(Nhiếp ảnh) Chụp ảnh macro là kỹ thuật chụp cận cảnh với độ phóng đại cao để đặc tả những chi tiết có kích thước nhỏ như hoa, côn trùng… Trong kỹ thuật này, việc sử dụng sáng có vai trò rất quan trọng. Ánh sáng càng bất tiện cho chụp phong cảnh, thì thường lại rất thuận tiện cho chụp ảnh macro. Trong chụp ảnh macro, gió là kẻ thù lớn nhất bởi bất kỳ một sự rung động nhẹ nào cũng khiến cho đối tượng rất dễ bị nhòe đi qua ống kính.
Thiên nhiên luôn luôn quyến rũ, từ những vân đá, bông hoa, thảm thực vật, động vật, sò biển, nấm hay nền lá… Khi chụp ảnh macro hoa, lá, côn trùng… nên chụp lúc sáng sớm là thời khắc đẹp, thích hợp vì không khí lúc này thường rất tĩnh lặng, nắng dịu nhẹ chứ không quá ngắt. Ánh sáng lúc này sẽ khuếch tán nhiều hơn. Một ống kính tele hay macro, đều có thể tạo nên những bức ảnh tuyệt vời về một thế giới ít người để ý đến. Chụp ảnh bằng macro thường thì độ sâu ảnh cũng bị giảm đi. Thế giới ảnh macro vốn chỉ đẹp nhờ ở độ chi tiết cao, vì vậy khi chụp macro thường thu hẹp độ mở f/22 hoặc f/32. Vì độ mở thu hẹp dẫn đến tốc độ chụp phải chậm đi, nên khi chụp macro phải dùng chân máy là điều tất yếu. Bạn khó có thể có được một bức ảnh macro “tuyệt đỉnh” nếu không dùng chân máy.
Có một cách tăng độ sâu ảnh cần thiết, đó là nhờ vào công nghệ phần mềm. Công nghệ này đã tạo nên cuộc cách mạng trong việc chụp ảnh macro gần đây. Một trong những phần mềm có thể kể đến là Helicon Focus. Với những “tay máy” chuyên đi săn ảnh macro, chắc đã ít nhất một vài lần dùng thủ thuật này. Để đảm bảo chất lượng cho những bức ảnh chụp Macro, bạn nên lưu ý đến một số mẹo nhỏ sau:
- Kiểm tra tiêu cự: Chụp macro đẹp phải đáp ứng đầy đủ độ sắc nét, chi tiết để làm nổi bật lên cái mình cần truyền tải.
- Nín thở: Để bức ảnh được đẹp hơn bạn hãy thở thật nhẹ nhàng trong khi chụp.
- Dọn dẹp không gian chung quanh: Gọn gàng, sạch sẽ tránh gây nhầm lẫn khi lấy nét hoặc khiến bức ảnh lộn xộn về bố cục.
- Sử dụng chân máy: Dùng chân máy để tránh bị rung khi chụp.
Bài, ảnh: NSNA Tuyết Minh