Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội – 54 năm xây dựng và phát triển

Thăng Long – Hà Nội, mảnh đất địa linh nhân kiệt, từ đời này qua đời khác đã nảy sinh và hội tụ biết bao danh nhân, anh tài, với những di tích lịch sử, di tích cánh mạng oanh liệt và những kiệt tác bất hủ.

Từ một Chi hội Văn nghệ Hà Nội được thành lập vào ngày 10/10/1966. Đại hội I tập hợp được hơn 200 đại biểu của năm phân hội là: Văn – Thơ, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh – Điện ảnh, Sân khấu, Âm nhạc. Đã bầu được một Ban chấp hành gồm 27 người: Chủ tịch –  Tô Hoài; các phó chủ tịch: Lương Ngọc Trác, Lương Xuân Nhị; Tổng thư ký – Nguyên Xuân Sanh; các Phó tổng thư ký: Nguyễn Bắc, Bùi Hạnh Cẩn; các Uỷ viên thường vụ: Trần Huyền Trân, Việt Dung, Anh Thơ; 18 uỷ viên Ban chấp hành phụ trách các chuyên ngành, Xuân Liễu phụ trách ngành nhiếp ảnh.

Sau hai năm hoạt động, do không ngừng gia tăng  số lượng hội viên, đại hội II vào ngày 10/10/1968, đã quyết định đổi tên Chi hội Văn nghệ Hà Nội thành Hội Văn nghệ Hà Nội. Sau 24 năm hoạt động và phát triển (1966 – 1990), Hội Văn Nghệ Hà Nội đã tổ chức được các cuộc đi thực tế sáng tác như: làng gốm sứ Bát Tràng, nông trường Tam Thiên Mẫu. Hằng năm Hội tổ chức các cuộc triển lãm, biểu diễn, xuất bản và bình xét các giải thưởng, 05 năm Hội tổ chức xét tặng giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô (sau 1986 đổi thành giải thưởng Thăng Long). Những năm đầu thành lập, các hội viên Phân hội  Nhiếp ảnh lớp trước hoạt động tích cực, có nhiều tác phẩm triển lãm và giành giải thưởng như: Võ An Ninh, Đỗ Huân, Bàng Thúc Long, Minh Trường, Vũ Ba, Xuân Liễu, Trần An, Hoàng Đăng, Mai Nam, Mai Anh, Đinh Quang Thành, Thanh Lạng …

Năm 1980, qua giao lưu, trao đổi với giới nhiếp ảnh Sài Gòn, Huế, Phân hội Nhiếp ảnh đã có sáng kiến kết nghĩa ba thành phố tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật: “Hà Nội – Huế – Sài Gòn”, để đáp ứng phần nào niềm khát khao của công chúng phía Nam đã nhiều năm không được chiêm ngưỡng Tháp Rùa, Hồ Gươm, Sông Hồng… cũng như công chúng Thủ đô không được chiêm ngưỡng sông Hương, núi Ngự, lăng tẩm Cố đô và bến cảng Nhà Rồng nơi Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước…

Ngày 20 – 21/6/1986 Phân hội Nhiếp ảnh Hà Nội tổ chức cuộc hội thảo “Nhiếp ảnh Hà Nội với truyền thống văn hoá và con người thanh lịch” nhằm khơi gợi và động viên mọi người cùng nhau gìn giữ nét đẹp, nét thanh lịch của Thủ đô. Ngoài các tham luận của các nghệ sĩ nhiếp ảnh như Đỗ Huân, Lê Phức, Hoàng Kim  Đáng, Nguyễn Long, Đinh Quang Thành, Lê Cường… còn mời các hội viên phân hội bạn cùng tham gia hội thảo như nhà văn Nguyễn Tuân, Tô Hoài, nhà sử học Trần Quốc Vượng, Giáo sư Vũ Khiêu; Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện với tham luận: “Vì Hà Nội thân yêu” – cảnh tỉnh một Hà Nội sẽ xấu đi khi con người không tự nâng niu bảo vệ, gìn giữ… Năm 1986, Phân hội Nhiếp ảnh Hà Nội đã tổ chức 03 năm liền triển lãm ảnh “Hà Nội đẹp và chưa đẹp”, ngoài mảng ảnh ca ngợi những nét đẹp của nhân dân Thủ đô trong lao động, sản xuất, học tập, sinh hoạt… nay có thêm mảng ảnh “chưa đẹp” đã gây tiếng vang lớn trong công chúng, tiêu biểu là bức ảnh: “Một kiểu kính lão” của Vũ Nhật, thể hiện mấy thanh niên ngồi trên trạc cây thõng hai chân đung đưa trước mấy mái đầu bạc; “Đi xe đạp trong công viên Thống Nhất” của Xuân Liễu, phê phán 04 anh công an bất chấp nội quy, đi xe đạp trong công viên.

Năm 1987  Phân hội Nhiếp ảnh Hà Nội đã liên hệ đưa 12 đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội về các hợp tác xã nông nghiệp, đơn vị sản xuất các huyện ngoại thành như: Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thanh Trì…trong nhiều ngày để thâm nhập thực tế sáng tác. Năm 1989 Phân hội Nhiếp ảnh lần đầu tiên tổ chức liên tiếp 02 khoá  học, lớp “Bước đầu học ảnh” và lớp nâng cao “Sáng tác ảnh nghệ thuật”. Giảng viên là các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng như: Đỗ Huân, Đỗ Quốc Ân, Nguyễn Long, Trần Cừ, Đinh Quang Thành, Phạm Thái Tri,  Phạm Thành… Chính những học viên các lớp này, sau thành lập Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Hà Nội, nhiều thành viên CLB đã trở thành hội viên Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội và hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. CLB Nhiếp ảnh Hà Nội vẫn tồn tại và vẫn  sinh hoạt  đều đặn cho tới nay.

Đại hội VII họp vào ngày 06/12/1990, Hội Văn nghệ Hà Nội chuyển thành Hội Liên hiệp Văn học Nghê thuật Hà Nội, trước đó ngày 14/11/1990 Phân hội Nhiếp ảnh Hà Nội chuyển thành Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội. 75 hội viên trong Đại hội đã bầu được một Ban Chấp hành Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội khoá I nhiệm kỳ 1990 – 1995 gồm: Tổng Thư ký Hội Mai Nam (Nguyễn Hữu Thống); Phó Tổng Thư ký Hội Lê Cường và các Ủy viên BCH Hội: Lê Viết Tình, Vũ Quang Huy; NSNA Trần Cừ, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội. Từ đó Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội lấy ngày 10/10 hàng năm (Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954) làm ngày triển lãm ảnh nghệ thuật truyền thống của Hội.

Ban Chấp hành Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội khoá II, nhiệm kỳ 1996 – 2000 gồm: Tổng Thư ký Hội Xuân Liễu (Trần Xuân Liễu); Phó Tổng Thư ký Hội Lê Cường và các Ủy viên BCH: Đinh Quang Thành, Phùng Thanh Hùng, Nguyễn Việt Hưng; NSNA Nguyễn Trọng Thanh, Chủ tịch HĐNT Hội NANT Hà Nội.

Ban Chấp hành Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội khoá III, nhiệm kỳ 2000 – 2005 gồm: Tổng Thư ký Hội Lê Cường, hai Phó Tổng Thư ký Hội Vũ Đức Tân, Nguyễn Dần và các Ủy viên BCH Hội: Tạ Hải, Nguyễn Tất Bình, Đào Quang Minh; NSNA Vũ Đức Tân, Chủ tịch HĐNT Hội NANT Hà Nội.

Ban Chấp hành Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội khoá IV, nhiệm kỳ 2006 – 2010 gồm: Chủ tịch Hội Vũ Đức Tân, 02 Phó Chủ tịch là Tạ Hải và Nguyễn Đức Chỉnh, Ủy viên BCH: Nguyễn Trọng Pháo, Nguyễn Tất Bình, Đào Quang Minh, Lại Diễn Đàm. NSNA Đặng Ngọc Thái, Chủ tịch HĐNT Hội NANT Hà Nội; NSNA Hồng Trọng Mậu, Phó Chủ tịch HĐNT Hội NANT Hà Nội và NSNA Đinh Quang Thành Ủy viên HĐNT Hội. Trải qua 20 năm với 04 kỳ Đại hội (1990 – 2010), từ 75 hội viên khoá I đến hết khóa III đã lên tới 269 hội viên, từ một CLB Nhiếp ảnh cuối khoá I, đến hết khóa III đã phát triển lên tới 11 CLB.

Khoá IV nhiệm kỳ 2006 – 2010 là một khoá đầy biến động, cuối năm 2008 Hà Tây sáp nhập với Hà Nội nên Chi hội Nhiếp ảnh Hà Tây cùng Ban Chấp hành hợp nhất với Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội khiến Hội nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội không những mạnh về số lượng mà phạm vi hoạt động cũng rộng lớn hơn, đề tài sáng tác phong phú hơn đồng thời bổ sung NSNA Nguyễn Đăng Vinh vào BCH Hội và NSNA Hồng Trọng Mậu, Chủ tịch HĐNT Hội NANT Hà Nội.

Năm 2010 cả nước hưởng ứng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Triển lãm ảnh “Hà Nội thành phố 1000 năm” của Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội được Ban Tổ chức đưa vào một trong 54 hạng mục chính thức trong chương trình đại lễ, là niềm vinh dự nhưng cũng là trọng trách của Ban Chấp hành Hội. Lễ khai mạc triển lãm ảnh diễn ra cùng ngày khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội ngày 01/10/2010. Đây là cuộc ra quân khá đầy đủ và rầm rộ nhất của giới nhiếp ảnh nghệ thuật Thủ đô, với niềm tự hào, ngàn năm mới có một lần, 1000 bức ảnh được trưng bày tại 02 địa điểm là nhà triển lãm 45 Tràng Tiền và vườn hoa Quốc tử giám. Ngoài cuốn sách ảnh triển lãm “Hà Nội thành phố 1000 năm” ra, trong  dịp này Hội còn in một cuốn sách ảnh “Thăng Long – Hà Nội 1000  năm” và 05 tập bưu ảnh. 1000 bức ảnh dẫu rằng chưa nói được nhiều điều, song đó là tấm lòng của giới nhiếp ảnh Thủ đô dâng hiến tới đại lễ Thăng Long – Hà Nội. Thành công của triển lãm ảnh “Hà Nội, thành phố 1000 năm”, là dấu son sáng ngời của khoá  IV  Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội.

Đại hội V nhiệm kỳ 2011 – 2015, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật  Hà Nội tổ chức ngày 15/01/2011 đã bầu ra một Ban Chấp hành gồm 07 người gồm các NSNA: Đặng Đình An – Chủ tịch Hội, 02 Phó Chủ tịch Hội là Nguyễn Đức Chỉnh và Nguyễn Tất Bình, 03 Ủy viên BCH Hội: Hồng Trọng Mậu, Nguyễn Thị Tuyết Minh, Bùi Công Phiếu, Kim Bùi Mạnh. Các thành viên Ban Chấp hành phần lớn là những gương mặt mới, giới nhiếp ảnh Thủ đô hy vọng bằng sự đoàn kết, tinh thần trách nhiệm trong Ban Chấp hành, hãy vì sự nghiệp chung, xây dựng Hội thành một tập thể đoàn kết vững mạnh, không ngừng trao đổi nghiệp vụ, từng bước nâng cao hơn nữa mặt bằng nghệ thuật chung, với tính tư tưởng, hình thức nghệ thuật mang đậm phong cách Hà Nội, bởi nét hào hoa, phóng khoáng pha chút trữ tình bay bổng có chiều sâu của đất ngàn năm văn hiến.

Đại hội VI nhiệm kỳ 2016 – 2020, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật  Hà Nội tổ chức ngày 18/01/2016 đã bầu ra Ban Chấp hành khóa VI gồm 07 NSNA: Đặng Đình An, Nguyễn Thị Tuyết Minh, Đào Quang Minh, Nguyễn Xuân Chính, Nguyễn Huỳnh Mai, Nguyễn Cao Minh, Vũ Quang Ngọc. Tại Hội nghị Ban Chấp hành khóa VI nhiệm kỳ 2016 – 2020, phiên họp thứ nhất, ngày 18/01/2016, Ban Chấp hành khóa VI đã nhất trí đồng thuận bầu NSNA Đặng Đình An là Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội khóa VI; 02 Phó Chủ tịch Hội là NSNA Nguyễn Thị Tuyết Minh và NSNA Đào Quang Minh; 04 NSNA Nguyễn Cao Minh, Nguyễn Huỳnh Mai, Vũ Quang Ngọc, Nguyễn Xuân Chính là Ủy viên Ban Chấp hành Hội.

Ngày 19 – 20/4/2018, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức Đại hội lần thứ XII nhiệm kỳ 2016 – 2021. Tại Đại hội, các đại biểu đã bầu chọn 27 thành viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khóa XII gồm: Kiến trúc sư Nguyễn Văn Hải, Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, GS. TS. Lê Hồng Lý, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Đình An, Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Họa sĩ Phạm Kim Bình, Kiến trúc sư Nguyễn Đình Thanh, NSND Nguyễn Trung Hiếu, Nghệ sĩ múa Nguyễn Văn Bích, Nhạc sĩ Giáng Son (Tạ Thị Giáng Son), Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tuyết Minh (Nguyễn Thị Tuyết Minh); NSND. Đạo diễn phim hoạt hình Hà Bắc (Nguyễn Hà Bắc); NSND Trần Quốc Chiêm, Nghệ sĩ múa Nguyễn Thế Chiến, Đạo diễn Đào Duy Phúc, Nhà văn Y Ban (Phạm Thị Xuân Ban), Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, Nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Thị Thanh Loan, PGS. TS. Đỗ Thị Hảo, Hoạ sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Hoạ sĩ Nguyễn Văn Chuốt, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Quang Minh, Nhà văn Vi Thùy Linh, NSND Bùi Thanh Trầm, Nhà nghiên cứu Giang Nguyên Thái, Nhà viết kịch Nguyễn Ngọc Thụ.

Tại phiên họp đầu tiên, BCH Hội đã bầu ra các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch: NSND Trần Quốc Chiêm (Hội Sân khấu Hà Nội) được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khóa XII nhiệm kỳ 2016 – 2021 và bốn Phó Chủ tịch: Nhà thơ Trần Đăng Khoa (Hội Nhà văn Hà Nội); Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh (Hội Âm nhạc Hà Nội); Nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Thị Thanh Loan (Hội Điện ảnh Hà Nội); Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Đình An (Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội). Có thể nói lần đầu tiên Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội có 03 NSNA trong BCH Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, trong đó có một được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khóa XII. Đó là vinh dự lớn của Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội.

Hà Nội năm 2020
Bài: NSNA Nguyễn Thị Tuyết Minh
Phó Chủ tịch Hội NANT Hà Nội khóa VI, nhiệm kỳ 2016 – 2020

Tin liên quan