Soi đèn bắt cua giống

Chân lội nước, tay Hiếu cầm vợt, tay cầm đèn pin soi bắt cua. Bữa ít anh được vài con, nhiều khoảng 200, bán giá 6.000 đồng/con.

Sau bữa cơm chiều, Trần Xuân Hiếu, 20 tuổi, ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, ra ven sông Trường Giang bắt cua bán cho chủ hồ nuôi trong xã. Đồ nghề của anh là chiếc vợt có cán làm từ ống nhựa, đèn pin, xô nhựa. Đến bờ sông Trường Giang cách nhà chừng 100 m, anh lên thuyền thúng chèo qua bên kia sông.

Thuyền cập bờ, Hiếu neo lại và bật chiếc đèn pin. Lội dọc bờ sông bùn cát ngập đến mắt cá chân, chỗ sâu tới đùi, Hiếu soi đèn tìm cua. Ban ngày, cua sống trong hang, đêm ra ngoài tìm thức ăn. Nghe tiếng động, thấy ánh sáng, chúng sẽ bò vào hang hoặc ra chỗ nước sâu trú ẩn. Vì thế Hiếu phải đi thật nhẹ nhàng.

Anh Trần Xuân Hiếu soi đèn bắt cua dọc sông Trường Giang chảy qua xã Tam Tiến. Ảnh: Sơn Thủy
Anh Trần Xuân Hiếu soi đèn bắt cua dọc sông Trường Giang, đoạn chảy qua xã Tam Tiến. Ảnh: Sơn Thủy

Sau năm phút tìm kiếm, Hiếu phát hiện con cua nằm dưới gốc cây. Thấy ánh đèn, nó bỏ chạy vùi mình trong bùn cát, chỉ lộ hai con mắt. Hiếu dùng chân khều trúng con cua để nó chạy vào vợt rồi vớt lên bỏ vào xô nhựa. Anh lấy ít cỏ cây để vào xô, làm chỗ cho cua trú ẩn, ngăn chúng cắn nhau gãy càng.

Vừa đi dọc bờ sông soi đèn, vừa căng mắt quan sát, Hiếu cho biết cua bé chỉ bằng đầu ngón tay cái, màu lại giống lớp bùn cát nên không dễ thấy. Nhiều con ra bãi trống đi ăn, nhưng cũng nhiều con nằm trong cát.

Kết thúc công việc lúc 21h30, mồ hôi ướt đẫm áo, bàn chân trắng bệnh, đổi lại Hiếu bắt được 32 con cua. Mang cua về nhà, anh chuyển qua thùng nhựa lớn nhốt để sáng hôm sau bán cho chủ hồ nuôi trong xã. Có 31 con loại nhỏ, giá bán 6.000 đồng/con; một con lớn khoảng 2 lạng, bán giá cua thịt 35.000 đồng/lạng.

Một con cua có màu tương đồng với nước, đáy sông nên khó phát hiện. Ảnh: Sơn Thủy
Một con cua màu giống bùn cát nên khó phát hiện. Ảnh: Sơn Thủy

Biết săn cua từ nhỏ, Hiếu nói công việc này không đòi hỏi chi phí, chỉ cần 100.000 đồng mua đèn pin, nhưng cần sức khỏe và đôi mắt sáng vì phải đi bộ quãng đường dài, quan sát liên tục trong vài giờ với ánh sáng yếu. Chưa kể trên đường đi, đôi lúc trúng phải hố sâu, vật trơn, ngã ướt người. “Có lần em ngã xuống, đổ xô đựng cua, chúng chạy ra hết”, Hiếu kể.

Cách chỗ anh Hiếu khoảng 2 km, sông Tam Kỳ chảy qua thôn Diêm Điền, xã Tam Tiến, cạn nước nên nhiều người soi đèn bắt cua trong đêm. Từ 19h đến 22h, ông Trần Văn Ba, 42 tuổi, bắt được hơn 50 con, loại nhỏ bằng đầu ngón tay, con to gần hai lạng. “Đêm nay bắt được ít hơn các hôm trước vì gió mạnh tạo sóng. Sông có nhiều ghe, thuyền cào hến nên nước đục không nhìn thấy cua”, ông nói.

Mỗi tháng, nước cạn về đêm khoảng 15 ngày, những người như Hiếu hay ông Ba mới đi bắt cua. Công việc không cho thu nhập ổn định vì có đêm được vài con, có đêm được hơn 200.

Cua giống bắt lên cho vào xô nhựa được bỏ cỏ cây để tránh chúng cắn nhau. Ảnh: Sơn Thủy
Cua giống bắt lên cho vào xô nhựa, thêm ít cỏ cây để tránh cắn nhau. Ảnh: Sơn Thủy

Ông Nguyễn Văn Trung, chủ hồ nuôi ở xã Tam Tiến, cho biết hiện nay cua giống nhân tạo bán nhiều, mỗi con giá chỉ 3.000-4.000 đồng, song chủ hồ vẫn thích mua cua do người dân bắt hơn vì chúng được sinh sản tự nhiên, thả vào ao nuôi nhanh chóng thích ghi với môi trường. Cua tự nhiên sức khỏe tốt, ít bị bệnh, sinh trưởng nhanh, sau bốn tháng nuôi có thể xuất bán. Trong khi đó, cua giống từ các nơi khác về thích nghi môi trường chậm, hay bị bệnh, chết.

Tin liên quan