Phát hiện hai cổng thành ở cố đô Huế

(Tin hot) Hai cổng thành bằng gạch vồ nằm hai bên đông thành Thủy Quan, lối vào sông Ngự Hà, được phát hiện khi giải tỏa dân khỏi Thượng Thành.

Cổng thứ nhất nằm bên phải cầu Lương Y, được xây theo hình thức cổng vòm xuyên thành dày khoảng 60 cm, rộng 80 cm, cao 100 cm, phía dưới là những tảng đá xanh còn nguyên vẹn. Cổng được phát hiện sau khi nhiều nhà dân sống trên di tích Thượng Thành, phường Thuận Lộc phá dỡ di dời đến nơi ở mới vào tháng 6.

Cổng thứ hai nằm bên trái cầu Lương Y, phía sau nhà một hộ dân chưa được giải tỏa. Hiện cổng thành bị bịt kín bởi lớp bờ lô do người dân xây dựng hàng chục năm trước.

Cổng thành cao khoảng 1m vừa được phát hiện sau khi nhà một hộ dân giải tỏa. Ảnh: Võ Thạnh

Cổng thành cao khoảng 100 cm vừa được phát hiện sau khi nhà một hộ dân giải tỏa. Ảnh: Võ Thạnh

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cho hay sử sách triều Nguyễn không ghi chép gì đến hai cổng thành mới phát hiện. Hai văn bia đặt ở cầu Khánh Ninh và cầu Kho nói về việc đào sông Ngự Hà, hệ thống phòng thủ Đông thành Thủy Quan khá chi tiết, song cũng không nhắc đến hai cổng dạng vòm đủ một người ra vào ở đây.

Theo ông Hoa, ngày xưa Đông thành Thủy Quan là vị trí phòng thủ quan trọng của triều đình Nguyễn, các tàu thuyền muốn vào bên trong Kinh thành Huế theo sông Ngự Hà phải đi qua nơi này. Khu vực hai bên Đông thành Thủy Quan có 13 lỗ châu mai, nơi triều đình Nguyễn bố trí súng thần công phòng thủ.

“Có thể, hai cổng thành nhỏ này là lối ra vào của vệ binh triều Nguyễn giữ Đông thành Thủy Quan để kiểm tra các tàu thuyền từ sông Đông Ba vào sông Ngự Hà. Một giả thiết khác, đây có thể là lối thoát hiểm của triều đình Nguyễn khi có biến cố lớn xảy ra”, ông Hoa nhận định.

Cổng thành chỉ rộng khoảng 80cm. Ảnh: Võ Thạnh

Cổng thành chỉ rộng khoảng 80 cm. Ảnh: Võ Thạnh.

Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam ở Huế, cũng cho rằng hai cổng thành vừa phát hiện sẽ giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn khác về kiến trúc Kinh thành Huế. Hai cổng nằm ở vị trí rất quan trọng trong hệ thống phòng thủ của triều Nguyễn, do gần với Trấn Bình Đài (đồn Mang Cá), nơi đặt các pháo đài bảo vệ Kinh thành Huế xưa.

“Hai cổng thành vừa phát hiện rất bí mật vì trong sử sách triều Nguyễn không nhắc đến. Rất có thể đó là lối thoát ra khỏi Kinh thành Huế khi có biến cố lớn xảy ra”, tiến sĩ Hằng nhận định.

Một cổng thành có kiến trúc tương tự bị bịt kín. Ảnh: Võ Thạnh

Một cổng thành có kiến trúc tương tự bị bịt kín. Ảnh: Võ Thạnh

Kinh Thành Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long và dần hoàn thiện kiến trúc như hiện nay dưới thời vua Minh Mạng. Toàn bộ diện tích kinh thành Huế là 520 ha, chu vi vòng thành gần 10 km, cao 6,6 m, dày 21 m, được xây khúc khuỷu với những pháo đài bố trí cách đều nhau, kèm theo pháo nhãn, đại bác, kho đạn.

Thành có 10 cửa chính gồm: Chính Bắc (còn gọi cửa Hậu, nằm ở mặt sau Kinh Thành); Tây Bắc (còn gọi cửa An Hòa); Chính Tây; Tây – Nam (còn gọi cửa Hữu); Chính Nam (còn gọi cửa Nhà Đồ); Quảng Đức; Thể Nhơn (tức cửa Ngăn); Đông – Nam (còn gọi cửa Thượng Tứ); Chính Đông (tức cửa Đông Ba); Đông – Bắc (còn có tên cửa Kẻ Trài).

Trước và sau năm 1975, hàng nghìn hộ dân đã lên khu vực Thượng Thành, Eo Bầu và các khu di tích nằm trong Kinh thành Huế sinh sống, xây dựng nhà cửa kiên cố. Chính quyền Thừa Thiên Huế đã có kế hoạch giải tỏa. Tháng 3, 523 hộ dân ở di tích Thượng Thành đã tự tháo dỡ nhà cửa, hoàn trả mặt bằng để di dời ra khu tái định cư Hương Sơ. Theo kế hoạch, năm 2020 chính quyền giải tỏa khu vực Eo Bầu; năm 2021 di dời dân ở Hộ Thành Hào và tuyến phòng hộ.

Tin liên quan