(Nhiếp ảnh Hà Nội) Khoảng 7 triệu người dân Hà Nội hôm nay, không thể hình dung nổi không khí và cảnh vật vào ngày 28 tháng 2 năm 1902 khi chuyến tầu hỏa đầu tiên khởi hành từ ga Hàng Cỏ chở vua Thành Thái, Toàn quyền Đông Dương cùng đoàn tùy tùng đến đầu cầu Long Biên (hồi bấy giờ cầu mang tên Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer) để dự lễ khánh thành cây cầu đã đi vào huyền thoại của khu phố cổ Thăng Long. Vua Thành Thái là vị vua có tầm nhìn rất rộng về phát triển kinh tế của nước ta thông qua hành động phát triển giao thông vận tải, cụ thể vua Thành Thái đã mang tên cầu dàn thép vượt qua sông Hương ở cố đô Huế từ năm 1897 và năm 1902 Ngài có mặt ở Hà Nội để dự lễ khánh thành cầu Long Biên, đã chứng minh cho điều đó. Thời gian sau Ngài tham gia vào phong trào Cần vương chống lại người Pháp nên bị phế truất năm 1907, đến năm 1916 vua Thành Thái bị đày ra đảo Resunion và chết ở đây. Nhìn lại lịch sử nước ta thật phức tạp và đau đớn… Song có một thực tế khẳng định về quan hệ giữa nước ta với các nước trên thế giới (ở đây tôi chỉ thống kê trong lĩnh vực công trình cầu lớn trong giao thông vận tải) thì chỉ các nước có nền kinh tế phát triển mới có sự hợp tác mang đến cho đất nước ta phát triển và tiếp cận các công nghệ hiện đại. Cách đây 120 năm (1897 – 2007) người Pháp đã giúp xây dựng thành công cây cầu dàn thép hình vành lược bắc qua sông Hương. Cách đây 115 năm (1902 – 2017) người Pháp đã giúp xây dựng thành công cầu dàn thép Long Biên bắc qua sông Hồng rộng mênh mông. Và những năm liên tiếp sau này người Pháp đã giúp đỡ nước ta hoàn thiện trục đường sắt, đường bộ dọc theo Quốc lộ 1, Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 5 và hàng chục đường cho vận tải ô tô.
Hãy tạm lắng lại bên cầu Long Biên ở tuổi 115 năm, cái tuổi đã vượt ra ngoài tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép khi tính toán xây dựng cầu vĩnh cửu. Ấy vậy, cầu Long Biên vẫn vững vàng đưa đón các đoàn tầu hàng, hành khách ra, vào ga Hà Nội và hàng ngàn xe gắn máy, người bộ hành tấp nập qua cầu suốt ngày đêm. Cầu Long Biên được khởi công xây dựng vào 16 giờ ngày 12 thánh 9 năm 1898 bởi kỹ sư Saint Fort Mortier – ông được ủy quyền của Công ty Dayé & Pillé, cũng là đại diện cho Công ty Bắc Kỳ. Chưa đầy 4 năm đã xây dựng xong, cầu Long Biên đã có tên trong năm cây cầu dài nhất thế giới hồi bấy giờ và nhất Đông Nam Á. Chạnh lòng ngẫm về công trình Đường sắt trên cao của Hà Nội ở vào thời kỳ hiện đại, trong nền kinh tế thị trường. Chúng ta đã chọn nhầm nhà đầu tư, chỉ đến khi thời gian kéo dài lê thê mới ngộ ra họ hãm hại ta về phát triển kinh tế đô thị và cảnh quan, không an toàn trong giao thông đô thị – đây là vết thương sẽ rỉ máu suốt với chiều dài thời gian tồn tại của công trình. Đây cũng là bài học chọn bạn mà chơi! Chúng ta có con số cụ thể về rất nhiều cây cầu lớn như cầu Long Biên trên bình diện nước ta trong 32 năm (1985 – 2017) đổi mới nền kinh tế thì chỉ duy nhất có cầu Thăng Long là được Liên Xô đầu tư sau khi Trung Quốc khước từ rút chuyên gia về nước… Còn lại đến 99% là vốn đầu tư và công nghệ hiện đại về thi công cầu lớn đều do các nước như: Nhật Bản, Pháp, Úc, Hàn Quốc,…Chứ không thấy bóng dáng của “hậu phương lớn”. Những con đường vượt qua sông Hồng vào Hà Nội đều nhờ gánh vác của những cây cầu lớn, đầu thế kỷ XX duy nhất có cầu Long Biên, phải 85 năm sau mới thêm cầu Chương Dương và cầu Thăng Long. Chỉ mới 17 năm của thế kỷ XXI đã hiện diện cầu Vĩnh Thịnh, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy và cầu Thanh Trì. Tuy vậy cầu Long Biên đêm ngày oằn mình, run rẩy vì già nua, hoen gỉ, vết thương vẫn còn băng bó, đứt nhịp từ ngày chiến tranh… mà vẫn cõng trên lưng bao gánh nặng nề như hồi tuổi vẫn còn xuân. Cũng rất may người Hà Nội vẫn còn trân trọng, đã coi cầu Long Biên là một công trình kiến trúc đã gắn bó và tôn vẻ cổ kính của kinh thành Thăng Long. Nó còn thể hiện lòng thủy chung, biết ơn với những công trình kiến trúc tài hoa của nhân loại. Rất vui là cầu Long Biên đang lặng lẽ có một công trường sửa chữa, trung tu lại phần dàn dầm thép, nhằm mục đích tăng tuổi thọ và năng lực chịu tải trọng của cầu Long Biên. Có mặt trực tiếp ở công trường là đội ngũ ca kíp những người thợ cầu lành nghề đa dạng từ hàn xì, cơ khí, nguội, gò, điện, sơn,… Song từ thời Pháp thuộc đến nay người thợ cầu chỉ đủ ăn chứ không ai giầu sang mặc dù họ làm ra của cải vật chất, hoàn thành những dự án béo bở để đem về sự giầu có, xa hoa cho một thiểu số người sử dụng họ. Tôi hiểu họ bởi tôi đã có nhiều chục năm liên tục gắn bó với nghề Thiết kế Tư vấn các công trình giao thông. Sự bất công trong xã hội đã quay lại và ngày một trầm kha… Nếu không sớm được điều chỉnh lại thì tai họa sẽ khôn lường cũng giống như cầu Long Biên già cỗi, đau yếu, lão hóa toàn diện các bộ phận kết cấu… Thì công việc sửa chữa chắp vá như một liều thuốc an thần rẻ tiền làm sao có thể vực dậy một cơ thể cường tráng ban đầu!
Ảnh: Bùi Sơn
Cầu Long Biên mãi luôn là điểm đến của người Hà Nội – nhất là những ai muốn tư duy một mình để dịu đi những ồn ào, nồng nặc, bất mãn, cạn lòng tin ở đâu đó trong con ngõ hẹp, một nếp nhà ổ chuột, một căn gác xép ọp ẹp hay một chung cư hiện đại mà vắng lặng những lời yêu, thương… Cầu Long Biên với sức sống dẻo dai, cần mẫn, trấm lắng nhẫn nại như một con người lao động chân chính đã vắt qua ba thế kỷ với biết bao thăng trầm của lịch sử Hà Nội nói riêng, của lịch sử Việt Nam nói chung bởi cầu Long Biên nằm ở trái tim Tổ quốc. Ta tìm được ở cầu Long Biên niềm an ủi khi ta bị đè nén bởi bao điều vô hình của phong kiến, của chế độ thuộc địa và biết bao biến hình của nó… còn xa xưa nữa đây là khúc sông Đông Bộ Đầu mà công chúa An Tư thời nhà Trần đã vượt qua để làm vợ tạm thời tướng giặc Thoát Hoan… Cứu kinh thành Thăng Long trước sức ép của kẻ thù hùng mạnh… Chúng ta kính thương nàng dâng trái tim trinh trắng/ Để cứu Thăng Long tắm trong máu đầu rơi/ Mấy trăm năm lịch sử qua rồi/ Người vẫn sống trong trái tim dân tộc. Có biết bao bài học rút ra được từ hình ảnh của cây cầu cổ thụ này nếu như số phận ta có những nét tương đồng…
Bài, ảnh: NSNA Nguyễn Đăng Minh