Với truyền thống hơn 100 năm trồng quất cảnh, nông dân xã Cẩm Hà, TP Hội An đã chuẩn bị 71.000 chậu quất phục vụ Tết Ất Tỵ.
Gần một tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, những vườn quất cảnh ở xã Cẩm Hà, TP Hội An quả bắt đầu chín chuyển vàng. Quất được trồng dưới đất hai năm, đến năm thứ ba đánh lên chậu, chăm sóc một năm rồi bán.
Chủ vườn Nguyễn Quốc Cường, trú xã Cẩm Hà, kiểm tra những cây quất quả chín vàng. Gia đình anh trồng 2.000 chậu, Tết này có thể bán 1.500 chậu.
Toàn bộ số quất được thương lái từ Quảng Bình, Quảng Trị và Đà Nẵng đặt mua hết, giá từ 500.000 đến 2,5 triệu đồng mỗi chậu, doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 500 triệu đồng, anh Cường cho biết.
Bà Nguyễn Thị Ba mặc áo mưa tưới nước cho vườn quất. “Quất Cẩm Hà trồng trong chậu nên cần nhiều nước. Mỗi ngày nhà vườn tưới ít nhất hai lần”, bà giải thích.
Nghề trồng quất cảnh ở Cẩm Hà có truyền thống hơn 100 năm. Xã hiện có khoảng 600 hộ dân chuyên trồng quất bán Tết, là nơi trồng quất lớn nhất miền Trung.
Ông Nguyễn Thanh Dũng (áo đen) đang ngắt bỏ những quả quất không đẹp. Gia đình trồng 400 chậu, đạt chất lượng 300 chậu, hiện đã bán hết. “Thời điểm cây ra hoa nắng nhiều nên đậu quả ít, tỷ lệ thành công đạt 70%”, ông nói.
Trước khi bàn giao cây cho khách, người trồng dùng dây buộc các cành tạo thế và phân bố quả cho đồng đều.
Để có chậu quất bán Tết, người trồng phải trải qua nhiều công đoạn, gồm phun thuốc phòng sâu bệnh, cắt tỉa cành tạo dáng, tưới nước, bón phân, loại bỏ quả xấu…
Ông Mai Thanh Hùng, Phó chủ tịch xã Cẩm Hà, cho biết năm nay người dân trồng khoảng 71.000 chậu quất. Hiện đã bán 70%, giá tăng 10-15% so với năm trước.
9/1 là ngày hội quất cảnh Cẩm Hà lần thứ 9 nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa ngành nghề, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo thêm sản phẩm du lịch cho địa phương.
Anh Nguyễn Tế Nhân trồng 300 cây đã bán hết, trong đó có 10 cây quất cổ thụ, quất thế cho thuê. Trước khi bàn giao cho khách, anh thuê người thay chậu mới. Giá mỗi cây cho thuê dịp Tết 3-10 triệu đồng.
Tại Cẩm Hà có nhiều người chuyên làm nghề đúc chậu cung cấp cho chủ vườn. Chậu được làm bằng xi măng, bêtông bán 30.000-700.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ. “Mỗi ngày sơn chậu tôi nhận tiền công 250.000 đồng, công việc kéo dài đến gần Tết mới nghỉ”, bà Trương Thị Lan nói.
Chị Trương Thị Thu Nhung, thương lái ở Đà Nẵng, mua 200 chậu quất. Sau khi đặt cọc, chị để lại cho chủ vườn chăm sóc, đến ngày 16/12 Âm lịch mới chở về bày bán ở chợ hoa Liên Chiểu.