(Nhiếp ảnh Hà Nội) Ngày 23/11, UBND huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình long trọng tổ chức Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 5 và Hội chợ Thương mại huyện Cao Phong năm 2019 trong không khí tưng bừng, náo nhiệt và vô cùng phấn khởi của bà con dân chúng.
Lễ cắt băng Khai mạc Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 5 và Hội chợ Thương mại huyện Cao Phong năm 2019 – Ảnh: Đức Nghiêm
Tới dự Lễ Khai mạc có đồng chí Bùi Văn Thạch, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND Tỉnh; đồng chí Nguyễn Thị Oanh, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch MTTQVN Tỉnh; đại biểu các sở, ngành; báo đài trung ương và địa phương và đông đảo người dân từ các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Kỷ niệm tại vườn cam nhà anh Bùi Văn Hiền – Ảnh: Trần Việt Hà
Theo báo cáo của UBND huyện Cao Phong, hiện toàn huyện có trên 3.000ha cam trong đó cây cam chiếm khoảng 1.700ha, quýt trên 800ha, bưởi gần 500ha; dự kiến sản lượng niên vụ 2019 – 2020 trên 40.000 tấn. Hiện toàn huyện có trên 970ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2014, Cao Phong đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy Chứng nhận chỉ dẫn địa lý (Chứng chỉ VietGAP). Đến nay, hơn 3.000ha cam Cao Phong đã được cấp Chứng chỉ VietGAP và có tem truy xuất nguồn gốc. Lễ hội cam Cao Phong và các quả có múi lần này là dịp để các nhà vườn giới thiệu sản phẩm tới du khách thập phương.
Gian hàng tại Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 5 năm 2019 – Ảnh: Tuyết Minh
Ban Tổ chức Lễ hội cho biết: Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 5 và Hội chợ thương mại huyện Cao Phong năm 2019 có gần 80 gian hàng bày bán các sản phẩm cây ăn quả có múi như cam, quýt, bưởi, chanh, mía tím, ẩm thực, cây giống, các sản phẩm nông sản của huyện Cao Phong và các huyện trong tỉnh. Bên cạnh đó là khu Hội chợ thương mại huyện với hơn 120 gian hàng thương mại tổng hợp: gian hàng thủ công, mỹ nghệ và khu ẩm thực. Lễ hội còn là dịp để du khách thăm quan các danh thắng nổi tiếng của địa phương, tham gia các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian cùng nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tỉnh.
Kỷ niệm tại Lễ hội cam Cao Phong lần thứ V năm 2019 – Ảnh: Đức Nghiêm
Tại Lễ hội lần này có nhiều hoạt động sôi nổi như Lễ ra mắt Hội Sản xuất và kinh doanh cam huyện Cao Phong… Năm 2014, Cam Cao Phong trở thành sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được cấp bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý. Hiện các loại cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện được trồng bằng các loại giống có năng suất, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP và chất lượng VSATTP. Lễ hội và Hội chợ lần này với mong muốn phát huy những thành quả đạt được, quảng bá thương hiệu Cam Cao Phong trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Thay mặt Tỉnh ủy – HĐND – UBND – MTTQVN Tỉnh, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư tặng hoa chúc mừng Lễ hội; Hội Sản xuất và kinh doanh cam huyện Cao Phong và toàn thể bà con huyện Cao Phong. Tại Lễ hội đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong đã đạt được thành quả trong xây dựng, phát triển thương hiệu cam Cao Phong.
Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi Lễ – Ảnh: Đức Nghiêm
Đồng chí Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh: “…trong định hướng phát triển lâu dài của tỉnh, nông nghiệp giữ vai trò quan trọng. Theo đó, các sở, ban, ngành lấy mô hình cam Cao Phong là mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp mẫu để nhân diện rộng. Tiếp tục cơ cấu lại những sản phẩm chủ lực của địa phương theo hướng nông nghiệp sạch, ATTP để có thêm nhiều sản phẩm có thương hiệu như cam Cao Phong. Đồng hành cùng với nông dân trong phát triẻn nông nghiệp bền vững. Tỉnh đang tập trung ưu tiên tạo cơ chế, chính sách, quan tâm tìm kiếm nhà đầu tư, nhà tiêu thụ gắn với sản xuất chế biến sâu. Về phía người sản xuất, bà con nông dân trong tỉnh cần phát huy hơn nữa việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng làm hành trang tiến bước vào nền nông nghiệp hiện đại.”
Mùa cam Cao Phong năm 2019 – Ảnh: Tuyết Minh
Vâng, Cao Phong là một huyện của tỉnh Hòa Bình cách trung tâm Hà Nội khoảng 90km về phía Tây Bắc; phía Đông giáp huyện Kim Bôi; phía Bắc giáp TP Hòa Bình; phía Tây Bắc giáp huyện Đà Bắc; phía Tây và Tây Nam giáp huyện Tân Lạc; phía Đông Nam giáp huyện Lạc Sơn. Có thể nói Cao Phong được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa, được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi, có tầng đất canh tác dày, thoáng khí, hàm lượng dinh dưỡng cao nên rất phù hợp với các loại cây ăn quả có múi, đặc biệt là cam, quýt. Các loại cam, quýt được trồng ở đây có ưu điểm nổi trội hơn hẳn các nơi khác trên cả nước là mọng nước, có hương thơm và vị ngọt đậm đà. Chính vì vậy bà con huyện Cao Phong đã phát triển trồng cam, quýt và nay đã trở thành cây trồng chủ lực của Tỉnh.
Gặp gỡ với đồng chí Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, anh cho biết: “Để xây dựng thương hiệu cam Cao Phong phát triển ổn định và bền vững, trong thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn, định hướng cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển bền vững vùng cam hàng hóa; tổ chức liên kết hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, phát triển đời sống cho người dân Cao Phong. Bên cạnh đó huyện Cao Phong thành lập Ban Kiểm soát để giám sát hoạt động sản xuất sản phẩm cam từ khâu giống, chăm sóc đến quá trình thu mua, tiêu thụ… tránh gian lận ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm; thành lập Hội Người trồng cam nhằm nâng tầm giá trị của cây ăn quả có múi, đặc biệt là cam quýt…”.
Sau khi kết thúc nghi thức khai mạc Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 5 và Hội chợ Thương mại huyện Cao Phong năm 2019, chị Hàn Thị Quyên, cán bộ Phòng Tài chính – Kế hoach huyện Cao Phong và chị Phạm Thị Chiến, cán bộ Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Cao Phong đón tiếp và đưa chúng tôi đi thăm vườn cam nhà anh Bùi Văn Hiền ở xóm Bưng 1, xã Thu Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình.
Ngắm thành quả sau một năm chăm bón – Ảnh: Tuyết Minh
Anh Hiền chia sẻ: Sau 5 năm, diện tích trồng cam Cao Phong đã tăng lên rất nhiều lần và liên tiếp tăng giá những năm tiếp theo. Cây cam đã mang lại cuộc sống đổi thay cho bà con người Mường ở Cao Phong. Mấy năm nay, các giống quả có múi ở Cao Phong đang là cây trồng chủ lực của cả tỉnh Hòa Bình. Riêng năm nay, 2019 giá cam đã giảm hẳn xuống. Trong mấy ngày gần Lễ hội Cam Cao Phong lần thứ 5 và Hội chợ Thương mại huyện Cao Phong, các loại cam lòng vàng, cam Xã Đoài, cam canh đang vào vụ thu hoạch ở Cao Phong có giá khoảng 20.000 – 25.000đồng/kg.
Được mùa cam – Ảnh: Trần Việt Hà
Trò chuyện với chị Hàn Thị Quyên, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoach huyện Cao Phong được biết cam Cao Phong có màu sắc vàng nhạt, quả to, mọng nước, không vàng óng như cam Trung Quốc. Khi bóc vỏ ra có mùi thơm rất đặc trưng, cắt khỏi cành độ 1 ngày thì héo cả lá và quả. Anh Bùi Văn Hiền tiếp lời: “Cam Cao Phong quả tròn đều, vỏ không nhẵn như cam Trung Quốc. Để nhận biết cam Cao Phong có rất nhiều cách như phân biệt bằng màu sắc, hình dáng quả, hoặc có thể bóc quả ra thử. Thường cam vàng vỏ nhẵn, ăn ngọt sắc, núm quả có vòi, thì chắc chắn không phải cam Cao Phong v.v…”.
Anh Bùi Văn Hiền , Chủ vườn cam ở xóm Bưng 1, xã Thu Phong, huyện Cao Phong, Tỉnh Hòa Bình – Ảnh: Tuyết Minh
Đến Cao Phong đang vào mùa thu hoạch cam mới thấy sự tất bật, rộn ràng trong niềm vui sướng của người trồng cây đến ngày hái quả ngọt. Ở Cao Phong là cả một rừng đồi bạt ngàn cam, trong vườn, trên đồi, dưới chân núi, đâu đâu thấy những cây trĩu quả. Lần đầu được đến vườn cam, chúng tôi tha hồ tự tay cắt những quả cam và thưởng thức tại vườn những trái cam có vị thơm ngọt mát, mọng nước… Quả là một trải nghiệm vô cùng hấp dẫn, thú vị với nhiều cung bậc cảm xúc không chỉ đối với chúng tôi mà chắc chắn đối với tất cả các du khách trong nước và quốc tế cũng sẽ. có những cảm nhận như chúng tôi.
Bài: NSNA Tuyết Minh