Bảo tàng lưu giữ 500 mẫu tiêu bản các loài động vật đã từng được nuôi dưỡng tại Thảo Cầm Viên với nhiều loài quý hiếm hoặc đã tuyệt chủng.
Hoạt động từ đầu năm 2017, Bảo tàng Động thực vật là điểm đến thú vị ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn – một trong những vườn thú lâu đời nhất trên thế giới.
Các phòng trưng bày tiêu bản động vật được tái hiện như một khu rừng, đầy đủ muông loài sinh sống, tương ứng với từng hệ sinh thái.
Khu trưng bày tiêu bản động vật móng guốc châu Phi, với những loài như linh dương, hươu cao cổ, ngựa vằn… trong không gian vẽ cảnh bán hoang mạc khô cằn.
Các mẫu tiêu bản trông giống như “đang sống” nhờ tư thế tạo dáng phù hợp với tập tính của loài.
Bảo tàng có diện tích 530 m2, gồm nhiều phòng trưng bày các tiêu bản động vật, mẫu xương, mẫu ngâm formol, thú đột biến, mẫu thực vật…
Tiêu bản cá sấu nước mặn, giống đực nặng 600 kg, dài 5 m; được nhập về năm 1970, là cá sấu lớn nhất Thảo Cầm Viên lúc bấy giờ. Theo các nhà khoa học, cá sấu nước mặn đã tuyệt chủng ở Việt Nam.
Tiêu bản loài báo đen vẫn giữ được sự hung dữ, nét hoang dã của loài thú săn mồi này.
Bảo tàng dành một góc phòng trưng bày các loài đột biến như dê hai đầu, chó năm chân, gà nhiều cựa… To nhất là mẫu vật trâu đột biến có ba sừng.
Một góc phòng trưng bày tiêu bản xương nhiều loài như hà mã, voi, tê giác, cá sấu…
Nổi bật là bộ xương voi châu Á được trưng bày giữa phòng. Đây là mẫu vật của cá thể voi cái, 68 tuổi, nặng 2,4 tấn, có nguồn gốc từ Đăk Lăk. Bộ xương gồm 251 cái, chiếm khoảng 16% trọng lượng cơ thể voi.
Một góc khác trưng bày tiêu bản các loài bướm. Ngoài ra trong bảo tàng có có tiêu bản các loài thuỷ sinh, cá, ốc…
Khu trưng bày tiêu bản thực vật có 400 mẫu ép khô các loại hoa, lá, quả thuộc 100 loài dây leo và cây thân gỗ đang được chăm sóc tại Thảo Cầm Viên. Nhiều mẫu vật có giá trị cao cho khoa học, kinh tế cũng như các loài quý hiếm có tên trong sách đỏ như trắc, cẩm lai, giáng hương, gõ…
Bé Anh Khôi (16 tháng tuổi) tò mò khi nhìn thấy các tiêu bản loài thú được trưng bày sinh động. “Bảo tàng này rất thích hơp để trẻ nhỏ tham quan khám phá về thế loài động vật. Các tiêu bản được làm rất chân thực và có thể tiếp cận gần để quan sát”, mẹ bé chia sẻ.
Bảo tàng là một tòa nhà cũ, từng làm phòng chức năng của Thảo Cầm Viên. Bảo tàng mở cửa mỗi ngày, không mất phí tham quan.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn được xây dựng năm 1864 với tên gọi đầu tiên là Vườn Bách Thảo. Là nơi bảo tồn động thực vật có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới, Thảo Cầm Viên cũng là một trong những công viên lớn nhất nước với hơn 1.000 cá thể động vật thuộc 125 loài, hơn 2.000 cây gỗ thuộc 260 loài, hàng chục loại lan nội địa, xương rồng, bonsai và thảm cỏ xanh trên diện tích hơn 17ha.