(Nhiếp ảnh cuộc sống) Giống nghêu lụa chỉ sinh trưởng tự nhiên nên người làm thuê chỉ cào tối đa 30 cân mỗi ngày và được trả công 25.000 đồng một ký.
Những tháng cuối năm, từ sáng sớm khi nước triều rút, người dân ở xã Thới Thuận (huyện Bình Đại, Bến Tre) lại ra biển cào nghêu thuê.
“Sân nghêu ở đây do hợp tác xã quản lý, mỗi ngày sẽ phát phiếu cho khoảng 40 người dân trong vùng đến cào”, ông Ngô Thanh Phong (bảo vệ bãi nghêu) cho biết.
“Nghêu ở bãi là giống nghêu lụa chỉ sinh trưởng tự nhiên, rất khó nuôi thương phẩm. Loại này to, vỏ màu tía, có giá thị trường khoảng 140.000 đồng một cân, cao hơn nghêu trắng thường thấy”, ông Phong cho biết.
“Khoảng từ giữa năm cho đến gần Tết thì bà con trong xã mới cào nghêu lụa vì lúc đó chúng sinh trưởng nhiều. Nhưng mỗi tháng chúng tôi cũng chỉ cào gần chục ngày khi nước rút sâu nhất thôi”, anh Cần, có thâm niên gần 10 năm cào nghêu, chia sẻ.
“Vì sinh trưởng tự nhiên nên con nghêu lụa sống rải rác trên bãi biển, được bắt bằng cách cào cạn trên cát. Mình dùng bàn cào tự chế, rà quanh bãi cát, nghe tiếng kêu nghĩa là trúng nghêu rồi dùng cây vít xúc bỏ vô túi lưới”, chị Kim Anh (30 tuổi) cho biết.
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, khi làm nên đi thành cặp và cào theo kiểu cuốn chiếu trên cát để không bị sót nghêu.
“Loài này không sống tập trung như nghêu nuôi nên có khi cào vài vòng mà không trúng con nào. Có ngày chúng tôi cào từ sáng sớm đến trưa mà chỉ được vài ký”, anh Trịnh Văn Tiến (30 tuổi) nói.
Đến khoảng 10h, khi nước bắt đầu lên, những người cào nghêu thuê rút lên bờ. Mỗi ngày, họ được hợp tác xã cho cào tối đa 30 ký để đảm bảo ai cũng có sản phẩm và nghêu không bị tận diệt.
Người cào nghêu ở xã Thới Thuận thường đi theo nhóm. Chỉ vào giỏ nghêu, bà Thoa nói: “Cả gia đình gồm ba người của tôi là một nhóm. Cào từ sáng sớm, dồn hết của mọi người lại mới được chừng này đây”.
Nhiều người cào nghêu như chị Trịnh Thị Ánh Tuyết (28 tuổi) lúc nào cũng phải che kín mặt, tay chân khi đi làm để tránh nắng.
Khoảng 11h, những người cào thuê tập trung tại một khu vực khô ráo để chủ bãi nghêu thu gom và trả tiền công.
“Một cân nghêu lụa được hợp tác xã trả 25.000 đồng. Người nào cũng cào tối đa 30 ký nên cũng kiếm cả gần triệu mỗi ngày. Mà nghề này chỉ là phụ thôi, công việc chính của bà con trong xã trồng dưa hấu”, chị Tuyết nói.
Nghêu được rửa sạch, lựa lại rồi vận chuyển đi tiêu thụ tại các chợ ở TP HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai.