Ấn tượng chuyến đi

(Nhiếp ảnh Hà Nội) Bắc Ninh – Bắc xưa là vùng đất phía Bắc của kinh thành Thăng Long – Đông Đô và Hà Nội ngày nay. Bắc Ninh không chỉ là nơi giao hội của giao thông thuỷ, bộ mà còn là trung tâm Phật giáo khiến Kinh Bắc sớm trở thành trung tâm kinh tế – văn hoá, có một vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc và văn hóa Việt Nam. Từ mấy nghìn năm trước người Việt đã biết lập làng mạc và sinh sống ở ven sông Cầu, sông Đuống hiền hòa, thơ mộng v.v… Nhân dân quanh vùng này sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp và làm nghề thủ công. Đó chính là lý do để Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Nghệ thuật Tràng An (TRAFIAP) tổ chức khoảng 20 người đi sáng tác 01 ngày ở Bắc Ninh do NSNA Bùi Đăng Thanh – Chủ nhiệm CLB TRAFIAP làm trưởng đoàn.

15

Toàn cảnh Chùa Bút Tháp – ảnh: Tuyết Minh

Đoàn CLB TRAFIAP khởi hành lúc 5h45 sáng 15/7/2017 cho kịp chụp bình minh. Dọc đường đoàn dừng chân để chụp ảnh mỗi khi gặp cảnh đẹp. Đoàn đến Chùa Bút Tháp khoảng 9h00. Mỗi người tìm cho mình một góc ưng ý để chụp. Chùa Bút Tháp còn có tên gọi là Ninh Phúc Tự, là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam. Chùa nằm ven đê Sông Đuống, thuộc làng Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Tỉnh Bắc Ninh. Được biết Bút Tháp – vùng dâu xứ Bắc chính là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta cách đây khoảng 2000 năm. Chùa Bút Tháp có từ đời Trân và đến thế kỷ 17 nổi tiếng với vị Hòa thượng Chuyêt Chuyết Lý Thiên Tộ. Ngài được Vua Lê phong là “Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư”.

3. Duc Phat Thien thu thien nhan

Đức Phật Bà Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn – ảnh: Tuyết Minh

Vị sư trụ trì tiếp đó là thiền sư Minh Hạnh, một trong những học trò xuất sắc của Hòa thượng Chuyêt Chuyết Lý Thiên Tộ. Cũng chính thời gian này, Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc rời cung cấm về đây tu hành. Thấy chùa không được tố hảo, bà đã cùng công chúa Lê Thị Ngọc Duyên xây dựng lại chùa. Đến năm 1647, chùa mới được hoàn thành và tồn tại gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay.

1phan tuan nhan

Ảnh: Phan Tuấn Nhân

w11ta qug thang

Ảnh: Tạ Quang Thắng

Toàn bộ kiến trúc Chùa Bút Tháp nằm trên một trục chính, dài hơn 100 mét, nhìn về hướng Nam. Chùa không chỉ nổi tiếng bởi những công trình, tác phẩm nghệ thuật như Tháp Bảo Nghiêm hay còn gọi là Tháp Bút cao hơn 13 mét; Tháp Tôn Đức; Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa với những bức tranh đá trạm khắc mà còn rất nổi tiếng bởi hơn 100 pho tượng cổ, đặc biệt là pho tượng cổ Đức Phật Bà Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn (nghìn mắt nghìn tay) – một kiệt tác độc nhất vô nhị trong di sản văn hóa cổ Việt Nam. Tháng Tư 1962 Chùa Bút Tháp đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

dg thanh

Trước gờ lên đường – ảnh: Bùi Đăng Thanh

dg thanh 1

Cô gái Kinh Bắc – ảnh: Bùi Đăng Thanh

ng xuan loc

Ảnh: Nguyễn Xuân Lộc

Cứ mải miết chụp cho tới 11h30, Trưởng đoàn hô lệnh thu quân về ăn cơm. Ăn xong, nghỉ ngơi đến 13h30 đoàn lại lên đường đến làng tranh Đông Hồ tác nghiệp. Làng tranh Đông Hồ là một làng nghề cổ truyền, cách Hà Nội khoảng 33km về hướng Đông và nằm sát bờ đê phía Nam sông Đuống, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; là cái nôi của dòng tranh khắc gỗ dân gian đặc sắc với những bức tranh đã đi vào đời sống tinh thần của người dân Việt. Làng Đông Hồ là một làng nhỏ, chủ yếu sinh sống bằng nghề làm tranh và hàng mã. Nơi đây còn lưu giữ và phát huy cách làm tranh cổ xưa nhất của vùng đất Kinh Bắc.

w1_DSC0849

Chị Nguyễn Thị Oanh – một trong những nghệ nhân làm tranh Đông Hồ – ảnh: Tuyết Minh

ngo v chỉnh

Ảnh: Ngô Văn Chỉnh

Có thể nói tranh Đông Hồ được làm bằng phương pháp thủ công với sự khéo léo, tinh tế và kiên nhẫn của người dân vùng Kinh Bắc. Được biết tranh Đông Hồ xuất hiện từ khoảng thế kỷ XVI. Giai đoạn từ nửa cuối thế kỷ XIX đến năm 1944 là thời cực thịnh của dòng tranh này, với 17 dòng họ trong làng tham gia làm tranh. Qua những năm kháng chiến chống Pháp khốc liệt nên nghề làm tranh Đông Hồ bị gián đoạn. Đến khi thống nhất đất nước, dòng tranh Đông Hồ mới được khôi phục. Tranh Đông Hồ được in trên giấy dó –  một loại giấy được làm thủ công từ cây dó mọc trong rừng. Người dân vào rừng kiến cây dó đem về cho vào cối giã nhỏ, rây thành bột mịn, sau đó dùng bột này chế biến thành giấy dó.

1ng thanh bình1

Ảnh: Nguyễn Thanh Bình

Đề tài của dòng tranh Đông Hồ về những nhân vật hay, những cảnh đẹp của non sông đất nước, những bức tranh sinh hoạt đời thường đều hàm chứa triết lý nhân văn sâu sắc; được lấy từ chính đời sống, lao động sản xuất, các tích truyện…  rất gần gũi, rộng mở, mang nhiều ý nghĩa như: “ Tứ linh ”, “Vinh Quy bái tổ”, “Chuột vinh quy”, “Thiên hạ thái bình”. “Cóc rước rồng”, “Vinh hoa”, “Phú quý”, “Gà đại cát”, “Lý ngư vọng nguyệt”, “Đàn lợn âm dương”, “Hứng dừa”, “Gà trống và hoa hồng”, “Đấu vật”, “Đánh ghen”, “Mục đồng thổi sáo”, “Gà mẹ và đàn con”, “Thầy đồ cóc”, “Đám cưới chuột” v.v…

Chúng tôi vào nhà chị Nguyễn Thị Oanh – một trong những nghệ nhân làm tranh Đông Hồ. Chị đón tiếp chúng tôi rất thân tình, cởi mở. Chị chia sẻ với niềm tự hào: “Cụ thân sinh ra tôi là Nguyễn Hữu Sam, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Tranh Đông Hồ của xã. Gia đình chúng tôi làm tranh Đông Hồ cha truyền con nối từ lâu đời và đến nay vẫn còn duy trì. Các con tôi cũng đang nối theo nghiệp của ông cha. Gia đình chúng tôi nhiều lần được Bằng khen và được công nhận là nghệ nhân làng nghề…”

Chị hồ hởi mang đồ nghề ra làm để khoe chúng tôi. Cảm xúc ngập tràn, chúng tôi mỗi người tìm cho mình một góc thật ưng ý để chụp. Say sưa trò chuyện và chụp hình mà chẳng ai thấy mệt. Cả chủ và khách đều có cảm giác như đã thân quen từ lâu. Chúng tôi ra về nhưng lòng vẫn còn lưu luyến mãi về một vùng quê thân thương.

Bài: NSNA Tuyết Minh

Tin liên quan