Vỉa hè trung tâm TP HCM sau hai tháng thu phí

Các hàng quán chủ động xếp bàn ghế, buôn bán, giữ xe theo vạch giới hạn, chừa lối cho người đi bộ sau hai tháng thu phí vỉa hè ở quận 1.

Trưa 11/7, vỉa hè đường Lê Thánh Tôn, quận 1, gần chợ Bến Thành được chia làm ba phần, phân biệt bằng màu sơn vạch kẻ. Phía ngoài cùng rộng khoảng một mét là chỗ để xe máy, ở giữa là lối dành cho người đi bộ rộng gần 2 m, phần trong cùng rộng tương đương dành cho hàng quán thuê làm mặt bằng buôn bán.

So với trước đó, phần đường dành cho người đi bộ được phân biệt rõ ràng bởi hai vạch kẻ vàng và trắng trở nên thông thoáng. Theo quy định, vỉa hè thuộc diện cho sử dụng một phần phải rộng ít nhất 3 m, trong đó 1,5 m dành cho người đi bộ.

Cách đây hai tháng, khu vực này là một trong 11 tuyến đường ở quận 1 được chính quyền thí điểm thu phí vỉa hè làm bãi giữ xe, kinh doanh có thu phí với mức 20.000-350.000 đồng mỗi m2. Đến nay, quận 1 đã có 290 trường hợp đăng ký, thu về khoảng một tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Tài, 59 tuổi, dắt xe xếp ngay ngắn theo vạch để giữ xe máy trước cửa tiệm trên đường Phan Bội Châu, đối diện cửa Đông chợ Bến Thành. Ông cho biết, trước đây vỉa hè rộng hơn 5 m nhưng người đi bộ phải len lỏi tìm khoảng trống để đi vì xe máy, bàn ghế, sạp bán đồ, biển hiệu đã choán hết chỗ.

“Hai tháng nay đường có phân chia rõ ràng, các hộ buôn bán ý thức được phần nào việc sử dụng hay chừa cho người đi bộ”, ông nói.

Trước

Bấm để lật ảnh sau/trước
Sau

Tại bãi giữ xe trên đường Phan Chu Trinh ở cửa Tây chợ Bến Thành cũng được tổ chức quy củ hơn. Các hàng xe máy được xếp gọn gàng theo vạch kẻ đã áp dụng thu phí, chừa lối đi bộ. Trước đây, phần vỉa hè tại đây chỉ dùng để xe, người đi bộ phải len lỏi qua khoảng trống hoặc xuống lòng đường để đi.

Trước

Bấm để lật ảnh sau/trước
Sau

Cách đó một km, vỉa hè trên đường Hải Triều trước tòa nhà Bitexco được sắp xếp trật tự theo khu vực để xe máy, lối đi bộ, nơi đặt bàn ghế theo diện tích đã đăng ký khác hẳn so với cảnh bị hàng rong, xe máy lấn chiếm hồi tháng 4.

Anh Đặng Văn Ninh, 44 tuổi, quản lý quán phở trên đường Hải Triều, xếp lại bàn ghế ngay ngắn theo vạch sơn trên phần vỉa hè đã thuê. Anh cho biết, quán thuê hơn chục mét vuông vỉa hè với chi phí khoảng 5 triệu đồng cho ba tháng.

Trước đây, cơ sở chỉ đặt bàn ghế bên trong, khi có khách đông phải kê bàn ghế ra ngoài cho khách ngồi nhưng trật tự độ thị xuống kiểm tra phải vội thu dọn rất phiền toái. Anh Ninh kể, có lúc khách nước ngoài đang ngồi ăn, phải yêu cầu họ đứng dậy để dọn bàn gây bất tiện. “Nhiều du khách lấy điện thoại ra quay lại cảnh giành giật bàn ghế lại với lực lượng chức năng trông rất ngại ngùng”, anh nói.

Theo quản lý quán, từ khi thu phí vỉa hè vào tháng 5, quán đặt thêm ba bộ bàn ghế với 18 chỗ ngồi thì khách ăn uống rất thoải mái vẫn tuân thủ cự ly cho người đi bộ.

Ngoài các cửa hàng kinh doanh, một số người bán hàng rong cũng trả phí để sử dụng phần vỉa hè theo quy định. Họ kê nhiều mâm trái cây bán cho người qua đường.

Bà Lê Thị Luyến, 63 tuổi, thuê khoảng 8 m2 vỉa hè trên đường Phan Chu Trinh với phí khoảng một triệu đồng mỗi tháng để bán sầu riêng, măng cụt. Việc bán theo khu vực được phân chia hai tháng qua đã trật tự hơn, không còn phải lo cảnh bị lực lượng chức năng đuổi, thu đồ đạc.

Trước

Bấm để lật ảnh sau/trước
Sau

Vỉa hè trên đường Chu Mạnh Trinh, quận 1, cũng không còn cảnh bị lấn chiếm bởi người ngồi uống cà phê trước quán sau khi thực hiện phân chia diện tích sử dụng, thu phí.

Ông Lê Đức Thanh, Chủ tịch UBND quận 1, cho biết sau hai tháng triển khai thí điểm thu phí vỉa hè, các hộ kinh doanh, người dân các tuyến đường trung tâm TP HCM đã trật tự, gọn gàng hơn. Văn minh đô thị đã được cải thiện rõ. Quận sẽ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và mở rộng thu phí ở nhiều tuyến đường ở địa bàn.

Trước

Bấm để lật ảnh sau/trước
Sau

Ngoài nhiều tuyến vỉa hè được sắp xếp trật tự, một số nơi vẫn bị lấn chiếm, để xe máy tràn lan. Tại tuyến đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, dù được kẻ vạch song nhiều cơ sở kinh doanh vẫn để xe máy lấn chiếm như trước.

Tương tự, tại đường Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, quận 1, vẫn bị một số quán kê bàn ghế cho khách ngồi choán hết phần đường dành cho người đi bộ vào buổi tối dù đã được kẻ vạch sơn phân định.

Thống kê ở TP HCM hiện có hơn 4.800 đường rộng 5 m trở lên, trong đó gần 2.600 tuyến không có vỉa hè. Nhiều năm qua, tình trạng mua bán, lấn chiếm vỉa hè, dưới lòng đường diễn ra phổ biến, ảnh hưởng giao thông, mỹ quan đô thị. Các quận, huyện đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự, song việc này được ví như “bắt cóc bỏ dĩa”.

Mới đây Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết dù chính quyền thành phố có nhiều văn bản đôn đốc nhưng tiến độ thu phí vỉa hè vẫn chậm so với kế hoạch. Cụ thể, chỉ có quận 1, 3, 4, 10 và 12 đã cho phép việc thu phí, 17 quận, huyện còn lại chưa triển khai.

Tin liên quan