“Một tòa Cung Vương phủ, nửa triều đại nhà Thanh” là câu nói được nhắc đến nhiều nhất khi miêu tả về sự xa hoa của phủ Hòa Thân.
“Choáng ngợp về độ rộng lớn” là cảm nhận Minh Anh, du học sinh ở Bắc Kinh, lần đầu ghé thăm phủ vào một sáng giữa tháng 5 cùng người bạn kiêm hướng dẫn viên Trung Quốc Trần Nhung.
Nơi ở của Hòa Thân được xây dựng vào năm 1777, hiện có tên Bảo tàng Cung Vương Phủ, rộng 60.000 m2, như một thế giới thu nhỏ với núi giả, hồ nước, sân khấu xem kịch. Một nửa diện tích phủ được dùng để xây dựng làm tiểu cảnh, sân vườn. Cổng chính có hai con sư tử đá bảo vệ. “Đây là dinh thự lớn nhất nhà Thanh (không tính nơi vua ở)”, theo Visitbeijing, web thuộc Trung tâm Thông tin, Cục Văn hóa & Du lịch thành phố Bắc Kinh.
Năm Gia Khánh thứ tư (1799), Hòa Thân bị vua xử tử, tịch thu dinh thự. Lúc khám xét tài sản trong phủ Hòa Thân có 800 triệu lạng bạc. Tổng gia sản của ông nhiều bằng 15 năm quốc khố đại Thanh. Sau đó phủ thuộc về nhiều quý tộc khác như Khánh Hy Thân Vương Vĩnh Lân (em vua Gia Khánh) và Cung Trung Thân vương Dịch Hân (em vua Hàm Phong).
Hou Fang, nhân viên Bảo tàng, cho biết Cung Vương Phủ là một trong số ít các dinh thự hoàng gia có từ thời nhà Thanh ở Bắc Kinh khách được tiếp cận. Những chỗ khác hoặc có người ở hoặc gần như đổ nát. Dinh thự được chính phủ cho tu sửa từ tháng 12/2005 với chi phí 200 triệu tệ (hơn 28 triệu USD). Khu vực vườn phía sau trở thành điểm du lịch hút khách từ năm 1988. Khu vực dinh thự mới bắt đầu mở cửa cho công chúng từ tháng 8/2008 với gần 10.000 khách ghé thăm trong ngày đầu tiên, theo SCMP.
Có nhiều điểm tham quan trong dinh thự nhưng nổi bật nhất là The Western-style Gate, Grand Theatre Tower và Back Screen Buildings. The Western-style Gate (cổng kiểu phương Tây) là cổng chính vào vườn, thể hiện mong muốn của người chủ khi đó muốn “cứu lấy nhà Thanh bằng cách học hỏi văn hóa, công nghệ phương Tây”. Grand Theatre Tower là nơi Hòa Thân cùng gia quyến, bạn bè xem kịch, được coi là “nhà hát opera khép kín duy nhất ở Trung Quốc”. Back Screen Buildings nằm ở ngã ba của khu nhà ở và vườn, gồm 111 ngôi nhà liên tiếp dài tới 180 m.
Trong phủ có hai hồ. Hồ rộng là nơi trước đây mọi người chèo thuyền đi dạo. Hồ nhỏ nuôi cá. Theo hướng dẫn viên mà Minh Anh gặp trong lần đến phủ, hồ nhỏ gọi là hồ dơi, xung quanh trồng cây du. Người Trung Quốc xem cây du là biểu tượng tiền tài, dơi trong tiếng Trung đồng nghĩa với “phúc”. Vào mùa xuân, lá của cây du rơi xuống hồ tượng trưng cho việc tiền bạc trong thiên hạ đều chảy hết vào nhà Hòa Thân.
Với Minh Anh, cô ấn tượng với những cây cột làm từ kim tơ nam mộc, loại gỗ quý, vân tựa sợi tơ vàng, có mùi thơm và tác dụng chống muỗi, chuyên dùng để xây dựng trong các cung điện hoàng gia. Theo Baidu, mỗi cột gỗ có giá trị lên đến 2,7 tỷ tệ (hơn 382 triệu USD). Phòng ở của Hòa Thân ở có bốn cây cột làm từ gỗ này. Khách không được vào tham quan khu vực mà chỉ đứng từ ngoài nhìn. Dù vậy, Minh Anh vẫn ngửi thấy mùi gỗ thơm thoang thoảng.
Minh Anh cũng cho biết một hướng dẫn viên tại phủ nói phần lớn đồ đạc trong phủ đều đã được mang đi cất giữ. Các gian phụ trống, chỉ có một số gian chính bày biện các hiện vật thời xưa.
Theo hướng dẫn viên Trần Nhung, phủ Hòa Thân là nơi ở của người có tiền, có quyền lực bậc nhất triều đại nhà Thanh, mỗi chi tiết đều có ý nghĩa riêng. Nhung khuyến khích du khách quốc tế khi đi tự túc nên thuê hướng dẫn viên vì “họ biết rất rõ nơi này và kể các câu chuyện liên quan đến Hòa Thân rất hấp dẫn”.
Minh Anh thích phủ Hòa Thân hơn Tử Cấm Thành vì phủ nhiều cây, mát mẻ. Tử Cấm Thành không được trồng nhiều cây vì sợ có mai phục trên cây.
Theo Minh Anh, để đến được Cung Vương Phủ du khách nên đi tàu điện ngầm vì thuận tiện và rẻ. Phủ nằm ở trung tâm thành phố, số 17 phố Hải Tây, khu Tây Thành. Giá vé tàu từ ngoại ô đến khu vực này 7 tệ (1 USD). Giá vé vào cửa là 20 tệ (gần 3 USD) với sinh viên và 40 tệ (gần 6 USD) với người lớn. Du khách có thể mua vé qua wexin, tìm trang web của Cung Vương Phủ đặt vé. Sau khi đến nơi, du khách mang hộ chiếu ra quầy để đổi lấy vé quẹt. Có thể mua trực tiếp tại quầy nhưng Minh Anh khuyến khích nên mua online do xếp hàng mua tại chỗ rất lâu.
Cung Vương Phủ mở cửa từ 8h đến 17h, từ 16h30 trở đi ngừng nhận khách. Khu vực xung quanh có rất nhiều cửa hàng bán đồ ăn, lưu niệm. “Do là điểm du lịch nên mùi vị món ăn đã thanh đạm đi rất nhiều. Đồ Trung Quốc nguyên bản rất nhiều dầu mỡ và cay, khách Việt khó ăn”, Minh Anh nói. Giá một bát mỳ cỡ lớn là 30 tệ (hơn 4 USD). Sữa chua Bắc Kinh là một trong những món Minh Anh gợi ý nên thử.
Ngoài Phủ, du khách nên ghé thăm Cố Cung (Tử Cấm Thành), Thiên Đàn (đàn thờ Trời), Di Hòa Viên (công viên nằm ở phía tây thành phố), Viên Minh Viên (tổ hợp cung điện và vườn hoa).
Minh Anh thấy toại nguyện vì đã được đặt chân đến một trong những nơi gắn liền với nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc và được nhiều người Việt biết đến. “Một tòa Cung Vương Phủ, nửa triều đại nhà Thanh là câu mà các bạn người Trung Quốc nói với tôi nhiều nhất khi nhắc đến nơi này. Khi tận mắt chứng kiến mới thấy được hết sự xa hoa. Đây là một nơi đáng để đến”, Minh Anh nói.