ĐÀ NẴNGGần như ngày nào, mùa hoa nào, bất kể mưa hay nắng anh Đức Khánh cũng lên Sơn Trà để săn ảnh động vật hoang dã.
Voọc chà và chân nâu nhảy chuyền cành trên rừng chò Sơn Trà như nghệ sĩ xiếc “bay” qua hòn Sơn Chà có hình dạng như chiếc chảo úp ngược phía xa.
Tác phẩm nằm trong bộ ảnh “Kỳ thú thiên nhiên Sơn Trà” do nhiếp ảnh gia Dương Đức Khánh thực hiện. Anh sinh năm 1978, quê ở Hương Thủy, Thừa – Thiên Huế, nhưng lớn lên và làm việc ở Đà Nẵng. Anh Khánh hiện là quản trị viên của nhóm “Sơn Trà mãi xanh” lập từ năm 2018, quy tụ những người đam mê săn ảnh đẹp thiên nhiên trên bán đảo.
Bán đảo Sơn Trà có diện tích hơn 4.400 ha, dài 13 km, độ cao trung bình 350 m, cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10 km. Nơi đây có hệ sinh thái rừng đa dạng, gần 1.000 loài thực vật, hàng trăm loài động vật, trong đó “báu vật” là voọc chà và chân nâu với hàng trăm cá thể đang được bảo tồn nghiêm ngặt.
Tuyến du lịch Sơn Trà là nơi du khách có thể thỏa thích ngắm và săn ảnh đẹp về loài voọc. Từ đường Yết Kiêu, du khách di chuyển theo dốc dẫn lên Sơn Trà khoảng 2 km, nếu may mắn gặp đàn voọc đi kiếm ăn. Du khách khám phá rừng có thể liên hệ hạt kiểm lâm tại Yết Kiêu để được hướng dẫn.
Sơn Trà mang vẻ đẹp riêng vào từng thời điểm khác nhau. Cảnh rừng thàn mát rực sắc tím vào tháng 5, chàng ràng đầy trái chín vào tháng 7 (ảnh) hay rừng chò nảy lộc đỏ vàng lúc cuối thu làm bức tranh phong cảnh nơi đây phong phú quanh năm.
“Ánh mắt biết nói” của hai mẹ con voọc đón nắng. “Nữ hoàng linh trưởng’ ngoài tên voọc chà vá chân nâu còn được gọi là voọc ngũ sắc do bộ lông có nhiều màu như vàng, nâu hoặc nâu đỏ, cam, xám, đen và trắng. Đỉnh đầu gần trán có vạt lông màu đen, mặt màu vàng sáng và hai cẳng chân màu nâu đỏ, cơ thể con đực trưởng thành dài khoảng 55 – 63 cm, con cái trưởng thành dài 50 – 57cm.
Anh Đức Khánh cho biết gần như ngày nào, mùa hoa nào, bất kể mưa hay nắng anh cũng lên Sơn Trà để săn ảnh động vật hoang dã. Nếu không gặp voọc anh vẫn thấy vui vì được thả mình vào không gian xanh của núi rừng. Các khung giờ anh thường tác nghiệp là sáng sớm, ban trưa vì lúc này vắng người và khả năng voọc xuất hiện cao.
Cảnh voọc chưa trưởng thành với ‘nét mặt suy tư’ đang ăn giữa cơn mưa phùn bất chợt.
“Canh chụp loài này không khó, đi đúng dịp và kỹ năng tiếp cận gần để voọc không sợ, nhất là khi bắt gặp chúng ven đường thì cứ coi như không thấy, im lặng tiến lại gần, chỉ cần im lặng thì chúng cũng ít sợ hơn, tốt nhất là tuyệt đối im lặng”, anh Khánh chia sẻ bí quyết chụp. Anh cho biết thêm thiết bị săn ảnh động vật thì cũng không quá cầu kỳ, chỉ cần với một chiếc máy ảnh tầm trung, ống kính 70-200 mm là đã có những bức ảnh đẹp về chúng.
Đàn voọc chín con quần tụ vào một ngày đẹp trời được anh Khánh chụp vào tháng 2/2018. Một trong những kỷ niệm đẹp và đáng nhớ nhất của anh Khánh khi săn ảnh loài linh trưởng quý hiếm này vào ngày mùng 5 Tết năm 2018.
“Đàn voọc tự nhiên, dường như không quan tâm đến sự xuất hiện của con người, ban đầu là một con, ba con, chín con, rồi dần dần các con khác nhập đàn đến 12 con, một cảnh tượng chỉ có may mắn mới gặp và chúng tôi chỉ biết bấm máy, quên cả bữa cơm trưa. Thật sự rất thích thú”.
Ngoài voọc chà vá chân nâu, ít người biết bán đảo Sơn Trà là “sân ga” của các loài chim di cư trên thế giới. Chúng bay từ phương Bắc về phương Nam vào những tháng cuối năm để trú đông. Bán đảo Sơn Trà trở thành thiên đường của loài chim di cư và cảnh tượng này mang lại bức tranh thiên nhiên sinh động.
Anh Khánh đã chụp được khoảng 70 loài động vật hoang dã trên Sơn Trà, ghi lại khoảnh khắc, vũ điệu và tập tính của chúng. Một trong những loài chim di cư dễ thương là oanh mặt đỏ Nhật, có kích thước khoảng 15 cm, với chim trống có đầu và ngực màu cam nổi bật. Loài chim này rất ít khi về Đà Nẵng, lần gần đây nhất là vào tháng 12/2019.
Hệ chim ở Sơn Trà đa dạng, từ các loài định cư như bói cá, hút mật, gà lôi, gà rừng, gà nước, sơn ca, họa mi, hoét đá cho đến các loài di cư như chìa vôi núi, oanh mặt đỏ Nhật, oanh đuôi cụt lưng xanh hay cao cát phương đông (ảnh). Anh Khánh chia sẻ loài cao cát phương đông, một loài chim mỏ sừng nhỏ ở châu Á, rất ít khi về Sơn Trà, ghi nhận nó vào năm 2019 đến nay chưa thấy về lại.
Chìa vôi núi, loài di cư trú đông tương đối phổ biến, thường sống ở các khu vực trống trải khác nhau như bìa rừng, thường xuyên kiếm ăn dọc theo các con suối có nước chảy. Một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất tại Sơn Trà là chú chim chìa vôi núi mổ kính xe máy khi thấy hình ảnh mình trong gương.
Ở Đà Nẵng, vào mùa chim di cư, các loài chim như choắt mỏ cong bé (ảnh) hay cà kheo thường kiếm ăn trên những vùng nước dưới chân bán đảo Sơn Trà và trở thành “siêu mẫu” được nhiều nhiếp ảnh gia săn đón.
Muốn chụp được loài cà kheo phải xác định tập quán kiếm mồi, nhiều khi anh Khánh phải đi từ đêm khuya trước khi mặt trời lên, ngâm mình dưới nước, che lưới và lá để ngụy trang, đợi nó về kiếm ăn chỉ việc bấm máy.
“Tình yêu thiên nhiên Sơn Trà như thấm dần vào con người tôi từ lúc nhỏ, trong những lần cùng bạn bè dã ngoại, cắm trại trên núi và sau này đến tuổi trung niên mới thật sự cảm nhận Sơn Trà là một phần không thể thiếu trong cuộc sống”, anh Khánh bộc bạch.