Vào rừng học trực tuyến

NGHỆ ANXồng A Dần và Xồng A Thành, học sinh lớp 6A1 trường Dân tộc nội trú THCS Quế Phong, hàng ngày được chở tới nơi có sóng để học trực tuyến.

Dần và Thành là hai anh em họ, người dân tộc Mông, trú bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Bản Mường Lống nằm cách trung tâm xã hơn 20 km, chưa có điện lưới, sóng điện thoại cũng chập chờn.

Một tuần trước, anh Xồng Bá Tủa (bố của Thành) mang theo bạt, cọc tre, ván gỗ tìm tới ngọn núi cao gần 100 m ở bản, dựng lán làm chỗ cho con trai và cháu học trực tuyến. Do không thạo công nghệ, anh Tủa phải nhờ người cài giúp phần mềm vào chiếc điện thoại cá nhân.

Từ nhà tới lán chỉ hơn 2 km, song đường rừng gồ ghề, đi xe máy mất nửa giờ, trời mưa thì đi bộ hơn 2 giờ. Hàng ngày, anh tranh thủ chở con và cháu tới lán trước giờ cô giáo bắt đầu giảng bài.

Xồng A Dần (bên phải) và Xồng A Thành tại lán cách nhà hơn 2 km. Ảnh: CTV
Xồng A Dần (bên phải) và Xồng A Thành tại lán cách nhà hơn 2 km. Ảnh: CTV

Anh Tủa là công an viên của bản, trong lúc chờ con học, anh đi kiểm tra, nhắc nhở bà con phòng chống Covid-19 do xã đang giãn cách theo Chỉ thị 16. “Tôi đi khảo sát nhiều khu vực trong bản, chỗ dựng lán có sóng 4G ổn nhất. Biết đi học gian nan, song không thể để con cháu chậm kiến thức so với bạn bè”, anh nói.

Cô Lữ Thị Thanh Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A1, cho biết việc học trực tuyến bắt đầu sau lễ khai giảng. Cả lớp chỉ thiếu Xồng A Dần và Xồng A Thành, song do khu vực này sóng điện thoại kém nên không thể liên lạc được với phụ huynh. 5 ngày sau, UBND huyện cho học sinh nghỉ do dịch tại xã Tri Lễ phức tạp.

Đến ngày 16/9, việc học trực tuyến tại huyện Quế Phong được tổ chức trở lại. Cô Hải kể, hôm đó cũng là lần đầu nhận được điện thoại từ phụ huynh Xồng Bá Tủa thông báo đã sẵn sàng cho con và cháu tham gia. Mặc dù được giải thích nếu gặp khó khăn quá thì cô giáo sẽ gửi học liệu cho, phụ huynh nói sẽ cố gắng bằng mọi cách để con học được.

“Hai em hơi trầm tính song kiến thức khá vững, mỗi lúc cô giảng bài đều chăm chỉ lắng nghe và ghi chép rất đầy đủ. Tôi bất ngờ bởi không nghĩ phụ huynh và các em lại quyết tâm như vậy. Cảnh học trò ngồi ở lán trong rừng khiến tôi và đồng nghiệp xúc động”, cô Hải nói.

Do gia đình Dần và Thành đều thuộc hộ nghèo nên hai ngày trước trường Dân tộc nội trú THCS Quế Phong đã hỗ trợ mỗi em một chiếc điện thoại để học trực tuyến. Sắp tới khi dịch được kiểm soát, trường tổ chức dạy học trực tiếp thì Dần và Thành sẽ ở nội trú.

Dần và Thành nhận quà từ trường Dân tộc nội trú THCS Quế Phong. Ảnh: CTV
Dần và Thành nhận quà từ trường Dân tộc nội trú THCS Quế Phong. Ảnh: CTV

Ông Vi Văn Cường, Chủ tịch xã Tri Lễ, cho biết tình trạng sóng điện thoại tại các bản làng không có hoặc kém khá phổ biến, gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân, đặc biệt là nhu cầu học trực tuyến. Nhiều học sinh phải lên núi hoặc xin ở nhà người thân tại các khu vực có sóng để học nhờ.

Tin liên quan