Để kịp giao hàng dịp Tết Giáp Thìn 2024, hàng nghìn nhân công của các cơ sở làm khô cá biển ở huyện Phú Tân tất bật làm việc mỗi ngày.
Nghề làm khô ở thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân hình thành hàng chục năm qua. Toàn thị trấn có hơn 130 doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh cá khô, tập trung nhiều nhất là ở khóm 3, 4, 5 và 6. Trong đó, khóm 4 và 5 nhiều nhất, với hơn 45 hộ làm nghề. Đây là làng khô cá biển lớn nhất tỉnh Cà Mau, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, với mức thu nhập một tháng 3-6 triệu đồng mỗi người.
Dịp Tết được xem là chính vụ sản xuất của các cơ sở khi chiếm đến 40% tổng thu nhập trong năm.
Những mặt hàng đặc trưng của Cái Ðôi Vàm chủ yếu là khô cá nước mặn, như cá khoai, cá đù, cá lưỡi trâu, khô mực, tôm khô…
Khoảng 2 tháng trước, các hộ sản xuất đã chuẩn bị các mặt hàng phục vụ Tết. Trung bình mỗi cơ sở thuê 5-10 lao động để làm khô, mức lương của nhân công trung bình 200.000-300.000 đồng mỗi ngày.
Các cơ sở thu mua cá từ ghe đánh bắt tại địa phương, sau đó nhân công bắt tay sơ chế ngay để đảm bảo chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Lánh, 52 tuổi, ở khóm 4, cho biết gia đình có hơn 30 năm theo nghề làm khô. Năm nay nguồn nguyên liệu cá khoai tại địa phương không đủ sản lượng làm khô, các cơ sở phải nhập hàng từ Ấn Độ.
Tùy theo loại khô, nhà sản xuất sẽ có cách chế biển, tẩm ướp gia vị (muối, ớt…) và phơi cá khác nhau.
Bà Thái Thị Phấn, chủ cơ sở sản xuất khô tại thị trấn Cái Đôi Vàm cho biết ngoài thị trường trong tỉnh, bà nhận được nhiều đơn đặt hàng từ TP Cần Thơ, Hậu Giang, Bến Tre, TP HCM. “Càng cận Tết, nhu cầu tiêu thụ cá khô của người tiêu dùng sẽ tăng cao. Bình quân mỗi mùa khô Tết, cơ sở cung ứng ra thị trường hơn 20 tấn sản phẩm”, bà Phấn nói.
Chị Phạm Thị Hằng, 37 tuổi, cho biết mỗi ngày thức từ 2-3h để làm việc, tiền công khoảng 400.000 đồng. “Tôi chủ yếu phụ trách việc phơi, trở cá. Dịp Tết công việc nhiều hơn nên thu nhập của nhân công tại cơ sở cũng cao hơn”, chị Hằng nói.
Cá khô khoai là sản phẩm đặc trưng và nổi tiếng nhất của làng khô Cái Đôi Vàm. Hiện thị trấn có khoảng 10 cơ sở chuyên thu mua và làm khô loại cá đặc sản này.
Cá sau khi được đánh bắt từ biển về sẽ được nhân công bỏ ruột, rửa sạch và không muối hay tẩm ướp gia vị, móc hàm răng của 2 con cá vào nhau rồi vắt ngang những cây sào để phơi nắng. Trung bình 5-6 kg cá tươi cho một kg cá khô khoai thành phẩm.
Người dân địa phương chọn cách phơi cá khô thủ công dưới nắng. Cá thường được các cơ sở phơi 2-3 ngày để đảm bảo trữ được lâu.
Ngoài sản xuất theo cách truyền thống, một số cơ sở còn làm cá khô khoai tẩm ướp gia vị, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hiện giá cá khô khoai có giá 250.000-400.000 đồng mỗi kg, tùy loại.
Tháng 4/2023, cá khô khoai Cái Đôi Vàm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ sản phẩm tập thể.
Khô được bày bán tại một chợ truyền thống ở Cà Mau. Trong bữa ăn bình thường, người miền Tây sẽ nướng hoặc chiên khô cá biển để ăn cùng cơm trắng, chấm nước mắm me. Bên cạnh đó, một số quán ăn sáng tạo làm thêm các món gỏi, kết hợp nhiều rau để khách không bị ngán.
Ông Nguyễn Văn Kha, Phó chủ tịch UBND thị trấn Cái Ðôi Vàm, cho biết hiện các cơ sở tăng cường sản xuất cùng với việc đa dạng các loại cá khô nhằm đáp ứng nhu cầu của kháng hàng trong dịp Tết. Năm nay số lượng hộ sản xuất khô tăng nhưng sản lượng thấp hơn ít nhu cầu so với mọi năm.