt gặp cháu Hà Thị Tinh đang thoăn thoắt dệt tấm thổ cẩm truyền thống rực rỡ sắc màu ngay bên hiên nhà sàn nằm sát con đường bê tông vào thôn. Tôi rẽ vào hiên trò chuyện cùng cháu. Cô gái Thái xinh tươi, cười nói rất cởi mở. Sau ít phút chúng tôi trở nên thân thiện hơn và tôi ngỏ ý muốn chụp ảnh cháu đang làm việc. Cháu vui vẻ nhận lời.

Ảnh: NSNA Hữu Nền

Khoảng gần nửa tiếng đồng hồ sau, một chàng khôi ngô mảnh dẻ đột nhiên xuất hiện ngay sau lưng tôi. Tôi quay lại nhìn và mỉn cười thay cho lời chào hỏi. Ngay lúc ấy cháu Tinh giới thiệu đây là chồng cháu chồng cháu, tên Lò Văn Thực. Vợ chồng cháu Lò Văn Thực và Hà Thị Tinh, người Thái đã đón tiếp chúng tôi thật vui vẻ, cởi mở, thân thiện. Chỉ sau ít phút chúng tôi và vợ chồng cháu trở nên thân mật như người thân đi xa mới về. Hai cháu còn mời chúng tôi ở lại ăn cơm. Chúng tôi vừa trò chuyện vừa chụp ảnh không hề có chút ngượng ngùng hay bất kỳ rào cản nào. Sau khi chụp ảnh xong NS Hữu Nền và vài nghệ sĩ khác mua khăn quàng, khăn trải bàn để kỷ niệm một chuyến đi. Một buổi chụp ảnh thật vui vẻ và thỏa mãn. Bà con dân tộc Thái ở thôn Lặn Ngoài đã để lại ấn tượng đẹp và đầy thân thiện với tôi với cả đoàn, đặc biệt là vợ chồng cháu Thực – Tinh.

Ảnh: NSNA Đức Nghiêm

Ảnh: NSNA Văn Quang

Ảnh: NSNA Công Quân

Vợ chồng cháu Thực – Tinh vui vẻ chia sẻ: Nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc cháu phải rất kiên trì, khéo tay. Ngoài công việc ruộng nương, những lúc rảnh rỗi chúng cháu lại dệt vải thổ cẩm phục vụ may trang phục truyền thống cho mình, cho người thân… Hiện nay vợ chồng cháu cũng như bà con ở đây còn dệt nhiều sản phẩm khác nhau làm quà lưu niệm để bán và giới thiệu sản phẩm của dân mình tới du khách trong nước và quốc tế đến với Pù Luông. Vợ chồng chúng cháu cảm ơn các bác ạ. Lần sau về đây mời các bác lại đến nhà cháu chơi.

Ảnh: NSNA Văn Quang

Có thể nói, từ lâu trong đời sống văn hóa của các dân tộc ở Bá Thước đã hình thành kho tàng văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng với các câu ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích dân gian, thần thoại, thơ ca v.v… Trong các dịp lễ hội, đám cưới, hội làng bản… bà con dân làng thường vui chơi, ca hát, với các nhạc cụ như trống, chiêng, khua luống, gõ ống tạo sự gần gũi thân thiết, gắn bó trong cộng đồng. Nhiều cặp trai gái đã nên vợ nên chồng qua các lễ hội. Nết đặc trưng của người Thái, người Mường là lối diễn đạt bằng lời nói có vần, từ ngữ giầu hình ảnh để răn dạy con cháu. Hát dân ca người Thái gọi là “khặp” còn người Mường gọi là “xường” rất phổ biến trong đời sống văn hóa của hai dân tộc Thái, Mường ở Bá Thước. Người Thái có tục cầu mưa, người Mường có lễ hội xuống đồng… tất cả đều xuất phát từ nền sản xuất nông nghiệp; cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; cầu mong cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Ảnh: NSNA Sỹ Tân

Ảnh: NSNA Tiến Bách

Vâng, một chuyến đi sáng tác ảnh về một vùng quê yên ả với nhiều phong cảnh hoang sơ, với tình cảm cởi mở, thân thiện của bà con nơi đây  mãi in đậm trong các nghệ sĩ  nhiếp ảnh Hà Nội chúng tôi. Những hình ảnh đẹp ấy đã góp phần làm nên chuyến đi thực tế lần này thật đáng nhớ và hữu ích.

Bài: NSNA Tuyết Minh

Ảnh: các NSNA trong đoàn

Tin liên quan