CÒI TÀU TRONG ĐÊM – MỘT THỜI ĐỂ YÊU VÀ SỐNG

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Nguyễn Duy Ngọc thường khiêm tốn tự nhân, ông là nhà văn không chuyên nghiệp, tôi e là chưa trúng. Ông Nguyễn Duy Ngọc từ lâu rồi vốn là con người nghệ thuật, là nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, làm báo. Với việc văn ông nhiều năm nay từng cậm cụi viết, đã cho ra đời nhiều đầu sách. Sách đủ thể loại văn xuôi :truyện ngắn, ký và kí sự, tiểu thuyết. Từng ấy, sao lại gọi là chưa chuyên nghiệp, khi hầu như bao nhiêu năm cho cái tình yêu người cầm bút với văn chương để viết chất lượng?

Hai bố con NSNA Nguyễn Duy Ngọc

Tiểu thuyết CÒI TÀU TRONG ĐÊM lần này ra mắt bạn đọc dày ba trăm trang, định dạng tiểu thuyết chủ đề ái tình. Cuốn tiểu thuyết viết về mối tình của chàng nhạc công, trong một đoàn văn công có tên là Lê Duy với cô giáo trường làng tên Hoàng Lan. Một mối tình của đôi trai tài gái sắc, lại có điểm suất phát từ ân tình nảy sinh giữa đời sống chiến tranh- Duy đã cứu cô giáo trong một lần bom Mỹ đánh phá vào trường khi cô giáo bị thương- Tức là một mối tình đẹp, có căn đế của tình yêu, tình người, anh hùng cứu mĩ nhân, thật lãng mạng.

Bìa sáchTiểu thuyết Còi tầu trong đêm của NSNA Nguyễn Duy Ngọc

Toàn cảnh buổi ra mắt Cuốn tiểu thuyết Còi tầu trong đêm

Nhưng tình yêu đẹp như thế vốn dĩ không giản đơn, khi nó bị thử thách không chỉ bởi thời cuộc, trong hoàn cảnh chiến tranh đang diễn ra ác liệt vào thời điểm không quân Mỹ đánh phá miền Bắc; lại trong những quan hệ mà tình yêu vẫn bị chi phối bởi lệ tục văn hóa xã hội; và,đặc biệt hơn nữa còn bị thử thách quyết liệt giữa cái ác, trong sự xấu xa thuộc bản năng của con người. Mối tình lãng mạng của đôi lứa Duy và Lan khi đang hứa hẹn bao điều tốt đẹp đã tan vỡ, khi bị sự cố mà dẫn đến bi kịch bất ngờ. Để bảo vệ Lan, chàng nhạc công yếu ớt tên Duy đã rơi vào hoàn cảnh bất khả kháng, gây nên tình trạng ngộ sát, dẫn đến cái chết của Trần Quyền, một cán bộ ích kỉ, lắm mưu mẹo, thủ đoạn vặt của đoàn văn công định hãm hiếp Lan.

CÒI TÀU TRONG ĐÊM viết giản dị, ngôn ngữ giàu văn hóa đời thường, chân thành, nên không thi vị hóa tình yêu mà vẫn tạo nên vẻ đẹp của tình yêu một thời. Nó tạo dựng được nhiều tình tiết làm cuốn sách hấp dẫn bàn về không chỉ câu chuyện tình yêu nam nữ của một thời loạn lạc, khó khăn, mà thông qua nhiều đường dẫn cảnh huống và cảnh tình chuyện tình, tác giả tái hiện ít nhiều hoàn cảnh xã hội, giai đoạn lịch sử đặc biệt khi xảy ra câu chuyện . Đó là một thời khắc không bình thường: chiến tranh loạn lạc. Chính do vậy truyện không chỉ dừng lại một thiên tình sử mà nó còn là một văn bản chứa đựng nhiều điều thuộc về quá khứ bi hùng của dân tộc, để cho người ta thêm hiểu về một thời chưa xa quá, cái lớp lứa từng làm nên cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc đã sống và yêu nhau ra sao. Có lẽ đây là điều đóng góp tầng thứ hai của cuốn tiểu thuyết. Rất nhiều cảnh tình và cảnh huống mà tác giả Nguyễn Duy Ngọc thông qua, dẫn dắt chuyện tình, đã dựng lại tâm lí nam nữ thời chiến, biểu hiện trong tình yêu, những sinh hoạt phục vụ cuộc sống trong chiến tranh của cả giới văn công và sư phạm. Cái thời đấy, người ta tỏ tình thế nào, tặng quà và nhận quà thế nào, thậm chí làm tình ra sao, khi mà ngày nay con gái chủ động và bạo dạn, còn cô gái xinh đẹp tên Lan, dù yêu Duy say đắm, cuồng nhiệt cả khi trao thân cho nhau, với cô gái cũng vẫn chỉ là ” sự dám cho nụ hôn trên môi”.

Tiểu thuyết ở những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, vô hình chung khái quát được một bộ phận con người thời đại, tâm hồn con người một thời đại. Những trạng thái tâm lí, sự ứng xử trong quan hệ gia đình, đồng nghiệp được diễn dựng hấp dẫn, kể cả cái ngưỡng của đời sống xã hội ở cái thời mà văn hóa thế giới chưa hội nhập như hôm nay, xã hội còn mang năng sắc thái bản sắc tập tục Việt tính. Hệ thống nhân vật ở đây xoay quanh Duy và Lan, đa phần đều đẹp và trong sáng như thế, trừ nhân vật Trần Quyền, nhân vật phản diện đại diện cho cái tôi ích kỉ và bản năng trong câu chuyện tình này. Có thể nói nó ít nhiều mang tâm thế kể về một lớp lứa mang ý nghĩa MỘT THỜI ĐỂ YÊU VÀ SỐNG. 

Tôi thường quan niệm rằng, con người ta đã sinh ra trong cõi trầm luân này, ít nhiều ai cũng nhiều vui buồn, ái ố hỉ nộ, nên triết lí nhà Phật bảo: ĐỜI LÀ BỂ KHỔ. Tất cả những éo le của đời sống ấy, dù có phức tạp bao nhiêu, đem viết ra cũng không thể gọi là văn học, gọi là tiểu thuyết, khi không được ngọn bút của nhà văn, ngọn đèn soi sáng của nhà văn, ngõ hầu mang theo những điều dựng ra ấy có một ý nghĩa nào cho đời sống cần tới.

CÒI TÀU TRONG ĐÊM đã được gọi là tiểu thuyết, một cuốn sách mang tính văn học, khi tái dựng lại hiện thực đời sống, nhưng không hẳn chỉ chụp ảnh lại hiện thực – có thể là câu chuyện gần như thực của tác giả – nó mang một thông điệp rất rõ ràng rằng, tình yêu đích thực của mọi người không chỉ là yêu đắm say mà còn có sự hy sinh cao cả đến quên mình cho mối tình. Nó cũng chứa đựng một thông điệp đã tạo ra một dị bản của hiện thực!Tác giả dựng cho một cái kết cũng là sự hi sinh cuối cùng khi Duy đến thăm Lan mà chỉ để lại tấm khăn quàng kỉ niệm. Cũng là một kiểu kết, một cách kết để người đọc suy ngẫm. Nó giống như đời thường mà mà vẫn có tính cá biệt, sắc thái riêng của tác giả.

Giới trẻ hôm nay khi văn hóa châu Âu du nhập, văn hóa hiện sinh @, hay lối sống thử với trăm ngàn diện mạo của văn hóa ngoại lai ít nhiều xa lạ không chỉ với quan niệm tình yêu của người Việt cũ mà thực chất nó cũng làm cho vẻ đẹp đích thực của tình yêu thiếu đi điều cao quý khi trong quan niệm tình yêu đều đòi hỏi một sự hy sinh quên mình nào đó.

CÒI TÀU TRONG ĐÊM tựa như tiếng vọng của một con tàu đã rời ga, kể về một mối tình xa xăm mà hồi nhớ được bản chất cốt lõi nhất về tình yêu, nó đâu chỉ của riêng người Việt, có lẽ vấn đề CÒI TÀU TRONG ĐÊM đã đưa ra vấn đề thuộc về bản chất của con người. Tình yêu luôn đẹp và bất tử và, để như thế nó cần một sự hy sinh có thể quên cả bản thân mình.
Bài: Nhà văn Nguyễn Văn Thọ
Tin liên quan