Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và TP Hải Phòng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961), sáng 22/10.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, đã ôn lại quá trình hình thành tuyến vận tải đặc biệt. 60 năm trước, do yêu cầu cấp bách chi viện nhân lực, vật lực từ miền Bắc cho đồng bào, chiến sĩ và chiến trường miền Nam, ngày 19/5/1959, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (sau đổi tên là Đoàn 559), có nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa, đưa đón bộ đội, cán bộ từ Bắc vào Nam và ngược lại.
Sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải quân sự đường biển. Sự ra đời của Đoàn 759 cùng với việc khai thông tuyến chi viện trên biển đánh dấu mốc mở đường vận chuyển chiến lược trên biển chi viện cho miền Nam, mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là ngày truyền thống của Đoàn 759, sau này là Đoàn 125 và Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay.
Theo Thứ trưởng Lê Huy Vịnh, từ khi ra đời và trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo nên phương thức vận chuyển mới quan trọng, bảo đảm chi viện cho chiến trường miền Nam. Cán bộ, chiến sĩ với những con tàu thô sơ, nhỏ bé, chở vũ khí đã bí mật, bất ngờ, dũng cảm vượt qua bão táp của biển cả, sự ngăn chặn, bao vây của hải quân, không quân địch để đi đến chiến trường.
Gần 2.000 lượt tàu đã được huy động, đi trên 4 triệu hải lý, vận chuyển 80.000 lượt người, trên 150.000 tấn vũ khí, đạn dược và hàng chục nghìn tấn hàng hóa, chi viện cho nhiều hướng chiến trường, chiến dịch lớn, nhiều địa bàn trọng yếu mà đường bộ chưa vươn tới.
Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh trên biển tạo thành hai tuyến vận tải chiến lược, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, đáp ứng nhu cầu của hai hướng chiến lược trên chiến trường Nam Bộ là cánh Đông và cánh Tây, chi viện kịp thời, hiệu quả sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng đánh giá, đường Hồ Chí Minh trên biển là “quyết sách đúng đắn, sáng tạo độc đáo, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng; là biểu tượng cao đẹp của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình đoàn kết quân – dân…”.
Để thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ mới, thượng tướng Lê Huy Vịnh cho rằng các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, đảo, nòng cốt là Hải quân nhân dân Việt Nam cần phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững kinh tế biển; gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Các lực lượng cần được quan tâm xây dựng vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; nhất là Hải quân nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng, Dân quân tự vệ biển và Kiểm ngư.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Trần Văn Hữu cho biết, những năm qua Hội đã làm tốt công tác từ thiện xã hội, nghĩa tình đồng đội, hỗ trợ giải quyết chế độ chính sách tồn đọng sau chiến tranh… “Các cựu chiến binh Đoàn tàu không số luôn tâm niệm phải sống xứng đáng với danh hiệu bộ đội Cụ Hồ, với những chiến công của Đoàn năm xưa, xứng đáng với những đồng đội đã anh dũng hy sinh”, ông nói.
Cũng trong sáng 22/10, Đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã tới dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại Khu Di tích lịch sử Bến K15 (quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng).