Chân dung và cuộc sống của người Hà Nội qua ảnh

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Hà Nội từ bao lâu nay luôn là chủ đề của nhiều cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật của Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội. Năm nay chủ đề cuộc thi đi sâu hơn vào chuyên đề con người với nội dung : “Chân dung và cuộc sống người Hà Nội”. Đó là nội dung của cuộc thi ảnh nghệ thuật Hà Nội lần thứ 45 – năm 2015.

Ban Tổ chức đã nhận được 1.483 tác phẩm của 176 tác giả tham dự thi đến từ nhiều tỉnh, thành: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Bình, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Dương, Tây Ninh. Hội đồng Giám khảo gồm các nsna có nhiều kinh nghiệm trong chụp ảnh chân dung đã tuyển chọn được 142 ảnh treo triển lãm trong đó có 15 ảnh đoạt giải gồm 01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì, 03 Giải Ba và 10 Giải Khuyến khích.

nhiep-anh-ha-noi-anh-nghe-thuat-chan-dung-cuoc-song-nguoi-ha-noi-01

Chân dung PGS. Nhà giáo Văn Như Cương – tác giả: Bùi Văn Sơn (giải Nhất)

Đây là cuộc thi có số lượng ảnh tham gia nhiều, đồng thời lại là cuộc thi có chất lượng ảnh khá nhất từ mấy năm trở lại đây. Chính vì vậy những tác phẩm ảnh bị loại không được chọn treo là điều rất đáng tiếc, bởi các tác phẩm ấy không phải vì kém  chất lượng hay vì quá yếu về nghệ thuật so với ảnh được chọn. Mà vì số lượng chọn treo hạn chế, do phòng triển lãm không thể có khả năng treo nhiều ảnh hơn.

142 tác phẩm ảnh được chọn treo thực sự là những khoảnh khắc, dấu ấn đẹp về chân dung và cuộc sống người Hà Nội trong tiến trình hội nhập và phát triển. Các tác phẩm đã phản ánh sâu đậm, đa dạng cuộc sống con người trong mọi lĩnh vực xã hội, và khắc họa chân dung con người thuộc mọi tầng lớp xã hội khác nhau.

nhiep-anh-ha-noi-anh-nghe-thuat-chan-dung-cuoc-song-nguoi-ha-noi-02

Người thắp sáng giấc mơ – tác giả: Đào Anh Tuấn (giải Nhì)
Chân dung và cuộc sống người Hà Nội là một đề tài khó. Bởi lẽ Chân dung là một thể loại nhiếp ảnh rất khó thể hiện. Con người Hà Nội và không gian sống đã được thể hiện qua nhiều cuộc thi trước đây như “Nét đẹp văn hóa Hà Nội”, “Áo dài trong đời sống văn hóa Việt Nam”, … và ở nhiều cuộc thi khác. Nhưng chân dung người Hà Nội thì là lần đầu được đặt ra cho cuộc thi lần thứ 45 này.Để khắ họa hay đặc tả về một con người, nhà nhiếp ảnh cần phải hiểu và nắm rõ bút pháp thể hiện. Bút pháp nghệ thuật ảnh chân dung nằm ở chỗ làm sao ghi lại được khoảnh khắc, lột tả được nét tiêu biểu, mang tính khái quát của con người mình muốn đặc tả. Đòi hỏi nhà nhiếp ảnh phải có cái nhìn tinh tế, chọn thời cơ bấm máy hợp lý, góc cạnh chụp được chọn lọc gắn với nội dug về con người đó. Phải nói rằng dù khó thể hiện, nhưng các bức ảnh chân dung gửi dự thi lần này có trình độ thể hiện cao, gây ấn tượng cho BGK và người xem. Và phải khẳng định rằng ảnh chân dung dự thi lần này đã đi đúng hướng và các tác phẩm ảnh treo triển lãm và đoạt giải là một thành công lớn về mảng chân dung.

nhiep-anh-ha-noi-anh-nghe-thuat-chan-dung-cuoc-song-nguoi-ha-noi-03

Cúp xe đạp mở rộng thành phố Hà Nội lần thứ 2 tháng 8 năm 2015 – tác giả: Phạm Ánh (giải Ba)

Bức ảnh giải Nhất tác giả Bùi Sơn đã khái quát được vẻ đẹp giản dị của Giáo sư Văn Như Cương., song toát lên chất thông minh và trí tuệ bác học của con người ông.

Bức ảnh giải Ba của Hoàng Xuân Hảo đặc tả người công nhân với gương mặt lấm bụi công trường,nhưng đầy tính lạc quan, thể hiện sự yêu nghề và yêu đời. và được kết bằng một chú thích ảnh “Hạnh phúc”. Không thể nòa khác được. Đó là thành công của ảnh chân dung.

Trong triển lãm ta còn thấy nhiều bức chân dung đẹp như “E ấp “giải Khuyến khích của Tạ Quang Hậu, “Tuổi 80” của Nguyễn Khôi đoạt giải Khuyến khích cùng nhiều tác phẩm khác gây ấn tượng cho người xem.

nhiep-anh-ha-noi-anh-nghe-thuat-chan-dung-cuoc-song-nguoi-ha-noi-04

Một thoáng chợ quê – tác giả: Nguyễn Xuân Chính (giải Ba)

Điều đặc biệt trong cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật lần thứ 45 này là sự vươn lên của các nhà nhiếp ảnh trẻ ở Thủ đô. Có nhiều tác giải trẻ lần đầu tiên tham gia nhưng đã thành công khi có tác phẩm ảnh đoạt giải hay được treo triển lãm như Đỗ Anh Tuấn với tác phẩm “Thắp sáng giấc mơ” đoạt giải Nhì. Nguyễn Quang Huy với “NS Trần Mạnh Tuấn” đoạt giải Khuyến khích cùng nhiều tác phẩm treo triển lãm. Hay Hoàng Xuân Hảo đoạt giải Ba với “Hạnh phúc” vừa nêu ở trên. Anh cũng có tới 3 tác phẩm treo triển lãm. Lê Khiếu Minh, một họa sĩ của báo Nhân Dân nhưng lại có duyên với nhiếp ảnh. Tác phẩm “Bình minh phố cổ” của anh khắc họa được đời sống thường ngày của người dân phố cổ. Tuy tham gia lần đầu nhưng ảnh của Lê Khiếu Minh đã được dùng làm trang bìa cuốn sách” Chân dung và cuộc sống người Hà Nội”.

Có thể nói sự tham gia của đội ngũ các nhà nhiếp ảnh trẻ Hà Nội là sự khởi sắc cho phong trào nhiếp ảnh Thủ đô. Họ đang góp phần cho nền nhiếp ảnh những sắc thái mới, nối tiếp một cách đầy tự tin các bậc đàn anh và các bậc tiền bối nhiếp ảnh ở Hà Nội.

nhiep-anh-ha-noi-anh-nghe-thuat-chan-dung-cuoc-song-nguoi-ha-noi-05

Hạnh phúc người thợ – tác giả: Hoàng Xuân Hảo (giải Ba)

Người Hà Nội trong “lắng hồn núi sông ngàn năm” cùng với Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây, cùng với phố phường lung linh, hào hoa, trở nên duyên dáng, thanh lịch hơn bao giờ hết trong mỗi tác phẩm. Phải nói rằng, chính Ánh hào quang của Nghìn năm Thăng Long trở thành ánh sáng soi rọi cho các nghệ sĩ và các nhiếp ảnh gia bốn phương làm nên các tác phẩm nhiếp ảnh kỳ diệu.

Xin cám ơn các nghệ sĩ, các nhà nhiếp ảnh. Nhờ sự sáng tạo của các bác, các anh chị em nhiếp ảnh mà chúng ta có được phòng triển lãm ảnh tuyệt đẹp/ Nó như một bản giao hưởng hào hùng đầy mầu sắc và sức sống chào mừng 61 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2015).

ĐẶNG ĐÌNH AN
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁ KHẢO
Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật HN
Tin liên quan