Người giữ hồn chiêng cổ

(Khám phá) Những ngày cuối tháng 12 dương lịch, già làng Kôn Pruôi mang giàn cồng chiêng cổ ra lau sạch để chuẩn bị làm lễ mừng lúa mới.

Già Kôn Pruôi giới thiệu chiêng cổ với một thanh niên ở trong xã. Ảnh: Hoàng Táo

Già Kôn Pruôi giới thiệu chiêng cổ với một thanh niên ở trong xã. Ảnh: Hoàng Táo

Già làng Kôn Pruôi nay đã 82 tuổi, nhà ở lưng chừng ngọn đồi cạnh đường Hồ Chí Minh qua thôn Cu Tài 1, xã A Bung, huyện Đăkrông. Trong căn nhà thưng gỗ, nền trệt theo kiểu nhà của người dưới xuôi, già Kôn Pruôi lần lượt mang từng chiếc cồng, chiêng, nồi đồng ra lau bụi, quét dọn để chuẩn bị cho tết cơm mới của người Pa Kô. Già Kôn Pruôi không nhớ chính xác đã bao nhiêu lần làm việc này, chỉ biết tuổi của những nhạc cụ dân tộc này lớn gấp nhiều lần tuổi mình.

Một mùa lúa rẫy nữa đã xong xuôi, lúa thu hoạch đưa hết về nhà. Già làng Kôn Pruôi nói: “Người Pa Kô phải làm lễ cảm tạ trời đất đã cho một mùa bội thu. Trong cái lễ nghiêm trang đó, không thể thiếu tiếng cồng chiêng”.

Cả một đời gìn giữ, nay ông mới có một “gia tài” là 7 cái cồng, 5 cái chiêng, 5 cái nồi đồng lớn nhỏ để truyền lại cho con cháu. Ông kể ngày trước, dòng họ nhà ông khá giả trong vùng, sở hữu nhiều cồng chiêng, nồi đồng, nồi bung. Thế hệ này qua thế hệ khác, những nhạc cụ này được truyền lại cho con cháu. Qua nhiều đời, những nhạc cụ thông thường trở thành những báu vật của dòng họ.

Những năm chiến tranh, người người phải đi sơ tán, Kôn Pruôi và gia đình không thể mang cồng chiêng theo được nên đã chôn xuống đất cất giữ. “Ngày hoà bình lập lại, tôi về bản cũ, lần theo các dấu mốc để đào lên nhưng nhiều cái đã mất, hoặc không còn dấu vết”, ông Kôn Pruôi kể trong tiếc nuối.

Cồng chiêng của già Kôn Pruôi trong lễ cơm mới của người Pa Kô. Ảnh: Hoàng Táo

Cồng chiêng của già Kôn Pruôi trong lễ cơm mới của người Pa Kô. Ảnh: Hoàng Táo

Qua được hoạ chiến tranh, đến những năm 2000, người dưới xuôi nở rộ phong trào chơi đồ cổ. Nhiều thương nhân đi xe máy khắp các bản làng gạ mua cồng chiêng cổ. Ban đầu họ mua theo kg với giá rẻ, rồi dần chuyển sang mua theo sản phẩm. Bấy giờ, có người trả những cái cồng chiêng giá từ 4 đến 20 triệu đồng, tuỳ kích cỡ. Cá biệt, có một cái chiêng có một phần đồng đen của ông Kôn Pruôi được thương nhân trả 200 triệu đồng nhưng ông nhất mực từ chối.

Cơn lốc thị trường biến vật phẩm tinh thần thành hàng hoá, khiến nhiều dòng họ Pa Kô mất dần gốc rễ. Ngày nay, chỉ còn hai dòng họ ở miền tây Đăkrông giữ được cồng chiêng của cha ông, nhiều dòng họ đã lỡ bán mất cồng chiêng cổ phải tìm mua lại ở các làng đúc đồng TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) hoặc tỉnh Quảng Nam.

Già Kôn Pruôi giải thích: “Chiêng này cha ông để lại, là vật thiêng không thể bán. Bán đi, cái hồn người Pa Kô sẽ không còn, sẽ không thể gọi thần lúa về dự mỗi mùa lúa mới”.

Trước đây, cồng chiêng được xem là của hồi môn nhà trai dành tặng nhà gái trong các đám cưới. Chỉ những gia đình khá giả, danh giá mới có được những món quà này. Ngoài ra, cồng chiêng được sử dụng phổ biến trong các nghi lễ dân gian của người Pa Kô như lễ A Riêu Ping (lễ cải hoán mồ mả tổ chức 10 năm một lần), cưới hỏi, cơm mới, cúng thần rừng đầu năm, ma chay…

Từ nhiều đời qua, âm thanh cồng chiêng đã ngấm vào máu thịt bao thế hệ người Pa Kô. Mọi sinh hoạt từ lúc lọt lòng đến khi dựng vợ gả chồng, rồi rời xa bản làng về với tổ tiên, lập bản dựng nhà đều gắn với tiếng cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng trở thành cầu nối giữa người Pa Kô với tổ tiên.

Già Kôn Pruôi bên báu vật cồng chiêng cổ do tổ tiên để lại. Ảnh: Hoàng Táo

Già Kôn Pruôi bên “báu vật” cồng chiêng cổ do tổ tiên để lại. Ảnh: Hoàng Táo

Trước khi vào lễ, gia đình phải làm lễ cúng một con gà trống mới được đưa cồng chiêng ra khỏi nhà, tham gia lễ hội. Trong những nhạc cụ này, có loại dùng đánh khi làm lễ, có loại khi vào hội ăn uống, có người ca hát dân ca, cũng có loại dùng trong đám ma. Vào những ngày đẹp trời, ở khu vực trống trải, tiếng cồng chiêng vang xa có thể đến cả km, người đứng ở đầu bản cuối bản đều có thể nghe thấy thanh âm trong trẻo này. Già làng Kôn Pruôi nói: “Tiếng cồng chiêng đã tạo nên bản sắc văn hoá đặc trưng của người Pa Kô”.

Để giữ gìn bản sắc, từ 5 năm qua, xã A Bung thành lập đội nghệ nhân cồng chiêng gồm hơn 10 người lớn tuổi. Đội nghệ nhân thường xuyên tập luyện, và biểu diễn ở các lễ hội của xã cũng như các dòng họ để lan toả tình yêu cồng chiêng. Ông Hồ Văn Hiền, Phó chủ tịch UBND xã A Bung cho hay người dân trong xã rất trân trọng nỗ lực của già làng Kôn Pruôi trong việc bảo tồn cồng chiêng dân tộc. “Chúng tôi đang lên kế hoạch để lập đội cồng chiêng trẻ, nhằm truyền lại cho các thế hệ sau vì những nghệ nhân nay đều đã lớn tuổi”, ông Hiền nói.

Tin liên quan