Người dân Hàm Thuận Nam vào rừng Tà Cú tìm khoai mài, đào về bán với giá 50.000-60.000 đồng một kg.
Cuối tuần, ông Ba Âu, 48 tuổi (ngụ xã Tân Thuận) cùng hơn chục người trong xóm đi xe máy qua rừng Tà Cú tìm khoai mài. Cả đoàn chạy xe máy trên đường mòn vượt hơn 5 km qua láng cát. Sau 20 phút, tất cả có mặt tại ngã ba cây gáo, nơi khu rừng có nhiều khoai mài, giáp xã Hàm Minh.
Dựng xe dưới tán cây, những người này vác xuổng tản mát ra các hướng để tìm mài. Vừa lội bộ vào chục mét, ông Ba Âu phát hiện dây mài đầu tiên. Ông nhìn chòm lá có hình bầu, sau đó dùng tay lần theo dây, tìm ra gốc của nó.
“Đây đúng là khoai mài, vì sợi dây nó nhám, còn các loại dây khác thì trơn”, ông Âu nói và kể lúc mới vào nghề cách đây 20 năm ông từng bị nhầm, đào hì hục nhưng không thấy củ đâu.
Cây xuổng, dụng cụ đào mài của ông Âu dài 2 m, gắn lưỡi sắt hình dài hơn gang tay. Ông đào xuống 30 cm kề gốc mài để dò củ. Thấy củ mài lòi ra, ông từ từ đào nhẹ xuống theo hướng thẳng đứng. Từng mớ cát đỏ được hất lên trên.
Khi lỗ đào sâu được hơn một mét, ông cúi xuống đưa tay ngắt củ mài ra khỏi rễ đưa lên. “Mài mọc thẳng. Người đào phải kiên nhẫn, chứ nóng vội dễ lẹm vào làm lác hoặc gãy vụn củ, sẽ không bán được”, ông Âu cho hay.
Cách đó mười bước, anh Trần Hải Đông, 34 tuổi cũng đang hì hục đào. Do tán râm, lỗ đào của anh nhìn xuống tối om, không thể xác định được hướng đi của củ mài. Anh lấy đèn pin trong giỏ ra đội lên đầu, vừa soi vừa đào xuống.
Mồ hôi nhễ nhại, chừng 5 phút sau anh cúi rạp người, lôi củ mài lên. Củ mài dài gần 80 cm, anh bẻ làm hai bỏ vào giỏ, rồi vác xuổng đi tìm tiếp dây mài khác. “Đào từ sáng đến chiều, tôi thường được chục ký trở lên”, anh Đông nói.
Theo anh Đông, cuối mùa mưa, mài bắt đầu già, củ có nhiều bột, nên đây là thời điểm thích hợp để vào rừng săn mài. Rừng Tân Thuận đất cát, nên khoai mài thu được chất lượng ngon, được nhiều người ưa chuộng.
“Mài Tân Thuận bán rất chạy. Chiều vừa về làng là thương lái tới mua ngay, giá hiện tại 50.000-60.000 đồng một ký, tùy lớn nhỏ”, anh Đông cho hay.
Ông Phạm Thành Thái, 50 tuổi, người dân Tân Thuận có hơn 30 năm làm nghề đào mài cũng cho biết, khoai mài mọc ở đất cát củ thon nhưng ăn sẽ ngon hơn loại mọc ở đất thịt, đất bưng ẩm ướt, bởi củ mài đất cát ráo nước, đặc bột.
Mỗi ngày trung bình ông Thái đào được 10-15 kg. “Thương lái gom hàng đưa đi Vũng Tàu và Sài Gòn bán cho tiệm thuốc bắc hoặc bán cho dân ăn, mỗi ngày tôi thu nhập từ 500.000 đến 700.000 đồng, có khi trúng được cả triệu”, ông Thái cho hay.
Cũng theo người đàn ông này, nghề đào khoai mài ở Tân Thuận có từ xưa. Trong thời chiến tranh, do thiếu gạo ăn, người dân phải lên rừng đào mài mang về làm lương thực. “Đời ông truyền cho đời cha, rồi đời cha lại truyền cho đời con, đời cháu…”, ông Thái cho hay.
Rừng Tà Cú còn nhiều mài nhờ mỗi lần đào xong một gốc, ông Thái cũng như những người làm nghề khác sẽ lấp lỗ lại cho rễ dây cũ tiếp tục sống và mọc củ vào năm sau. Cứ thế, năm nào người dân địa phương cũng có mài để đào.
“Nghề này ăn vào máu thịt anh em chúng tôi từ thời thơ ấu, nhà nào cũng có rẫy thanh long, nhưng đến mùa lại nhớ nghề lên rừng tìm mài”, ông Thái vừa nói vừa xách giỏ đựng đầy củ ra xe chở về.
Rừng Tà Cú rộng hơn 10.000 ha, ở huyện Hàm Thuận Nam. Khoai mài mọc tập trung ở khu vực rừng ven những láng cát dọc các xã Hàm Minh, Tân Thuận, Thuận Quý và Tân Thành. Hiện ở xã Tân Thuận có khoảng 20 người đào mài chuyên nghiệp, không kể nhiều người đào về ăn cho vui.
Củ mài còn được gọi là củ hoài sơn, là vị thuốc trong Đông y, có vị ngọt, tác dụng bổ tỳ vị, bổ thận, thường dành cho người chán ăn, chữa suy nhược cơ thể bồi bổ sức khỏe. Mài có thể dùng luộc ăn, nấu chè, nấu canh thịt, hầm xương và nhiều món đặc sản khác.