Sáng 8/12, biên đội Su-30MK2 và trực thăng Mi thao diễn trên bầu trời Thủ đô, khai mạc triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022.
8h, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng, đã có mặt tại sân bay Gia Lâm để khai mạc triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022.
Tổ chức lần đầu tiên, Triển lãm đã thu hút hơn 170 công ty, doanh nghiệp quốc phòng từ 30 quốc gia trên thế giới và các bộ, ngành Việt Nam cùng hơn 250 đoàn khách quốc tế và trong nước tham dự, trưng bày phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho lực lượng hải quân, lục quân, phòng không-không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu bấm nút khai mạc.
Thủ tướng cho rằng Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh gặp gỡ, trao đổi hướng tới một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng.
Người đứng đầu Chính phủ nói chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình, tự vệ, vì nhân dân. Quân đội nhân dân Việt Nam tích cực tham gia các hình thức hợp tác quốc phòng phù hợp cả song phương và đa phương. Triển lãm sẽ mở ra các cơ hội hợp tác, cùng tìm hiểu nghiên cứu xu hướng phát triển của trang bị kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng an ninh trên thế giới.
9h, đội trực thăng Mi-17 cất cánh tại sân bay quân sự Gia Lâm, kéo quốc kỳ Việt Nam cùng cờ hiệu triển lãm tiến vào lễ đài ở sân golf Long Biên bên cạnh, bắt đầu buổi trình diễn. Sáu trực thăng tham gia biểu diễn kéo cờ, mỗi lần ba chiếc, thuộc Trung đoàn Không quân 916.
Biên đội Su-30MK2 xuất phát từ sân bay Kép, Bắc Giang, bay biểu diễn chào mừng. Có 8 chiếc tiêm kích tham gia, mỗi lần trình diễn bốn chiếc, cách nhau khoảng một phút rưỡi. Mỗi tiêm kích nhả 48 quả đạn bẫy mồi nhiệt tạo thành dải ánh sáng trên bầu trời sân golf Long Biên.
Tiêm kích đa năng Su-30 được Nga phát triển từ đầu thập niên 1990, đưa vào biên chế lần đầu năm 1996 với tổng số hơn 600 chiếc được xuất xưởng. Nga liên tục cải tiến tiêm kích Su-30 trong những năm qua, trong đó Su-30MK2 (mệnh danh là “hổ mang chúa”) là một trong những biến thể hiện đại nhất của dòng máy bay này. Việt Nam tiếp nhận những chiếc Su-30MK2 đầu tiên từ năm 2004 với tổng cộng 36 máy bay. Ngoài Nga, Việt Nam hiện là nước sở hữu nhiều tiêm kích Su-30MK2 nhất thế giới.
Đội tiêm kích Su-30MK2 trình diễn nhả đạn bẫy mồi nhiệt bay qua khu triển lãm, phía dưới là các khí tài của Việt Nam được trưng bày.
Các phi công tham gia biểu diễn đến từ Trung đoàn Không quân 927 (sân bay Kép, Bắc Giang) và Trung đoàn Không quân 923 (sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa).
Đạn mồi bẫy nhiệt được Su-30MK2 nhả là loại đạn trang bị trên hầu hết chiến đấu cơ phản lực hiện đại để chống lại các tên lửa phòng không của đối phương.
Máy bay nhả đạn mồi bẫy với số lượng lớn sẽ tạo ra nguồn nhiệt trên đường bay khiến hệ thống dò mục tiêu của tên lửa bị loạn và lệch hướng.
Cặp tiêm kích vừa nhả đạn mồi bẫy nhiệt vừa tách sang hai bên. Các máy bay Su-30MK2 của Trung đoàn Không quân 927 (Sư đoàn 371).
Trên khán đài Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu vẫy tay chào phi công khi máy bay bay qua lễ đài.
“Đây là dịp để tất cả chúng ta thắt chặt hơn mối quan hệ và cũng là cơ hội để Việt Nam được chào đón bạn bè quốc tế, chia sẻ văn hóa, nghệ thuật, giới thiệu về đất nước, con người của Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Nhiều người dân đã ra đê Xuân Quan – Long Biên, cách khu triển lãm khoảng 4 km, để chờ xem trình diễn máy báy.
Từ 9h ngày 10/12, người dân có thể đến tham dự triển lãm, xem trình diễn quốc phòng của đặc công và không quân Việt Nam tại sân bay Gia Lâm. Triển lãm kết thúc lúc 18h ngày 10/12.
Sân bay quân sự Gia Lâm – nơi diễn ra triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. Đồ họa: Khánh Hoàng