(Khám phá) Bày tỏ lòng biết ơn với những người khai hoang đảo Hà Nam (Quảng Ninh), các cụ tròn 80, 90, 100 tuổi được rước lên miếu lễ tổ.
Sáng mùng 7 tháng giêng, các cụ tròn 80, 90, 100 tuổi ở xã Cẩm La và ba phường Yên Hải, Phong Hải, Phong Cốc sẽ được rước bằng kiệu võng hoặc xích lô lên miếu Tiên Công ở xã Cẩm La (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) lễ tổ.
Theo tài liệu, từ thời Lý – Trần, một số dân chài đến vùng đất đảo Hà Nam thuộc thị xã Quảng Yên ngày nay sinh sống. Họ dựa vào những gò đất cao để dãi chài, phơi lưới. Đầu thế kỷ 15, 6 nhóm dân cư đến quai đê lấn biển, khai hoang đất đai trồng lúa, lập làng, tạo nên khu đảo Hà Nam.
Tục rước người thượng thọ lên miếu nhằm bày tỏ lòng biết ơn với những người khai hoang vùng đất. Từ sáng sớm, những gia đình có cha mẹ thượng thọ sẽ cùng dòng họ tổ chức đoàn rước. Các đoàn đi rất chậm, có nhà cách miếu Tiên Công khoảng 500 m, nhưng phải mất gần ba tiếng mới đến nơi.
Đi trước là đội múa lân với những màn nhào lộn đẹp mắt.
Những người tham gia rước hầu hết là con cháu trong dòng họ.
Con cháu trong gia đình mặc áo dài đội lễ lên miếu. Lễ thường có trầu cau, bánh giầy, đầu lợn…
Gia đình có điều kiện sắm lễ là con lợn quay.
Năm nay có 235 cụ về miếu Tiên Công lễ tổ, trong đó bốn cụ tròn 100 tuổi. Cụ bà Nguyễn Thị Luân (100 tuổi, phường Yên Hải) được gọi là cụ Bách Tuế. Cụ Luân được rước bằng xe xích lô được trang trí lộng lẫy với những dây kim tuyến quấn xung quanh.
Cụ ông Nguyễn Văn Khải (90 tuổi, phường Phông Cốc) được rước bằng võng. Do sức khỏe yếu, cụ ngồi trên võng trước cửa miếu chắp tay vái vào bên trong miếu.
Các cụ thượng thọ làm lễ trong miếu. Với những giá trị đặc biệt về văn hóa lịch sử, ngày 8/5/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định ghi danh lễ hội Tiên Công của thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.