Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Cách đây tròn 65 năm, ngày 15/3/1953, tại Khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”, đặt nền móng cho sự phát triển của hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh VN. Ngày 16/12/2002, Bộ Nội vụ đã ra Thông báo số 1021/BNV-TCPCP đồng ý lấy ngày 15/3 hàng năm là ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam.

Kể từ ngày ấy đến hôm nay, Nhiếp ảnh VN đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã hòa cùng với cả nước tham gia vào các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước. Những bức ảnh không chỉ trở thành những thông tin sống động mà còn là những nhân chứng lịch sử, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc.

Hàng nghìn nghệ sĩ và các nhà hoạt động nhiếp ảnh VN trên khắp mọi miền đất nước, từ thế hệ các nhà nhiếp ảnh lão thành, các nghệ sĩ – phóng viên chiến trường và thế hệ các nhà nhiếp ảnh trong thời kỳ đổi mới đã dành trọn tâm huyết, tài năng, trí tuệ xây dựng nền Nhiếp ảnh VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hàng nghìn tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc đã được trao giải thưởng cao quý tại các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế, khẳng định vai trò của Nhiếp ảnh trong đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời các lập vị trí của Nhiếp ảnh VN trong khu vực và trên thế giới.

Trong các bộ môn văn học – nghệ thuật, nhiếp ảnh cũng là trong những ngành hội nhập nhanh nhất và hiệu quả với bạn bè thế giới. Mỗi năm, các nghệ sĩ nhiếp ảnh VN dành hàng trăm giải thưởng quốc tế. Một trong những con người đó là NSNA Nguyễn Văn Toản, mà hôm nay chúng ta trao tặng anh Bằng khen của Bộ VHTTDL.

Hòa chung với cả nước Nhiếp ảnh Thủ đô cũng xứng đáng vinh danh với truyền thống của mình. Trải qua 65 năm, Nhiếp ảnh Thủ đô trở thành nơi hội tụ và là cái nôi của nhiếp ảnh cả nước. Chúng ta tự hào về thế hệ lớp người đi trước của phong trào nhiếp ảnh Hà Nội, từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi với chiến thắng Điện Biên Phủ và Bộ đội ta về Giải phóng Thủ đô tháng 10/1954. Đó là NSNA Nguyễn Bá Khoản, Nguyễn Duy Kiên, Nguyễn Tiến Lợi, Võ An Ninh, Đinh Đăng Định, Triệu Đại, Nguyễn Đình Ưu,.v.v.

Tiếp theo là chặng đường 21 năm các nhà nhiếp ảnh Thủ đô tham gia vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong cuộc trường chinh ấy họ là chiến sĩ nhiếp ảnh, là phóng viên báo chí. Các nhà nhiếp ảnh Thủ đô trở thành những nhân chúng lịch sử, trở thành những nhà nhiếp ảnh ghi lại những dấu ấn trên chặng đường họ đi qua, mà lịch sử không thể quên. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống vì những tác phẩm nhiếp ảnh sống mãi với thời gian trên chặng đường công tác của mình. Để ghi nhận những thành tích mà nhiếp ảnh Việt Nam đã đóng góp Nhà nước đã tặng thưởng cho 6 nghệ sĩ Giải thưởng Hồ Chí Minh và 24 nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Nhà nước.

Trong công cuộc xây dựng Đất nước và Thủ đô ngày nay Nhiếp ảnh Hà Nội lại tiếp tục với hành trang của mình đi vào cuộc sống, phản ảnh những khoảnh khắc của đất nước và con người Hà Nội, mang đậm nét văn minh thanh lịch, nhưng đầy hào hùng trong công cuộc xây dựng Thủ đô giầu đẹp, văn minh, lịch sự.

Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội là một trong những đại diện lớn nhất của phong trào nhiếp ảnh Thủ đô, đã và đang phát huy truyền thống 65 năm nhiếp ảnh để xây dựng đội ngũ nhiếp ảnh xúng tầm thời đại.

Kể từ năm 2010 đến nay Hội NANT Hà Nội đã tổ chức hơn 28 cuộc triển lãm ảnh qui mô lớn và các cuộc triển lãm phối thuộc với các ban ngành đoàn thể ở trung ương và Hà nội. Điều đó nói lớn sự lớn mạnh của phong trào nhiếp ảnh Thủ đô trong những năm qua. Hiện nay Hội có 390 hội viên sinh hoạt trong 14 câu lạc bộ. 20 clb nhiếp ảnh Thủ đô được Hội bảo trợ. Năm 2017 Hội đã kết nạp 41 hội viên mới đây cũng là con số kỷ lục trong những năm qua.

Nhiếp ảnh Hà Nội gắn liền với ông tổ của nghề là cụ Đặng Huy Trứ(1825-1874) người mở hiệu ảnh đầu tiên ở hà Nội với tên gọi Cảm Hiếu Đường và cụ Nguyễn Đình Khánh(1874-1946) với làng nghệ nhiếp ảnh truyền thống ở Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội.

Ngày nay Làng nghề Lai xá đang xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh trong đó có sự tham gia của người con quê hương Lai Xá, NSNA Nguyễn Văn Thắng. Ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh, là Chi Hội trưởng Chi hội NA Hà Tây. Với tấm lòng yêu quê hương, yêu nghệ truyền thống nhiếp ảnh và trách nhiệm với cụ tổ của nghệ ông đã xây dựng nên Bào tàng Nhiếp ảnh ngày hôm nay.

Hôm nay kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thông nhiếp ảnh chúng hãy cùng nhau tưởng nhớ tới những con người đã gây dựng nên nền nhiếp ảnh Việt Nam và Thủ đô ngày nay. Xin một lời kính cẩn tới hương hồn các cụ.

Hà Nội ngày 14/3/2018

Đặng Đình An

Chủ tịch Hội NANT Hà Nội

Tin liên quan