Đến bản làng dân tộc Sán Chỉ ở Bình Liêu (Quảng Ninh), du khách không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh các ông chồng vui vẻ địu con trong lòng, ngắm nhìn vợ xỏ giày, mặc váy đá bóng cùng các chị em gái.
Cứ mỗi dịp Lễ hội rằm tháng Ba hoặc các ngày lễ lớn trong năm, xã Húc Động (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) lại tưng bừng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ của cộng đồng người dân tộc Sán Chỉ sinh sống chủ yếu tại đây. Đặc biệt nhất có lẽ là giải đấu bóng đá nữ thu hút đông đảo đồng bào và du khách thập phương đón xem.
Du khách phương xa tới đây rất đỗi ngạc nhiên khi thấy cảnh các ông chồng địu con trong lòng, vui vẻ đưa vợ đến sân vận động xã để thi đấu bóng đá.
Trước khi vào trận đấu, các chị em cũng không quên thoa kem chống nắng để giữ gìn làn da khỏi bị cháy nắng.
Giải bóng đá nữ giữa các thôn bản của xã Húc Động được tổ chức vào đúng dịp lễ hội và các ngày lễ kỷ niệm lớn trong năm của tỉnh Quảng Ninh và Đất nước. Bên cạnh đó, đội bóng đá nữ Húc Động còn thi đấu giao hữu với các xã lân cận thuộc huyện Bình Liêu, Tiên Yên.
Các trận đấu diễn ra tại sân vận động nằm trên đỉnh đồi, xung quanh là khung cảnh núi non trùng điệp.
Giải thi đấu theo thể thức sân 7 người, đặc điểm thú vị đó là việc các nữ cầu thủ đều mặc váy truyền thống của dân tộc mình chứ không mặc áo in số. Do cùng là người Sán Chỉ nên các đội gặp nhau sẽ phải mặc áo màu xanh đậm nhạt khác nhau để dễ phân biệt.
Mặc dù đá không theo nguyên tắc, chiến thuật cố định nào nhưng các nữ cầu thủ thi đấu quyết liệt, lăn xả không khác gì những cầu thủ nam.
Dưới những chiếc váy đụp là pha tranh bóng tung đất tung cát của những đôi giày đinh, trở thành hình ảnh đặc trưng của huyện Bình Liêu mỗi dịp lễ hội.
Một pha hãm bóng bằng ngực của một nữ cầu thủ.
Pha nã “đại bác” từ khoảng cách hơn 20m của một tiền đạo khiến khán giả quanh sân ồ lên phấn khích.
Một pha dốc bóng tấn công, đối mặt thủ môn và dứt điểm đầy tinh tế không kém gì nam giới.
Tiền vệ Trần Thị Liêm (28 tuổi) của đội Lục Ngù tham gia các giải đấu bóng đá nữ từ năm 2018. Liêm là một trong những cầu thủ thi đấu khéo léo, xuất sắc nhất xã Húc Động, các trận đấu của cô luôn được chồng con dõi theo, cổ vũ bên ngoài sân.
Hình ảnh có lẽ hiếm thấy trên thế giới khi cánh đàn ông bồng bế con nhỏ bên ngoài sân, tập trung theo dõi và cổ vũ vợ thi đấu trong sân. Để được “bình đẳng” với các chị em, xã Húc Động cũng đã tổ chức giải bóng đá dành cho nam giới vào dịp Tết Nguyên đán.
Thỉnh thoảng, khi thấy vợ gặp sự cố va chạm phải ra ngoài biên, các ông chồng lại cuống cuồng chạy lại hỏi thăm. Rất may, các tình huống đều không dẫn đến chấn thương, hoặc chỉ là các chị em bị tuột khăn vấn trên đầu và trọng tài yêu cầu phải vấn lại tóc chỉnh tề đúng theo trang phục dân tộc thì mới được vào sân thi đấu tiếp.
Sau một pha bóng hay của một nữ cầu thủ, bên ngoài sân có một bác gái nhiều tuổi reo lên: “Con dâu tôi đấy, con dâu tôi giỏi quá, cố lên con ơi…”. Tại đây mọi quan niệm, khoảng cách về giới tính và lứa tuổi không còn nữa.
Cúp vô địch được trao cho đội giành chiến thắng chung cuộc, vượt qua các đội ở vòng bảng và đấu loại trực tiếp.
Vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh năm nay, huyện Bình Liêu sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng và đặc biệt có giải thi đấu bóng đá nữ giữa các dân tộc tại địa phương.