(Nhiếp ảnh Hà Nội) – Hàng ngày trên đất nước này, trên trái đất này đã diễn ra hàng ngàn hàng vạn hình ảnh, sự kiện, những con người xuất chúng… đòi hỏi người nghệ sỹ phải có năng lực quan sát, phân tích , phải biết chắt lọc và ghi chép cố định những hình ảnh ấy. Để người xem như sờ thấy, như hiện ra trước mắt. Đó là mục tiêu phấn đấu , hướng tới và cả tài năng của người nghệ sỹ nhiếp ảnh nữa.
Với cái tên bài viết này, tôi xin trình bầy trực tiếp những thành công và thất bại trong cuộc đời cầm máy của mình. Tôi cầm máy tập sự chụp ảnh từ năm 1968, là lính chiến trường B&C, vừa cầm súng chiến đấu, vừa cầm bút viết báo và cầm máy chụp ảnh. Tôi đã viết hàng trăm bài báo ở chiến trường, chụp hàng nghìn bức ảnh về con đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh và tôi cũng thấu hiểu nỗi đau lòng của các bà mẹ có con ra đi nơi trận mạc, hiểu được một cách cụ thể sự hy sinh xương máu của những người lính cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Những ngày ấy tầm nhìn còn hạn chế, tay nghề còn yếu nên tôi không có được những tác phẩm mang dấu ấn thời đại.
Cuối thập niên 1970 của thế kỷ trước, khi đã chuyển ngành về làm phóng viên, biên tập viên tại tuần báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam, tôi được Bộ Thương binh và Xã hôị ( nay là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ) mời đi thực tế ở tỉnh Thái Bình, cùng đi có nhà thơ Ngô Văn Phú , nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và một số nhạc sỹ nổi tiếng khác. Họ viết văn, làm thơ và sáng tác nhạc, còn tôi chụp ảnh là chính. Chuyến đi gần một tuần lễ mà tôi chụp không hết một cuốn phim 36 kiểu. Đành rằng khi đó vật tư nhiếp ảnh đắt đỏ và khan hiếm, nhưng phần chính là do tôi vừa bóc áo lính ra đời thường , chưa hòa nhập với thực tế đời sống của hậu phương. Đến với tỉnh lúa Thái Bình tôi vẫn còn loay hoay suy nghĩ, tìm cách thể hiện.
Ngày cuối cùng tổng kết chuyến đi, sở Thương Binh – Xã Hội tỉnh Thái Bình tổ chức chiêu đãi báo chí rất trọng thể. Trong khi phát biểu , ông giám đốc sở khen ngợi một số bài thơ, bản nhạc sáng tác tại chỗ khá xuất sắc đã gây xúc động lòng người, nhưng khi nhắc đến nhiếp ảnh, ông bất ngờ quay sang tôi hỏi “ Tại sao đồng chí phóng viên nhiếp ảnh lại chụp ít ảnh thế ?”
Tuy bị “đột kích” nhưng tôi vẫn đủ bình tĩnh trả lời vị giám đốc sở : “ Thưa đồng chí, đề tài này rất rộng, sâu sắc và nhạy cảm, rất khó thể hiện”. Đề cập đến sự hy sinh cao cả của bà mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh hạ ra họ – những chàng trai ra đi cứu nước và có đến hàng vạn con người không trở về, để lại nỗi đau cho mẹ.
Đề cập đến cuộc chiến đấu hy sinh “ máu chảy đầu rơi ” ấy đâu phải chuyện dễ ! trong số đó cũng còn ít người sống sót trở về với những thân hình không còn nguyên vẹn, đã khắc sâu vào nỗi đau tâm thức qua cái nhìn trực giác của loại hình nhiếp ảnh và hội họa nữa…
Tôi thiết nghĩ : sẽ chẳng có ai muốn xem ảnh chân dung những anh chị em thương binh, phế binh cụt chân, cụt tay, dùng tay thay cho đôi chân hoặc đi bằng nạng gỗ.
Nhiếp ảnh cũng như hội họa, nếu không đủ khả năng, khó bề thể hiện thành công. Nhưng với thơ ca và âm nhạc thì có nhiều tác phẩm thể hiện cực hay và sâu sắc, sẽ sống mãi cùng năm tháng. Ngày ấy tôi đinh ninh rằng quan điểm của mình là đúng.
Mãi đến 10 năm sau ( 1989 ) được xem bức ảnh “ Theo anh vào đời ” của Thu An (TP Hồ Chí Minh ) qua cuộc thi triển lãm ảnh nghệ thuật tại TP Hồ Chí Minh và ít lâu sau chính tác phẩm này đoạt giải thưởng lớn tại Nhật Bản tôi mới ngộ ra rằng “Theo anh vào đời” là TP nghệ thuật đích thực về đề tài thương binh và xã hội. Ban giám khảo quả là có “đôi mắt xanh” thực sự! Trong ảnh, chàng thương binh ngồi trên xe lăn , tay cầm bó hoa ngoảnh về phía sau nhìn người con gái mặc blu trắng, chiếc khăn quàng màu trắng nhẹ bay, cô gái đang đẩy xe cho anh. Bên cạnh họ còn một bé gái xinh xắn ( đích thị con của họ ) xách lẵng hoa tươi chạy theo bố mẹ.
Nhìn bức ảnh mới thấy hết vẻ hạnh phúc rạng ngời của gia đình người thương binh cụt chân, trong tôi dâng trào cảm xúc vừa yêu quý vừa cảm phục những con người Việt Nam, nhất là người phụ nữ đã vượt lên mọi đau thương mất mát của chiến tranh để tìm thấy hạnh phúc và tình yêu chân chính của mình.
“Theo anh vào đời” của Thu An càng khảng định là tác phẩm thành công nhất về đề tài Thương binh –Xã hội khi đạt huy cương vàng tại Hồng Kông năm1996, tại Áo năm 2000 và giải thưởng lớn tại Nhật Bản. Sau hơn 20 năm thử thách vẫn giữ nguyên giá trị, được hội đồng tuyển chọn in trong tập sách : Nhiếp ảnh Việt Nam Thế kỷ XX do Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao kết hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam xuất bản năm 2006.
Tác phẩm thứ hai mang tên:“Đợi con về” của tác giả đại tá Trần Hồng, phóng viên báo QĐND chụp mẹ Nguyễn Thị Thứ- mẹ VNAH ở Quảng Nam có 9 người con trai, một con rể , một cháu ngoại là liệt sỹ hy sinh trong ba cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và quân xâm lược phương Bắc.
Nhìn qua ảnh mẹ Nguyễn Thị Thứ đã hơn 100 tuổi, ngồi trước mâm cơm, bần thần nhìn vào khoảng không trước mắt mà chẳng thấy đứa con nào, chỉ còn 9 cái bát, chín đôi đũa. Ở giữa mâm cơm là bát hương cắm 9 nén hương đang cháy dở.
Trong không gian tưởng như tĩnh lặng ấy toát lên sự hy sinh lớn lao ghê gớm. Và lúc ấy tôi đã khóc khi đọc bài thơ “Mẹ Liệt sỹ”của nhà thơ – họa sỹ Văn Thao ( con trai của cố nghệ sỹ đa tài Văn Cao ) viết vào năm 1984.
Đến giờ phút này có thể khảng định chắc chắn rằng: Các anh Thu An và Trần Hồng thực sự là những tài năng vì họ nhận thức đúng về chân lý cái đẹp, còn tôi phải thừa nhận sự kém cỏi từ trong nhận thức và thể hiện tư tưởng nghệ thuật của mình.
Đợt đi thực tế lần thứ 2 với đề tài lớn: Công trình thủy điện Sông Đà ở Hòa Bình. Đây là một công trình thủy điện lớn và hiện đại nhất Đông Nam Á thời bấy giờ do Liên Xô giúp ta xây dựng.
Tôi cùng đoàn phóng viên tòa soạn Báo Văn Nghệ đến sông Đà nhiều lần, có lần cả Tổng biên tập – nhà văn Nguyễn Văn Bổng và các phó tổng biên tập Đào Vũ, Hoàng minh Châu cùng đi. Chúng tôi được ban lãnh đạo thủy điện Sông Đà đón tiếp rất trọng thị. Nhiều lần họ đích thân dẫn đoàn xuống thực địa để giới thiệu. Trong bữa cơm thân mạt tiễn đoàn, ông bí thư Đảng ủy hỏi tôi một câu: “Qua mấy lần đến với công trình tôi thấy đ/c cứ đăm chiêu suy nghĩ mà ít thấy chụp ảnh ?”. Tôi cũng thành thật trả lời : “ Thưa đ/c ! tôi không thể chụp như phóng viên các báo hay phóng viên TTXVN chụp, chức năng của họ là cung cấp thông tin bằng bài viết, ảnh chụp về tiến độ thi công trong quá trình xây dựng đến khi kết thúc bằng một bộ ảnh giới thiệu toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh công trình thủy điện Hòa Bình về đêm điện sánh lung linh … thế là xong, còn tôi, tôi phải quan sát và ghi chép theo cách của tôi, chỉ cần 5 tấm ảnh” cụ thể là :
Tấm thứ nhất : Cảnh Thác Bờ hung dữ đã tàn phá bao nhiêu bè mảng , nhà cửa và con người khi vượt thác.
Tấm thứ 2 : Thác Bờ hiền hòa, khẳng định sự hữu hiệu của công trình thủy điện Hòa Bình trên sông Đà.
Tấm thứ 3 : Toàn cảnh đập nước Thủy điện Hòa Bình đang vận hành, nước tung bọt trắng xóa.
Tấm thứ 4 : Điện Sông Đà vào thành phố, Thủy điện Hòa bình đã thắp sáng mọi nơi.
Tấm thứ 5 : Một trạm bơm tưới tiêu đang đưa nước vào đồng ruộng. Hậu cảnh là cánh đồng lúa xanh mượt mà, làng mạc xa xa.
Tôi cho rằng chỉ cần 5 tấm ảnh đó là đủ nói về đại công trình thủy điện hòa bình trên sông Đà rồi.
Lao động nghệ thuật, dù là nhà văn, nhà thơ, họa sỹ hay nhạc sỹ, trong quá trình sáng tạo đi vào cuộc sống để thể hiện thành tác phẩm thì “ Đường đến đích phải là đường ngắn nhất, cô đọng nhất, có tính khái quát hóa, điển hình hóa cao”. Nhiếp ảnh nghệ thuật cũng không ngoài quỹ đạo ấy. Đó cũng là đặc trưng, nét tương đồng và dị biệt giữa ảnh thời sự, báo chí và ảnh nghệ thuật.
Với nhiếp ảnh nghệ thuật từ cuộc sống đi vào tác phẩm nghệ thuật đã khó, đi vào đề tài con người, tìm ra bức chân dung đích thực về họ còn khó hơn. Đã có không ít những nhà nhiếp ảnh cao thủ, điêu luyện trong việc sử dụng ánh sáng, bố cục, tạo hình để có được bức chân dung “Mây thua nước tóc, tuyết nhường mầu da” làm cho các cô gái trong ảnh đẹp hơn nhiều ở ngoài đời, khiến họ tâm phục khẩu phục tài năng của nhà nhiếp ảnh. Tuy nhiên ! không phải tất cả, có khi gặp đối tượng có trình độ cao, họ chỉ thừa nhận khi tác giả chụp đúng về họ.
Năm 1982, trong một lần vào chụp ảnh và làm sách tại phố cổ Hội An – Đà Nẵng, tôi được tiếp xúc với một nữ biệt động thành, một tình báo viên khá xinh đẹp ở một quán cà phê bên sông Hàn. Cô ấy còn là người mẫu cho họa sỹ Lưu Công Nhân vẽ nhiều lần và kiến trúc sư – họa sỹ Ka Zích người Ba Lan cũng đã vẽ. Trong câu chuyện vui, tôi liền vào đề:
– Em quả là vinh dự, đã lọt vào mắt xanh của hai họa sỹ tài danh và có được những bức chân dung tuyệt mỹ. Theo em, em thích họa sỹ nào hơn.
Cô gái liền trả lời :
– Họa sỹ Lưu Công Nhân thường vẽ đẹp hơn người mẫu. Rất nhiều cô gái bị chinh phục. Nhưng vẽ đúng về em, phải là họa sỹ KaZích. Ông ấy vẽ chân dung em không xinh đẹp, bức chân dung ấy ông ấy vẽ đôi mắt của em “nhảy” ra nửa khuôn mặt, làm em giật mình! Bị bắt đúng mạch, em choáng liền. Ngoài tài năng hội họa ông ấy còn là một chiêm tinh gia cỡ bự, ông ấy rất nhanh chóng đọc được cả nội tâm nhân vật đang vẽ, thật đáng sợ!
Nghe cô gái nói, tôi thật sự cảm phục về cảm quan thẩm mỹ của cô ấy. Nhiếp ảnh cũng vậy. Người có tay nghề vững, họ có thể chụp chân dung đẹp hơn người mẫu không mấy khó khăn. Khi đối tượng bị chinh phục, nói gì, yêu cầu gì họ cũng làm theo, nhưng “chộp” được bức chân dung “có thần” không phải là chuyện dễ.
Tôi cũng có đôi chút thuận lợi, được tiếp cận môi trường văn nghệ, được làm quen với một số nghệ sỹ nổi tiếng nên có dịp quan sát ngoại hình, tìm hiểu về cá tính, cuộc sống riêng tư của họ, tác phẩm của họ, trước khi hướng ống kính vào con người đó, bức chân dung đó.
Tác giả bài viết: Hoàng Kim Đáng