(Nhiếp ảnh Hà Nội) Nghề nào cũng có sự vất vả, cực nhọc riêng. Tuy nhiên, đối với nghề quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ thì khá đặc biệt, cực nhọc và nguy hiểm luôn thường trực… phải thực sự phải yêu nghề và yêu những chú chó lắm mới có thể bám trụ được. Thật bất ngờ khi tôi đến Đội Quản lý và sử dụng chó nghiệp vụ của Phòng PC65 – Công an thành phố Hà Nội. Tới đây trò chuyện, chụp ảnh các chiến sĩ công an đang cùng các chú cảnh khuyển luyện tập; chăm nuôi chúng mới cảm nhận và thấy được nỗi vất vả, khó khăn của các anh.
Thực hiện theo khẩu lệnh
Nếu không có cuộc thi và triển lãm ảnh “Công an Hà Nội vì Nhân dân phục vụ – Vì Thủ đô bình yên” do Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội phối hợp với Công an thành phố Hà Nội tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013 thì chúng tôi không có dịp tiếp cận và hiểu được những thành tích đáng nể của các chiến sĩ công an, đặc biệt là lực lượng cảnh sát quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ.
Báo cáo thành tích
Đánh hơi
Được biết: Lực lượng cảnh sát quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ đã chủ động tham mưu cho Ban Giám đốc CATP Hà Nội xây dựng quy trình quản lý và sử dụng chó nghiệp vụ; phối hợp với các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm… góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô; xây dựng phương án sử dụng chó nghiệp vụ vào công tác tuần tra kiểm soát, chống đua xe trái phép…
Đúng vậy, luyện tập cùng các chú khuyển cũng lắm công phu. Mỗi ngày, các chiến sĩ công an đều dành thời gian chăm sóc cho chú khuyển của mình. Từ cử chỉ vuốt ve, tắm rửa, chải long, ngoáy tai cho đến chế độ ăn uống… đều phải chăm chút cho chúng hệt như chăm bẵm cho những đứa con. Trong các buổi tập cũng vậy, mỗi khi phải đứng cạnh chú chó của mình, các chiến sĩ công an đều rất ý tứ đi vòng phía sau. Điều đó gần như là bắt buộc. Theo các anh: “Chó là giống rất nhạy cảm, thông minh nếu chúng được tôn trọng, chúng sẽ yêu quý và tôn trọng lại chủ. Và khỏi phải nói, chó là loài trung thành với chủ nhất hiếm có loài nào trung thanh bằng chúng”.
Vượt chướng ngại vật
Giỏi! Giỏi…! Giỏi quá!!!
Mỗi sáng tập luyện, các chú khuyển được xếp thành hàng cùng với huấn luyện viên rất trật tự, thẳng hàng. Bất ngờ một tiếng hô lớn “Chú ý! Chào!”, các chú khuyển nhanh chóng làm theo hướng dẫn. Tiếp theo là khẩu lệnh “Ngồi xuống! Đứng lên! Nằm!…”, đều được thực hiện một cách thành thục trước con mắt thán phục của dân nhiếp ảnh chúng tôi. Rồi đến các bài tập: chạy vòng quanh, phóng qua bờ tường, vượt các chướng ngại vật, nhảy qua lửa, bảo vệ đồ vật, phát hiện thuốc nổ, phát hiện ma túy, bắt đối tượng gây rối, truy đuổi tội phạm v.v… đều rất chính xác. Laika phát hiện ma túy; Enna và Sig phát hiện thuốc nổ; Zech giám định hơi người… đều là những “chiến binh” thiện nghệ, thông minh của đơn vị. Chúng rất tinh khôn và nhảy bén, luôn tìm kiếm và phát hiện ra mục tiêu sớm nhất. Mỗi khi tìm thấy mục tiêu, mỗi chú thể hiện một cách: Laika thì sủa lên vài tiếng, còn Sig và Enna lại im lặng ngồi xuống… Để huấn luyện được những “sát thủ” như vậy quả chẳng phải là việc dễ dàng.
Khổ công tập luyện
Ngoài những việc làm hàng ngày, các chú chó nghiệp vụ cũng bị quy định rất nghiêm ngặt. Những “chàng chó này” bị cách ly và cấm tuyệt đối việc giao tiếp với bất kỳ “nàng chó” nào. Một chiến sĩ tâm sự: “Chỉ cần một con chó cái đi qua cách cơ quan khoảng 200m là cả bày sẽ “gào rống” lên ngay. Tất nhiên khi ấy huấn luyện viên không thể làm được gì nữa.”. Chính vì vậy, khu vực này luôn được canh gác rất cẩn trọng. Đặc biệt, trong phạm vi bán kính khoảng 500m không có “nàng chó” nào được bén mảng đến…
Đồng chí Phan Đình Vĩnh Đội trưởng Đội Quản lý và sử dụng chó nghiệp vụ của Phòng PC65 – Công an thành phố Hà Nội
Anh Phan Đình Vĩnh Đội trưởng Đội Quản lý và sử dụng chó nghiệp vụ của Phòng PC65 – Công an thành phố Hà Nội tiếp đón chúng tôi rất cởi mở, thân thiện như chúng tôi quen nhau từ lâu rồi. Trong khi ngồi trò chuyện, anh Đình Vĩnh tâm sự: “Đội Quản lý và sử dụng chó nghiệp vụ của Phòng PC65 – Công an thành phố Hà Nội được thành lập năm 2006. Tôi về đơn vị là do sự điều động của cấp trên chứ không học nghề này. Vì là nghề nhiều nỗi vất vả, lại dễ xẩy ra tai nạn nghề nghiệp, nhiều chiến sĩ trong đội chưa hoàn thành nhiệm vụ… Vài lần tôi cũng xin lãnh đạo cho về làm chuyên môn của mình. Các lãnh đạo động viên và khuyên tôi yên tâm công tác và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi cũng hết lòng thương yêu, chăm lo, quan tâm toàn bộ chiến sĩ của đội. Toàn đội chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao và từng bước tiến bộ.”
Thưa ông, cái vali này
Zech đang tìm thuốc nổ
Quả thật, các anh đã cố gắng vượt bậc để chăm sóc đàn chó gần 20 con mặc dù cơ sở vật chất nơi đây còn nhiều khó khăn. Nỗi vất vả, khó khăn của các anh đã được đền đáp một cách xứng được đó là Đội Quản lý và sử dụng chó nghiệp vụ của của các anh đã trở thành đơn vị quyết thắng của CATP Hà Nội dưới sự dẫn dắt của Đội trưởng Trung tá Phan Đình Vĩnh.
Chăm sóc các chú khuyển
Trong mấy năm gần đây, CATP Hà Nội đã đổi mới rất nhiều, từ hình ảnh cảnh sát giao thông, cảnh sát khu vực, cải tiến và áp dụng công nghệ tin học vào quy trình nhập, chuyển và cắt hộ khẩu, thủ tục làm hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân v.v… cho đến xây dựng trụ sở làm việc cho cán bộ và chiến sĩ công an xuống tận quận, huyện, phường… đã khiến người dân Thủ đô thay đổi suy nghĩ và cách nhìn về cá bộ và chiến sĩ công an Hà Nội. Hy vọng rằng Ban Giám đốc CATP Hà Nội duy trì, phát huy và đặc biệt quan tâm hơn nữa đến lực lượng cảnh sát quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ để các chiến sĩ yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự bình yên của Thủ đô một cách hữu hiệu.
Năm nay Công an thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội tổ chức thi và triển lãm ảnh: “Công an Hà Nội vì Nhân dân phục vụ – Vì Thủ đô bình yên” lần 2 – năm 2014. Những cuộc triển lãm ảnh như thế này sẽ giúp người dân hiểu và ngày càng thêm tin yêu các cán bộ và chiến sĩ công an Thủ đô.
Bài, ảnh: NSNA Tuyết Minh