Đám cưới người Dao Lù Gang

Nghi lễ đám cưới của người dân tộc vùng cao Bắc Sơn mang nhiều sắc màu và nét văn hóa truyền thống.

Người Dao Lù Gang di cư từ xã Công Sơn, Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc đến xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn từ những năm 50 của thế kỷ trước. Đến thăm nơi đây, du khách có dịp tham dự những đám cưới nhiều sắc mầu.

Theo phong tục, cô dâu Dao Lù Gang về nhà chồng vào lúc sáng sớm. Ngoài của hồi môn, cô dâu chuẩn bị hai bộ trang phục, một bộ lúc rời nhà bố mẹ đẻ và một bộ thay trước khi bước vào nhà trai.Trong ảnh là mế (mẹ) đoàn nhà gái chỉnh sửa trang phục cưới cho cô dâu Triệu Thị Tiên khi cách nhà chú rể Hoàng Hữu Thanh khoảng 100 m.

Trang phục cô dâu gồm khăn che mặt, áo nhiều lớp và bốn thắt lưng thêu hoa. Ngoài ra, cô dâu còn đội mũ, đeo vòng cổ, vòng tay và các đồ trang sức bằng bạc. Mỗi bộ trang phục của cô dâu Dao Lù Gang trung bình có từ ba đến mười lớp. Những gia đình có điều kiện thì trang phục cô dâu có nhiều lớp hơn.

Đúng giờ tốt, đoàn nhà gái bắt đầu đến nhà trai. Đi cùng cô dâu có một phù dâu nhà gái và một phù dâu nhà trai. Trong ảnh là mế đang chỉnh chiếc mũ cho cô dâu do người nhà trai đem đến.

Đoàn nhà gái đang tiến về đoàn nhà trai. Cô dâu đi giữa được hai phù dâu che ô. Phù dâu cũng mặc áo chồng nhiều lớp nhưng không dày bằng của cô dâu.

Theo tục lệ tổ tiên, chú rể Dao Lù Gang không đi đón dâu mà ở nhà chuẩn bị các nghi thức cúng.

Thầy cúng đang làm lễ ngoài trời chuẩn bị đón đoàn nhà gái. Ngoài mâm cỗ cúng, còn có bộ quần áo hình nhân nam nữ.

Đoàn nhà gái đi ngang mâm cỗ cúng và chuẩn bị bước vào nhà trai, xung quanh triền đồi là bà con, họ hàng chào đón cô dâu.

Trước khi cô dâu bước vào nhà, thầy cúng đặt con dao trên một bát nước quay mũi hướng ra ngoài rồi đọc bài khấn để xua đuổi tà ma đi theo cô dâu trên đường và xin với tổ tiên cho cô chính thức làm dâu trong gia đình.

Sau bài khấn của thầy cúng, cô dâu phải bước qua bát nước. Bát nước sẽ được đổ đi, con dao sẽ được gắn lên cửa nhà với ngụ ý, mọi điều tốt lành sẽ đến với cô dâu.

Theo tục lệ thì cô dâu không được bước vào nhà bằng cửa chính, mà đi vào cửa phụ và bố mẹ chồng tránh mặt. Họ hàng nhà trai đại diện đứng hai bên, đón đoàn nhà gái cùng với giai điệu rộn rã của tiếng kèn Pí Lè.

Sau đó, thầy cúng làm lễ tơ hồng, đọc bài cúng nhận dâu, để công nhận cô dâu chính thức trở thành con cháu trong nhà. Nghi lễ đọc bài cúng nhận dâu xong thì chú rể trong trang phục cưới, che mặt được dẫn ra.

Phía sau cô dâu là thầy mối (ảnh). Người được chọn làm thầy mối phải có gia đình hạnh phúc, đầy đủ con trai con gái và có uy tín với người dân trong làng.

Chú rể, cô dâu bước vào trong chiếu hoa thực hiện nghi lễ vái trước Bàn vương, gồm vái gia tiên, vái thầy cúng, vái bố mẹ, anh em họ hàng nhà trai và đoàn đưa dâu họ nhà gái.

Trước đây, theo phong tục, chú rể phải vái 360 lần nhưng nay việc vái lạy đơn giản hơn với 12 lần vái.

Trên bàn cúng lúc này bố trí 12 chiếc chén, 12 đôi đũa của thầy cúng và gia tiên, đặt bên trên miệng chén là miếng gan lợn nướng. Sau đó, cô dâu, chú rể rót rượu, gan lợn mời họ hàng hai bên.

Kết thúc nghi lễ tơ hồng, gia đình chú rể dọn cỗ cưới mời khách, gan lợn được chia cho mọi người cùng thưởng thức. Thầy kèn tiếp tục thổi lên khúc nhạc mừng cho đến hết đám cưới. Còn chiếc chiếu hoa này được đem trải giường chuẩn bị cho đêm tân hôn.

Trên ảnh là cháu của chú rể được mế bồng trong ngày vui đám cưới. Sau lễ cưới, đôi trai gái chính thức thành vợ chồng, được họ hàng và làng xóm chúc phúc trăm năm.

Bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng, sống và làm việc tại TP Lạng Sơn. Anh thường được bạn bè gọi là Tùng “Dao”, với những tác phẩm, câu chuyện ảnh ghi lại vẻ đẹp người dân tộc vùng cao.

Tin liên quan