Tiểu thương dọn hàng khỏi chợ đầu mối Hóc Môn

Trước giờ chợ đầu mối Hóc Môn tạm đóng cửa một tuần để chống dịch, từ 0h ngày 28/6, các chủ vựa nhanh chóng dọn dẹp hàng hóa.

Từ 0h ngày 28/6 đến 0h ngày 4/7, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn) dừng các hoạt động tập kết hàng trực tiếp để phòng chống dịch. Trước đó, tại chợ đã xuất hiện 19 trường hợp mắc Covid-19 và nhiều ca bệnh có liên quan đến các chợ khác. Nhiều người ở Đồng Nai cũng mắc bệnh do thường đến chợ này buôn bán.

Trước giờ đóng cửa, việc buôn bán tại chợ diễn ra bình thường. Lúc 21h, tại khu nhà lồng chuyên rau củ quả, xe tải vẫn ra vào chợ, tiểu thương tất bật giao nhận hàng và phân phối đến những chợ nhỏ khác.

Chợ đã tạm thời phong tỏa 33 sạp trái cây và 3 sạp rau củ quả Đà Lạt vì liên quan đến ca nhiễm Covid-19.

“Bình thường thời điểm này sẽ rất đông nhưng tối nay thì vắng hơn do nhiều sạp đã trả mặt bằng trước. Hiện chỉ còn nhà lồng nông sản vẫn buôn bán, khu chuyên thịt heo đã ngưng nhập hàng từ sáng nay khi có thông báo đóng cửa chợ”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn cho biết.

Trong ngày cuối trước khi dừng hoạt động, số lượng hàng nhập về chợ giảm còn 1.500 tấn, trong đó rau, củ, quả gần 1.200 tấn, trái cây hơn 500 tấn và thịt heo gần 300 tấn. Chợ ưu tiên cho những người mua sỉ về cung cấp cho các chợ lẻ, hạn chế lượng người dân vào mua theo diện gia đình.

Trên xe máy chất đầy rau, bà Hương nhanh chóng tính tiền cho chủ vựa để kịp về nhà. “Bình thường giữa đêm tôi mới đi lấy hàng, ngày nào cũng hơn 100 kg về bán lẻ trong xóm. Nay chợ đầu mối sắp ngưng nên đi sớm một chút, cũng chưa biết mấy ngày tới sẽ đi đâu mua sỉ rau về bán”, người phụ nữ 50 tuổi cho biết.

Cùng với việc mua bán, nhân viên các vựa rau tất bật đóng gói hàng hóa thừa để chở ra ngoài, trả mặt bằng cho chợ. “Rau trái ở vựa đều ký hợp đồng tiêu thụ với nông dân và phân phối sỉ cho mấy công ty trong khu công nghiệp. Giờ chợ tạm ngưng, không biết họ đòi bồi thường thiệt hại ra sao”, một chủ vựa cho biết.

Số hàng còn dư được anh Huỳnh Văn Lành cất gọn trên xe tải để chở về nhà ở Tiền Giang tiêu thụ. “Ngày nào tôi cũng từ nhà lên chợ bỏ mối rau miền Tây. Nay đã nhập ít mà vẫn dư hơn 100 kg, chắc mang về cho hàng xóm quá, coi như nghỉ ngơi một tuần phòng dịch”, anh Lành nói.

“Trong thời gian chợ ngưng, tôi sẽ chủ động bán hàng qua điện thoại, giao trực tiếp tới khách mua hàng vậy”, anh Phát nói, tay kéo mạnh cửa sắt đóng sạp hàng.

23h, một tiếng trước khi đóng chợ, bảo vệ liên tục dùng loa nhắc và đến từng sạp kêu gọi các chủ vựa nhanh chóng đưa hàng đi.

Tại cổng chợ, những chuyến xe chở hàng liên tục đi ra sau khi đã dọn dẹp xong.

Tất cả xe tải, container khi ra chợ đều được phun khử trùng. Sau khi đóng cửa, công ty sẽ tổng vệ sinh và tiến hành khử khuẩn, tiêu độc toàn bộ chợ.

Việc đóng cửa chợ đầu mối diễn ra chậm hơn nửa tiếng so với dự kiến do nhiều người không dọn hàng kịp. Sau thời điểm trên, ban quản lý sẽ cưỡng chế và cắt điện những sạp vẫn hoạt động.

Trong thời gian ngưng, việc vận chuyển hàng diễn ra trực tuyến, giao tận nơi cho khách mà không thực hiện trực tiếp tại chợ. Xe hàng có thể đậu xung quanh các khu vực ngoài chợ, giao nhỏ ra từng mối sỉ thay vì tập kết một nơi như trước. Khoảng 4.000 thương nhân và cán bộ, nhân viên ở đây cũng được tiêm vaccine để yên tâm mua bán.

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn là 1 trong 3 chợ đầu mối lớn nhất TP HCM, cùng với chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Thủ Đức. Chợ này có diện tích 100.000 m2 với 350 sạp. Mỗi ngày lượng heo về chợ 3.500-4.000 con, rau củ gần 2.000 tấn, trái cây khoảng 1.000 tấn.

Trước đó, UBND thành phố đã cấm các chợ tự phát hoạt động từ ngày 20/6 sau khi đánh giá đây là những khu vực nguy cơ cao về lây nhiễm dịch. Hiện nhiều chợ truyền thống tại thành phố cũng đóng cửa.

TP HCM hiện xếp thứ hai cả nước về số ca nhiễm trong đợt dịch thứ 4 với 3.280 trường hợp.

Tin liên quan