Võ bên tháp cổ

Du khách tới Bình Định có dịp xem những bài biểu diễn võ cổ truyền tại cụm tháp Chăm ngàn năm tuổi.

Bình Định nổi danh là miến đất võ truyền thống, “cái nôi” của nhiều môn phái võ cổ truyền Việt Nam. Từ thế kỷ X đến XVI, nơi đây từng là vương quốc cổ Chăm Pa, có kinh đô Vijaya huy hoàng và những ngọn tháp rêu phong vẫn đứng hiên ngang trước bao thử thách của thời gian.

Trong ảnh là cụm tháp Dương Long uy nghi, rêu phong, gồm 3 tháp, tháp giữa cao 24 m, hai tháp 2 bên cao 22 m. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ XII, thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hóa nghệ thuật Chăm Pa, nay tọa lạc tại xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, cách TP Quy Nhơn khoảng 40 km.

Bức ảnh nằm trong bộ ảnh “Về Bình Định ngắm tháp Chăm, xem diễn võ” do nhiếp ảnh gia Nguyễn Phước Hoài (sống và làm việc tại Quy Nhơn) thực hiện.

Võ đường Việt Anh, một trong những lò võ nổi tiếng, tiềm năng và kế thừa truyền thống võ thuật của Bình Định, nằm tại xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn. Trong ảnh, võ sinh đang phân thế trong bài Độc long thương và Song kiếm pháp, trong đối luyện tại quần thể tháp Dương Long.

Người thầy đang hướng dẫn cho môn sinh thực hiện thế võ Giá thiên tấn bộ và Thượng mã chiêu kỳ của bài Song đấu roi chiến, tại tháp Bánh Ít.

Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII tại xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, trên ngọn đồi nằm giữa 2 nhánh sông Côn là Tân An và cầu Bà Gi, bên cạnh ngã tư Quốc lộ 1A – Quốc lộ 19.

Tháp chính Bánh Ít phía xa được nhìn từ hướng đông của tháp phụ. Cụm tháp gồm 4 tháp, tháp chính cao khoảng 20 m và 3 tháp nhỏ xung quanh. Nhìn từ xa, cụm tháp trông giống như bánh ít – một đặc sản ở Bình Định, nên người dân địa phương đặt tên tháp như vậy.

Nữ võ sinh dùng thế Kim thương trực chỉ để phản đòn tấn công Bằng phi hạ giáng của nam võ sinh tại khuôn viên cụm tháp Bánh Ít.

Võ đường Việt Anh thường chọn những tháp Chăm sừng sững và cổ kính để cho môn sinh cảm nhận được khí thế hào hùng, thiêng liêng của vùng “đất võ, trời văn” Bình Định.

Thầy trò võ đường đang phân tích thế Lão tổ dương tân của bài Thảo bộ Thiền sư tại tháp Bánh Ít.

Từ xa xưa, Bình Định đất rộng người thưa, núi rừng hiểm trở, ruộng đồng chưa được khai phá và chưa có bàn tay xây dựng của con người. Đây là địa danh đầy bí ẩn, hấp dẫn đã thu hút người dân ở mọi miền về đây lập nghiệp và tạo nên môn võ thuật cổ truyền Bình Định.

Một buổi tập luyện tại khuôn viên tháp Bánh Ít, trong đó người thầy đang dùng thế Phát vân thưởng nguyệt (vén mây ngắm trăng) để tiếp đòn Huỳnh long hạ địa (rồng vàng xuống đất) của môn sinh.

Võ cổ truyền đi vào nếp sống của người dân Bình Định, từ trẻ đến già, không phân biệt nam nữ, gắn với câu ca dao đi vào lòng người: “Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định múa roi đi quyền”.

Trong ảnh cho thấy nữ võ sinh dùng thế Tiên ông chỉ lộ của bài Phượng hoàng kiếm để tiếp đòn tấn công bằng Thiết phiến của nam võ sinh.

Hai nam môn sinh đang tập luyện bài Song đao đấu thương bên ngoài tháp Bánh Ít.

Các tỉnh duyên hải miền Trung hầu như nơi nào cũng có di tích văn hóa Chăm, trong đó văn hóa Chăm ở Bình Định – một thời vàng son rực rỡ còn hiện diện khá rõ nét, nhất là hệ thống tháp cổ với 8 cụm tháp gồm 14 ngôi tháp độc đáo và bí ẩn. Tám cụm tháp nằm ở các địa điểm khác nhau với các tên gọi như Bánh Ít, Dương Long, Tháp Đôi, Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, Bình Lâm và Hòn Chuông.

Vẻ đẹp tháp Bánh Ít dưới bầu trời sao.

Tin liên quan