(Nhiếp ảnh Hà Nội) Nghệ thuật nhiếp ảnh Hà Nội có từ những năm nửa đầu thế kỷ 20, nếu tính từ sau khi Hà Nội được giải phóng 10/10/1954, ngày 10/10/1966 thành lập Chi hội văn học nghệ thuật Hà Nội khi đó nhiếp ảnh chỉ là phân hội, tới năm 1990 phân hội nhiếp ảnh Hà Nội do phát triển và trưởng thành đã trở thành Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội.
Cho tới nay Hội chúng ta đã trải qua 47 năm, hiện có 294 hội viên và đã tổ chức được 42 cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật truyền thống 10/10. Đã có hàng nghìn tác phẩm được công bố, tuy vậy, cho tới nay hầu như chưa có một bài lý luận phê bình về nhiếp ảnh Hà Nội nói chung và các tác phẩm nói riêng. Có chăng chỉ là những bài mang tính giới thiệu sự phát triển của Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội hoặc giới thiệu các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật của Hà Nội, đăng tải nhờ trên tạp chí Nhiếp ảnh, hoặc trên báo chí… Bởi nhiếp ảnh Hà Nội chưa có một diễn đàn, hay nói một cách khác là chưa có “đất” để các nhà lý luận “dụng võ.” Và cũng chưa một lần phát động anh em lý luận phê bình lên tiếng. Trong khi nhìn sang Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam thành lập ngày 9/12/1965, tới tháng 7/1978 đã có cuốn tạp chí Nhiếp ảnh, 2 tháng ra một kỳ rồi 1 tháng một kỳ, trước đó 10 năm Hội đã có cuốn nội san Nhiếp ảnh 3 tháng ra một kỳ. Tới nay ngoài cuốn tạp chí Nhiếp ảnh còn có cả trang web Vapa. Do diễn đàn lý luận phê bình có từ nhiều năm nên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã xây dựng và tập hợp được một số nhà lý luận phê bình (tuy không nhiều) nhưng cũng có những bài về lý luận phê bình nhiếp ảnh trong tạp chí Nhiếp ảnh và trang web Vapa. Tuy vậy, có một điều thuận lợi cho chúng ta, đó là những hội viên lý luận phê bình của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Viêt Nam (tại Hà Nội) đồng thời cũng là hội viên của Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội. Nếu hội chúng ta có một trang web, hoặc cuốn nội san, tạp chí, chỉ cần phát động anh em lý luận phê bình viết bài lý luận phê bình về nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội là có thể tập hợp số hội viên lý luận phê bình hưởng ứng.
Các nhà lý luận phê bình trước hết cần tôn trọng những nhà sáng tác, hơn nữa cần tôn trọng tác phẩm mà những nhà sáng tác đã trăn trở, lao tâm khổ tứ với những tìm tòi, sáng tạo mới có. Giữa những nhà sáng tác với nhũng nhà lý luận phê bình cùng tôn trọng lẫn nhau để cùng gánh vác công việc chung.
Có như vậy, các nhà lý luận phê bình với các nhà sáng tác mới xoá nhoà khoảng cách, sát cánh cùng với các nhà sáng tác, cùng nhau xây dựng một nền nhiếp ảnh tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trên đây là một vài ý kiến của tôi mong muốn góp một phần nào đó nhằm tháo gỡ những hạn chế và khó khăn trong lý luận phê bình nhiếp ảnh Hà Nội hiện nay. Ý kiến trên, có thể đúng, có thể không, song đó là những lời tâm huyết. Rất mong những người có trách nhiệm quan tâm.
Tác giả bài viết: Hồng Trọng Mậu